Với việc thu hồi được số lượng lớn súng tự chế, Đồn Biên phòng Ia Đal (BĐBP Kon Tum) là điểm sáng về thực hiện tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Với kết quả này, đơn vị được cấp trên, chính quyền và nhân dân đánh giá cao vì đã tích cực đẩy lùi những hiểm họa từ súng tự chế, qua đó, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn quản lý.
Đồn Biên phòng Ia Đal quản lý 7 thôn thuộc 2 xã Ia Đal, Ia Dom (huyện Ia HD’rai, tỉnh Kon Tum.) Nơi đây có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, chủ yếu là Kinh, Gia Rai, Mường, Dao, Tày, Thái, Nùng, Xê Đăng... Đại đa số người dân là công nhân thuộc Công ty Cao su Sa Thầy, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn thấp, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, nhận thức về các loại tội phạm vẫn còn nhiều hạn chế. Một bộ phận nhân dân là người đồng bào dân tộc thiểu số (nhất là người dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc di cư tới) có thói quen săn bắn vào những thời gian không khai thác mủ cao su để cải thiện cuộc sống, dẫn đến việc sử dụng vũ khí tự chế vẫn còn diễn ra trên địa bàn.
Theo Đại úy Phạm Tiền Đạt, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Ia Đal, một số bộ phận người dân từ phía Bắc vào có kĩ năng chế tạo súng có thể gây sát thương từ những vật liệu đơn giản. Mặc dù chưa xảy ra những vụ đặc biệt nghiêm trọng, thế nhưng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các đồn Biên phòng xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân giao nộp súng tự chế, vật liệu nổ.
Để đạt được kết quả tốt nhất, Đồn Biên phòng Ia Đal đã có lộ trình cụ thể, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương từ công tác tuyên truyền, vận động người dân giao nộp đến xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Một công việc tưởng chừng như rất dễ vì ai cũng hiểu về những hiểm họa khôn lường khi giữ súng tự chế trong nhà, thế nhưng, để người dân giao nộp lại không hề đơn giản. Tuy nhiên, với việc kết hợp giữa dân vận khéo và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Đồn Biên phòng Ia Đal đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
Là một trong những người tự nguyện giao nộp khẩu súng kíp cho Đồn Biên phòng Ia Đal, anh Nông Văn Hái (thôn 3, xã Ia Đal) chia sẻ câu chuyện của mình. Năm 2012, anh Hái từ tỉnh Cao Bằng vào Ia Đal làm công nhân cho Công ty Cao su Sa Thầy. Cuộc sống ở vùng đất mới gặp nhiều khó khăn, khi tay nghề cạo mủ chưa cao nên thu nhập thấp. Anh Hái tự mình chế tạo khẩu súng dùng để bắn chim, sóc để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Vốn khéo tay, anh đã làm thành công một khẩu súng săn tự chế rất đẹp.
Và không thể phủ nhận những “lợi ích” mà khẩu súng mang lại, vậy nên, khi Đồn Biên phòng Ia Đal tuyên truyền, vận động về việc giao nộp súng tự chế, anh Hái thấy rất phân vân. Không chỉ mất đi một “kênh” cải thiện bữa ăn cho gia đình, mà khẩu súng cũng đã trở thành “bạn” với anh sau thời gian gắn bó, dù không đi săn nữa, anh Hái cũng muốn giữ làm kỷ niệm.
Thế nhưng, lời cán bộ BĐBP nói không phải không có lý, sau 12 năm chăm chỉ làm ăn, cuộc sống hiện tại của gia đình anh Hái đã đỡ vất vả hơn trước. Việc đi săn cũng hạn chế vì những quy định về săn bắt động vật trong rừng. Đại úy Phạm Tiền Đạt nói, giữ lại khẩu súng trong gia đình sẽ “mất nhiều hơn được”. Vì súng tự chế từ những vật liệu không đảm bảo, nên có trường hợp khi bắn nòng vỡ, thuốc súng bắn ngược lại vào người. Chưa kể, việc cất súng trong nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các con còn nhỏ, tính tò mò mang ra nghịch. Hoặc trong cuộc sống có thể xảy ra mâu thuẫn với người này, người kia, trong phút không kiềm chế được bản thân rất dễ xảy ra chuyện ngoài mong muốn. Càng nghe Đại úy Phạm Tiền Đạt nói, anh Hái càng thấy có lý nên đã vui vẻ giao nộp súng cho cán bộ Đồn Biên phòng Ia Đal.
Đối với anh Hà Văn Quyền (thôn 4, xã Ia Đal), giao nộp súng vì anh luôn tin những gì bộ đội nói và làm. Năm 2017, anh Quyền đưa vợ từ Thanh Hóa vào Ia Đal bắt đầu cuộc sống mới. Mỗi tháng, anh Quyền có được 3-4 triệu đồng từ việc chăm sóc, cạo mủ cao su. Vợ chồng anh Quyền cũng được công ty tạo điều kiện cho tận dụng khu vực bìa lô hợp thủy để trồng điều, nhưng thu nhập cũng không được bao nhiêu, trong khi cuộc sống có nhiều thứ phải chi phí, nhất là khi các con đi học. Năm 2018, anh Quyền mua lại một khẩu súng để vào rừng săn bắn, cải thiện bữa ăn cho vợ con.
Tháng trước, Đại úy Hoàng Văn Thành, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Đal xuống nhà. Thực ra, bấy lâu nay, những người lính Biên phòng không còn xa lạ gì đối với gia đình anh Quyền. Con đầu của anh Quyền bị bại não, được đồn Biên phòng giúp đỡ rất nhiều. Hàng tháng, Đại úy Hoàng Văn Thành đều đến nhà trao cho anh một số tiền để hỗ trợ anh nuôi con. Anh Quyền biết rằng, để có được số tiền ấy, những người lính Biên phòng đã tăng gia sản xuất, tiết kiệm chi tiêu. Tấm lòng của những người lính Biên phòng, hơn hai hết, gia đình anh rất hiểu. Bởi vậy, khi biết được chủ trương và những lần tuyên truyền của BĐBP, anh Quyền đã chủ động mang lên đồn khẩu súng của gia đình để giao nộp.
Tính đến hết tháng 4/2024, qua tuyên truyền, vận động, Đồn Biên phòng Ia Đal đã thu hồi 31 khẩu súng các loại. Với số lượng này, Đồn Biên phòng Ia Đal là đơn vị thu hồi được số lượng lớn nhất trong số 16 đơn vị thuộc BĐBP Kon Tum. Theo Trung tá Nguyễn Văn Đại, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Đal, để có được kết quả đó là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các đoàn thể, tổ chức xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, địa phương trong tuyên truyền, vận động cũng như xử lý kiên quyết, nghiêm khắc với các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, đơn vị làm tốt công tác điều tra cơ bản, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động phong phú, đa dạng, phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc.
"Chúng tôi luôn xác định, đấu tranh với việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, pháo phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và triệt để. Đây cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng Biên phòng, Công an, Quân sự là nòng cốt, ưu tiên phát huy tối đa sức mạnh từ cơ sở. Quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá từng giai đoạn và kịp thời chấn chỉnh thiếu sót, hạn chế, từ đó, điều chỉnh phương án đấu tranh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng bám sát thực tiễn" - Trung tá Nguyễn Văn Đại nhấn mạnh.