Xã Toàn Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình) có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, chiếm trên 70%. Nhằm không ngừng chăm lo, cải thiện đời sống người dân, cấp ủy, chính quyền đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa xã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cùng cán bộ, giáo viên Trường mầm non Toàn Sơn mang "mùa Xuân” đến với gia đình ông Đặng Tiến Dũng, xóm Tra, hộ người Dao đồng thời là người có công trên địa bàn xã. Trong căn nhà cấp 4 như được sưởi ấm bằng tình cảm, những lời ân cần thăm hỏi, thể hiện sự quan tâm, sẻ chia của nhà trường đối với các hộ chính sách trên địa bàn. Cô giáo Tạ Thị Lâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Toàn Sơn chia sẻ: "Đây là hoạt động thường xuyên trong các dịp lễ, Tết được nhà trường tổ chức nhằm chung tay chăm lo đời sống người dân tộc thiểu số, người có công trên địa bàn xã. Phần quà tuy không lớn nhưng là tấm lòng nhằm động viên, khích lệ các gia đình nỗ lực vươn lên vượt khó, giảm nghèo”.
Ông Bàn Văn Hưởng, người có uy tín xóm Tra chia sẻ: "Cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đời sống nhân dân trong xóm dần khởi sắc, thu nhập bình quân đến nay ước đạt 45 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó, mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp phát triển đa dạng với các giống cây chủ lực như: bạch đàn, keo, măng…; đường sá thuận lợi giúp nông sản tiêu thụ dễ dàng, giá thành ổn định”.
Xã Toàn Sơn hiện có 688 hộ với gần 2.600 nhân khẩu, sinh sống tại 5 xóm. Theo rà soát, trên địa bàn tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, trong đó dân tộc Dao chiếm đa số, sống chủ yếu tại xóm Phủ, Rãnh, Tra. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền chủ động thực hiện công tác giảm nghèo, các chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án lồng ghép đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng; tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; triển khai quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư tại những nơi cần thiết; phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, chú trọng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo thống kê trong năm 2022 - 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huy động nguồn vốn đạt trên 4,2 tỷ đồng. Địa phương đã tập trung nguồn lực để phát triển sản xuất, góp phần tích cực cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; đầu tư, nâng cấp 3 tuyến đường giao thông nông thôn tại xóm Tân Sơn, Tra, Rãnh…; duy tu, bảo dưỡng 12 công trình hạ tầng thiết yếu đáp ứng nhu cầu dân sinh. Đối với hỗ trợ sinh kế, các chương trình, dự án hỗ trợ lồng ghép đã tạo điều kiện cho nhân dân phát triển mô hình chăn nuôi lợn sinh sản; 15 hộ được hỗ trợ nông cụ, máy móc chuyển đổi nghề. Nguồn vốn cũng đã hỗ trợ 96 téc nước cho các hộthuộc diện hộ nghèo, khó khăn về nước sinh hoạt.
Đồng chí Đinh Thị Cúc, Chủ tịch UBND xã Toàn Sơn cho biết: "Xác định công tác chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất với các cấp. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, chú trọng sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng. Hỗ trợ dự án sinh kế bền vững thông qua đào tạo, chuyển đổi và giới thiệu việc làm cho lao động địa phương. Có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức thực hiện kiêm nhiệm công tác dân tộc. Qua đó quyết tâm nâng cao chất lượng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.