Tiêu điểm

“Cây đại thụ” nơi biên viễn

T.Anh - T.Thành 04/03/2024 13:11

Ở bản Nà Bủng 2, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, có một người đàn ông dân tộc Mông đã bỏ ra rất nhiều công sức để bảo vệ, giữ gìn đường biên, cột mốc trong suốt hơn ba thập kỷ. Ông là Mùa Chờ Thào (SN 1960) - người được xem là “cây đại thụ”, “thủ lĩnh tinh thần” của đồng bào Mông ở vùng đất biên viễn này.

Gian khó những ngày đầu

Nậm Pồ là một trong những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên, có gần 120km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào, có 8 dân tộc anh em Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh, Dao… cùng chung sống. Trong đó, dân tộc Mông chiếm đến gần 70%. Nhiều năm qua với sự nỗ lực của Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào, hàng trăm km đường biên và cột mốc đã được dựng lên phân rõ ranh giới, chủ quyền giữa 2 nước.

anh-bai-cay-dai-thu-noi-bien-vien-1.jpg
Suốt hơn 30 năm qua, ông Thào vẫn lặng lẽ bảo vệ, tuần tra cột mốc

Để gìn giữ, bảo vệ đường biên, cột mốc, ngoài các lực lượng chức năng còn có sự đóng góp không nhỏ của những người dân - những người đã tình nguyện ra nơi biên ải xa xôi, khai hoang, dựng nhà, lập làng lập bản và coi biên giới là nhà, là quê hương thứ hai của mình. Trong đó điển hình là gia đình ông Mùa Chờ Thào (SN 1960), ở bản Nà Bủng 2, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Ông Thào kể, vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, Nà Bủng (Nậm Pồ) vẫn rừng hoang núi thẳm, dân cư thưa thớt. Năm 1990, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước giãn dân ra biên giới, Nà Bủng bắt đầu có người dân từ các tỉnh Lào Cao, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La di cư đến đến cắm đất dựng nhà, lập làng lập bản. Và ông Thào là một trong những cư dân đầu tiên của vùng đất cực Tây này.

Khi ấy, khu vực xã Nà Bủng chưa có đường giao thông. Cuộc sống của nhóm di cư đầu tiên vô cùng khó khăn, vất vả. Ngoài lúa gạo, dầu, muối, những thứ còn lại chủ yếu họ phải dựa vào thiên nhiên. Thậm chí để có hạt muối dùng, người dân ở đây phải gùi từ 30 – 50kg gạo, băng rừng vượt suối ra tận cây 34 (thuộc địa phận xã Si Pa Phìn) để đổi. Cả đi lẫn về mất chừng 5 ngày.

Là người có uy tín trong khu vực, người dân ở đây ví ông Thào như “cây đại thụ”, “thủ lĩnh tinh thần” của họ. Mọi việc trong bản, việc nhà hầu như mọi người đều đến hỏi, tham khảo ý kiến của ông.

Ngoài ra, từ nhiều năm nay, ông Thào còn là tấm gương sáng trong phong trào giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ đường biên, cột mốc. Do thông thuộc địa bàn nên hầu ông thường xuyên dẫn đường cho bộ đội, dân quân đi tuần tra biên giới, bảo vệ cột mốc. Bản thân ông cũng thường xuyên đi tuần tra các cột mốc 51, 53.

Ông Thào kể, do đường đi không có, mỗi lần đi tuần tra kéo dài hàng tuần trời. Cứ cơm đùm cơm nắm, “xé” rừng, vén cây, men theo khe suối mà đi. Nhiều đoạn trơn trượt, đá tai mèo nhọn hoắt khiến ông bị ngã, chân tay bị trầy xước, chảy máu là chuyện cơm bữa. Nhiều khi cỏ dại mọc um tùm, phủ kín cột mốc, cộng với sương mù che khuất tầm nhìn, ông và Tổ tuần tra phải mất hàng giờ đồng hồ với tìm ra cột mốc.

Bị những kẻ xấu dọa “thủ tiêu”

Khu vực biên giới Nậm Pồ vốn dĩ giao thông đi lại khó khăn, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, thế nên rất dễ bị các đối tượng xấu, lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hoạt động chống phá Nhà nước. Cũng vì vậy mà công việc tuyên truyền vận động người dân không tin, không nghe theo kẻ sấu gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Thào chia sẻ, mới đầu người dân không thích Bộ đội Biên phòng và công an vì cho rằng họ hay bắt người. Ông đã đến tận nhà tuyên truyền và khuyên mọi người theo cách dễ hiểu nhất.

“Bộ đội, Công an bảo vệ an ninh trật tự, bình yên cho nhân dân khỏi các đối tượng xấu, tệ nạn ma túy. Cũng giống như người dân mình muốn bảo vệ nhà cửa, hoa màu, trâu bò thì nhà mình cần phải có bờ rào. Mình không làm sai, không vi phạm pháp luật (không phá rừng, không trồng cây thuốc phiện, không đi theo kẻ xấu…) thì công an không bắt mình. Cán bộ nào có biểu hiện xấu, không tốt thì bà con báo tôi, tôi có ý kiến lên cấp trên; hay bản thân tôi còn chỗ nào chưa tốt, bà con cũng góp ý trực tiếp để tôi sửa”. Những lời nói của ông Thào như mưa rừng thấm đất, dần dà đồng bào đã hiểu ra, không còn sợ công an, bộ đội nữa, biết việc gì là vi phạm pháp luật, việc gì không nên làm.

anh-bai-cay-dai-thu-noi-bien-vien-2.jpg
Ông Thào (thứ 2, từ phải sang) cùng BĐBP xuống địa bàn làm công tác dân vận

Năm 2005, qua nắm bắt thông tin từ trong nhân dân, ông Thào đã phát hiện có 3 đối tượng từ bên Lào vào địa bàn “chiêu mộ” thanh niên trai tráng trên địa bàn cho đi học võ, học bắn súng và tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”. Theo dõi một thời gian, ông biết được thời điểm đó có Hờ Sáy Tùng, trưởng bản Ngải Thầu 1 đã tiếp tay cho 3 đối tượng xấu vào hoạt động tại địa bàn. Đồng thời, anh em họ hàng của Tùng cũng có những biểu hiện đi theo kẻ xấu.

Một mặt ông Thào âm thầm báo cho Bộ đội Biên phòng, mặt khác ông đã gọi Hờ Sáy Tùng đến nhà tuyên truyền, vận động, giải thích, khuyên can: “Con làm thế là sai. Trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Bố gọi con đến đây để nói nhỏ cho con biết. Nếu còn tiếp tục sai, còn để các đối tượng xấu vào địa bàn bố sẽ báo lên cấp trên bắt con”.

Phải mất rất nhiều thời gian tuyên truyền, vận động, ông Thào mới khiến Hờ Sáy Tùng nhận ra sai lầm và hứa sửa chữa. Kể từ đó, Tùng không tiếp tay cho kẻ xấu vào địa bàn bản Ngải Thầu 1, 2 tuyên truyền, hoạt động trái phép. Nhưng cũng chính vì những việc ông Thào làm đã phá vỡ nhiều kế hoạch, âm mưu của bọn xấu nên có không ít kẻ muốn dằn mặt, thậm chí là trừ khử ông.

Năm 2003 – 2004, nhiều lần nhà ông Thào bị đối tượng xấu ném đá vào lúc nửa đêm. Năm 2011 – 2012, chúng còn liên kết với lực lượng ở nước ngoài muốn bắt ép ông giúp chúng thực hiện ý đồ kêu gọi người dân trong vùng đi theo thành lập “Nhà nước Mông”. Nếu ông không đồng ý, chúng sẽ “thủ tiêu”.

Nắm được thông tin đó, các lực lượng chức năng đã lên kế hoạch và cử cán bộ chiến sĩ về cơ sở “nằm vùng” để bảo vệ an toàn cho ông và người dân trong vùng. Thời kỳ cao điểm có đến 6-7 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp sinh hoạt ăn nghỉ tại nhà ông trong suốt 6 tháng trời.

Gương sáng cho con cháu noi theo

Không chỉ trực tiếp tham gia bảo vệ, đường biên mốc giới, chống các hoạt động “diễn biến hòa bình”, thành lập “Nhà nước Mông”, ông Mùa Chờ Thào còn luôn vận động, vợ con, người thân trong gia đình tham gia vào các hoạt động đoàn thể, xã hội, tham gia bảo vệ đường biên mốc giới. Đồng thời, ông cũng là tấm gương sáng trong việc giáo dục con cháu trong nhà, khiến nhiều người dân trong thôn bản học tập và noi theo.

Ông Thào có 4 người con đều được học hành đầy đủ. Người con thứ 3, Mùa A Chay, có 2 bằng Đại học. Con trai cả Mùa Páo Sỉnh làm Bí thư Chi bộ bản Nà Bủng 1, 2. Người con trai thứ 2 làm công an xã Nà Bủng. Còn vợ ông, bà Vàng Thị Vang thì từng có 6 năm làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nà Bủng.

anh-bai-cay-dai-thu-noi-bien-vien-3.jpg
Ông Thào được tặng thưởng rất nhiều Giấy khen, Bằng khen về công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên, cột mốc trên biên giới

Nói về truyền thống tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc của gia đình, anh Mùa Páo Sỉnh chia sẻ: “Bảo vệ đường biên, cột mốc chính là bảo vệ bình yên cho bản làng, cho gia đình mình, bố đã dạy chúng tôi thế! Chính vì vậy, từ khi bố tôi tuổi cao, bước chân đi rừng không còn được nhanh nhẹn như trước nữa, mấy anh em chúng tôi cùng nhau tiếp tục công việc tham gia bảo vệ đường biên cột mốc mà bố đã làm. Bằng cách phối hợp với bộ đội Biên phòng đi tuần tra. Những lần đi làm, đi thăm nương tôi đều ghé qua cột mốc kiểm tra”.

Anh Sỉnh nhớ mãi vào năm 2006, trong một lần đi thăm nương, anh phát hiện có một đối tượng lạ từ bên Lào sang. Bí mật theo dõi, anh phát hiện đối tượng có mang theo súng. Ban ngày hắn đi đâu không rõ, nhưng cứ tối lại về gần khu vực cột mốc 49 để ngủ. Thấy khả nghi, anh Sỉnh đã báo cáo lên Đồn Biên phòng, tổ chức mật phục vây bắt thành công đối tượng và trao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh xử lý.

Đại úy Nguyễn Văn Sơn, Chính trị viên phó, Đồn Nà Bủng cho biết, Đồn Biên phòng Nà Bủng là một trong những đồn quản lý số kilomet đường biên giới dài nhất của huyện Nậm Pồ, với trên 40km đường biên, 14 cột mốc. Thời gian qua, Đồn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể xã tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia các hộ tự quản đường biên cột mốc, tổ tự quản về an ninh trật tự, vận động nhân dân tố giác các loại tội phạm. Những người như ông Thào thực sự là “đầu tàu” trong phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cũng theo Đại úy Sơn thì 30 năm qua, những người dân sinh sống khu vực biên giới đã cùng với Bộ đội Biên phòng, cấp ủy chính quyền xây dựng “Thế trận lòng dân vững chắc” nơi biên giới. Đập tan mọi âm mưu của các thế lực thù địch góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biên biên giới quốc gia.

Đặc biệt, từ năm 2015, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/02/2015 của Thủ tướng chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, công việc bảo vệ đường biên, mốc giới càng được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Đồng thời, nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Nà Bủng đã được đầu tư xây dựng điện đường, trường trạm khang trang. Bộ mặt nông thôn vùng biên có nhiều thay đổi, đời sống người dân từng bước được cải thiện...

Dẫu biết cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn vất vả. Song với sự chung sức đồng lòng của quân và dân, sự đóng góp của những “cột mốc sống” nơi biên cương như ông Mùa Chờ Thào, người ta có thể tin tưởng rằng, miền đất biên viễn xa xôi nơi cực Tây của Tổ quốc sẽ ngày càng khởi sắc và bền chắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO