Những năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh An Giang đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh An Giang Trương Thị Mỹ Hạnh cho biết: “Các cấp hội trong tỉnh thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu và hoàn cảnh của hội viên, để có biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp. Đồng thời, hội đóng góp hiệu quả vào chính sách xã hội hóa, vận động nguồn lực xã hội để tổ chức bảo vệ, chăm sóc trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi.
Từ đó, người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo được cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao đời sống. Trải qua hơn 30 năm bền bỉ, cách làm của hội là trao trực tiếp cho đối tượng, không vận động lưu kho hay nhập quỹ”.
Bằng nguồn ngân sách của địa phương, sự hỗ trợ của Trung ương, sự tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, thời gian qua, tỉnh thực hiện khá tốt lĩnh vực từ thiện, nhân đạo, xã hội. Các cơ sở nuôi dưỡng người già cô đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng.
Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh được đầu tư, nuôi dạy tập trung hàng trăm trẻ khiếm thị, khiếm thính. Ngoài ra, nhiều người già, trẻ mồ côi, người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng.
“Thương người như thể thương thân”, đó là truyền thống nhân ái cao quý của dân tộc từ bao đời nay. Cùng với trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, việc quan tâm chăm sóc, giúp đỡ người bất hạnh là trách nhiệm, đạo lý của toàn xã hội. Từ yêu cầu và ý nghĩa đó, Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh được thành lập năm 1993.
“Sự cố gắng bền bỉ, đầy tâm huyết, cán bộ, nhân viên của hội đã làm tốt vai trò nòng cốt trong vận động, tổ chức hoạt động từ thiện, nhân đạo, phần nào bù đắp về mặt tinh thần, trợ giúp về vật chất cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo trong tỉnh, giúp họ thắp lên niềm tin vào cuộc sống. Nhiều người vượt khó vươn lên, có cuộc sống tốt hơn” - bà Trương Thị Mỹ Hạnh chia sẻ thêm.
Năm 2023, các cấp hội đã kêu gọi, vận động trợ giúp tiền, hàng hóa, thuốc men; tổ chức thăm, tặng quà cho 126.836 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo, số tiền trên 47 tỷ đồng. Nhiều địa phương kêu gọi, vận động sự giúp đỡ tại chỗ để trợ cấp thường xuyên bằng tiền, hoặc lương thực, thực phẩm (thấp nhất 150.000 đồng/người/tháng) cho 26.270 lượt đối tượng khuyết tật, mồ côi, số tiền 5,7 tỷ đồng.
Cùng với đó là hoạt động phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể cho 874 người mù (trên 2,3 tỷ đồng); khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 32.883 người (hơn 1,7 tỷ đồng); hỗ trợ bệnh nhân nghèo đóng viện phí, cấp cứu, điều trị ung thư (trên 4,3 tỷ đồng). Hoạt động tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp học sinh nghèo; tặng nhà Tình thương… cũng được các cấp hội thường xuyên thực hiện tốt.
Bà Trương Thị Mỹ Hạnh nhận định: “Có thể thấy, các hoạt động của hội ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả, tạo sức lan tỏa, sự chia sẻ, chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, cùng chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi”.
Năm 2024, hội tiếp tục vận động nhà hảo tâm ủng hộ quỹ hội, liên kết với các nhóm từ thiện trợ giúp trẻ em khó khăn, người khuyết tật; phối hợp ngành chức năng, doanh nghiệp tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật; hỗ trợ người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở xã điểm xây dựng nông thôn mới cải thiện sinh hoạt, trợ giúp sinh kế.
Bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả, hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo các cấp trên địa bàn tỉnh là điểm tựa, giúp các đối tượng yếu thế vơi đi mặc cảm, khó khăn, vươn lên sống có ích cho xã hội.