Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xảy ra khá nhiều đợt nắng nóng. Đỉnh điểm gần đây nhất là đợt nắng gay gắt từ ngày 27/4-1/5 khiến nhiều diện tích rừng rơi vào tình trạng “báo động đỏ”, nguy cơ cháy rừng rất cao, thậm chí một số diện tích rừng đã bị cháy. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương trong mùa khô 2024, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng vẫn ở mức cao…
Ngay từ đầu mùa khô 2024, Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị, chủ rừng kiện toàn ban chỉ đạo cấp huyện và cấp cơ sở; chủ động xây dựng phương án bảo vệ rừng (BVR) và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) cấp xã và chủ rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; triển khai vệ sinh rừng trước mùa khô, tu bổ các công trình PCCCR; tổ chức trực 24/24 giờ tại các chòi canh và tại thực địa ở những vùng trọng điểm có nguy cơ cao về cháy rừng... Nhìn chung, công tác BVR và PCCCR đã và đang được các cấp, ngành, địa phương, chủ rừng thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra và tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng trong mùa khô 2024 vẫn chưa được ngăn chặn triệt để…
Trong kỳ nghỉ lễ từ ngày 27/4-1/5, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ bình quân trên 40oC, độ ẩm không khí thấp, kèm theo gió phơn tây nam thổi mạnh, dự báo cháy rừng luôn ở cấp IV-V (cấp cực kỳ nguy hiểm) nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trong dịp này, toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy rừng tại các huyện: Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa và 23 điểm phát lửa; diện tích rừng bị thiệt hại hơn 13ha. Hiện toàn bộ các vụ cháy rừng kể trên vẫn đang được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ...
Ông Đinh Thanh Quang, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình cho biết: Đơn vị được giao quản lý gần 14.000ha diện tích rừng và đất rừng (trong đó, rừng và đất rừng phòng hộ trên 5.000ha; rừng và đất rừng sản xuất gần 6.000ha; số còn lại thuộc diện tích rừng và đất rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng). Rất nhiều diện tích rừng và đất rừng của đơn vị được giao quản lý đều có vị trí ven biển, thuộc địa bàn TP. Đồng Hới và hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Qua công tác kiểm tra, rà soát, chúng tôi nhận thấy, ngoài nguy cơ tiềm ẩn dễ xảy ra cháy rừng tại các khu vực này do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, thì còn có các yếu tố, như: Thảm thực bì từ cành khô, lá rụng nằm lại trên diện tích rừng và đất rừng tích lũy qua nhiều năm; những trảng cỏ rười, cỏ may chính là chất liệu dễ xảy ra cháy rừng; do nhiều diện tích rừng và đất rừng của đơn vị quản lý nằm đan xen với các nghĩa địa nên việc người dân mang lửa vào rừng thắp hương, đốt vàng mã, sử dụng lửa bất cẩn, rất khó để quản lý, ngăn chặn…
Ngoài ra, tại tuyến đường tránh lũ ngang qua địa bàn hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, do lưu lượng xe cơ giới, xe khách dừng nghỉ hàng ngày ở tuyến đường này khá nhiều nên việc theo dõi người sử dụng lửa bất cẩn gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, một số diện tích rừng ngoài quy hoạch được mua, bán qua nhiều chủ và phần lớn bị bỏ hoang, không thực hiện các biện pháp PCCCR nên rất dễ xảy ra cháy và lan sang các diện tích lân cận; tình trạng một số khách du lịch vào rừng cắm trại nghỉ ngơi, chụp ảnh lưu niệm quanh các trụ điện gió cũng tiềm ẩn nguy cơ dùng lửa bất cẩn gây cháy rừng khá cao…
“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ BVR và PCCCR, BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình đã động viên cán bộ, nhân viên luôn xem “Cháy rừng như thể cháy nhà/Cháy rừng như thể cháy da thịt mình”, từ đó, phát huy tinh thần trách nhiệm thực thi công việc hiệu quả hơn, lấy phòng ngừa là chính, khi chữa cháy phải khẩn trương, kịp thời và triệt để. Ngoài ra, đơn vị còn vận động, kêu gọi cộng đồng, người dân cần chung tay, góp sức, xem BVR và PCCCR là trách nhiệm của toàn dân chứ không phải là nhiệm vụ của riêng lực lượng chức năng, chủ rừng…”, ông Đinh Thanh Quang chia sẻ thêm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng chia sẻ: Thời gian qua, công tác PCCCR đã được huyện quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện rất quyết liệt từ cấp huyện đến xã, thị trấn, chủ rừng. Tuy nhiên, do việc xử lý thực bì tại một số địa bàn chưa triệt để, tình trạng người dân vào rừng lấy mật ong, chăn thả gia súc trong rừng và sử dụng lửa bất cẩn, đốt lau lách để trồng cỏ chăn nuôi, xử lý thực bì trong mùa khô thiếu sự kiểm soát…, đã dẫn tới nguy cơ về cháy rừng trong mùa khô trên địa bàn là rất cao. Bên cạnh các nguyên nhân nói trên, việc bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế cũng là nguyên nhân gây khó khăn đối với công tác PCCCR trên địa bàn. Trong năm 2023, toàn huyện xảy ra 22 điểm phát lửa, trong đó có 2 vụ cháy gây thiệt hại về rừng với diện tích 1,55ha.
Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác quản lý, BVR và PCCCR năm 2024, ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thẳng thắn chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn dễ xảy ra cháy rừng trong những tháng còn lại của mùa khô năm 2024 và các mùa khô tiếp theo, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân tham gia BVR và PCCCR vẫn còn hạn chế; chính quyền một số địa phương vẫn chưa thực sự quyết liệt trong công tác BVR và PCCCR, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; sự phối hợp giữa các cấp, ngành, lực lượng BVR và PCCCR còn thiếu đồng bộ; việc điều tra, xử lý một số vụ phá rừng trái pháp luật, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng còn chậm, hiệu quả chưa cao…
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.