Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Phú Thọ, trong những năm qua, huyện Thanh Sơn xác định ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình, chính sách về công tác dân tộc đã phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đầu tư, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Gia đình anh Đặng Tiến Thông, dân tộc Dao, xã Tân Lập là một trong những điển hình về xóa đói, giảm nghèo của huyện. Trước đây, gia đình anh là một trong những hộ nghèo của xã. Bươn trải, lam lũ quanh năm cũng chẳng đủ ăn, có đất có đồi, nhưng không biết nuôi con gì, trồng cây gì, lấy gì làm vốn.
Sau khi được đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở Hợp tác xã bưởi Mường Động (Hòa Bình) và được xã hỗ trợ 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi, anh Thông đã cải tạo gần 1ha đất để trồng cây bưởi theo hướng hàng hóa, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn sinh thái.
Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất, vườn bưởi nhà anh Thông phát triển mạnh, cho thu hoạch chỉ sau 2 năm trồng và cho thu nhập cả trăm triệu đồng một năm.
Tại khu Bái, xã Đông Cửu, mô hình nuôi vịt suối của gia đình ông Hà Xuân Mai, dân tộc Mường đạt hiệu quả kinh tế. Theo ông Mai, nuôi vịt suối cho thời gian xuất bán nhanh hơn, mỗi năm sẽ được khoảng 3 lứa, mỗi lứa nuôi 200 con. Nuôi loại vịt này không tốn quá nhiều công chăm sóc và cơ bản lao động nông nhàn ở độ tuổi nào cũng chăm sóc được. Bà con không phải lo đầu ra, bởi đã có đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm. Mô hình nuôi vịt suối đã thu hút hơn chục hộ dân tham gia theo hướng thương phẩm, giải quyết việc làm, tăng nhu nhập cho người dân trong xã.
Những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, huyện Thanh Sơn đã triển khai đồng bộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Với nhiều cách làm thiết thực giúp tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đã giảm qua các năm, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Với hơn 45.000ha đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 73% diện tích tự nhiên, huyện Thanh Sơn khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, nhất là các xã, khu thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Đã có hàng trăm hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đồi rừng với quy mô lớn như: gia trại, trang trại nông, lâm kết hợp, có những trang trại quy mô lớn cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng tại các xã: Cự Thắng, Sơn Hùng, Giáp Lai, Lương Nha, Địch Quả, Hương Cần, Võ Miếu, Thục Luyện...
Từ năm 2021 đến nay, với tổng nguồn vốn được phân bổ từ ngân sách Trung ương gần 12 tỷ đồng, các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.
Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thanh Sơn Nguyễn Quang Hải cho biết: Nhằm tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo bền vững, huyện đã thực hiện việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu, trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương. Đồng thời, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Tuy nhiên, huyện Thanh Sơn vẫn còn gặp nhiều khó khăn như địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn; trong khi, nguồn lực trong nhân dân hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng tự vươn lên thoát nghèo của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn...
Trước thực tế đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Sơn Phạm Tú chia sẻ, nâng cao đời sống cho nhân dân là tiền đề và nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Huyện đã tập trung rà soát, phân tích thực trạng, nguyên nhân, từ đó đề ra những giải pháp tích cực nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đặc biệt là chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời, tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để làm “đòn bẩy” giúp người dân tự lực vươn lên trong cuộc sống.