Ba Đồn-địa danh gắn liền với sông Gianh lịch sử cùng nhiều trầm tích bể dâu và bề dày văn hóa truyền thống. Minh chứng dễ nhận thấy chính là các lễ hội đầu xuân đặc sắc, đa dạng trường tồn từ thuở khai canh, lập làng cho đến ngày nay. Theo thống kê, TX. Ba Đồn có 7 lễ hội chào xuân được tổ chức trong tháng giêng (âm lịch). Mỗi lễ hội đều có những nét độc đáo riêng biệt của mỗi vùng quê nhưng tựu trung đều chứa đựng ý nghĩa về tâm linh, hướng về nguồn cội và hiện thân của sự gắn kết cộng đồng.
Lưu giữ văn hóa truyền thống
Như thường lệ hàng năm, lễ hội Kỳ phúc được tổ chức chu đáo, bài bản tại đình làng Hòa Ninh, xã Quảng Hòa (TX. Ba Đồn). Đây là một trong những lễ hội đầu xuân còn giữ được những nét độc đáo có truyền thống hàng trăm năm qua.
Lễ có 2 phần chính: Phần thứ nhất là lễ tế được các cụ thông xướng, chủ tế, bồi tế và chấp sự đọc văn tế, dâng rượu. Phần thứ hai là lễ dâng hương, là thời điểm toàn thể người dân địa phương bày tỏ lòng thành kính của mình với các vị tổ tiên, thành hoàng. Những bài văn tế được trình bày theo thể thức được truyền từ các thế hệ đi trước, và người đọc văn tế thường là các cụ cao niên, đức cao vọng trọng cầu mong cho nhân dân bình an hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng yên ổn.
Sau lế tế, người dân địa phương tổ chức lễ rước kiệu ngài Thành hoàng. Khiêng kiệu gồm 8 người, 2 người cầm lọng, 1 người chỉ huy mặc áo thụng màu xanh, đánh trống tiểu cổ tạo không khí linh thiêng, trang nghiêm. Đình làng Hòa Ninh có 5 gian và 4 vài, thờ tự những vị tổ khai cơ lập làng, những vị danh giá khoa bảng đỗ đạt có công lớn đối với làng. Hiện nay, ở đình còn giữ lại được 10 đạo sắc phong qua các triều vua ban tặng.
Sau phần lễ được tổ chức chu đáo, trang nghiêm tại đình làng Hòa Ninh là phần hội diễn ra tại sân đình, bao gồm các trò chơi dân gian truyền thống, đặc biệt là cờ thẻ, trò chơi bắt buộc phải có trong lễ hội Kỳ phúc.
Người làng Hòa Ninh tâm niệm rằng, lễ hội Kỳ phúc là dịp để các thế hệ sau biết về tổ tiên của mình, giáo dục cho người sống về đạo hiếu với tổ tiên, là một nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc luôn được giữ gìn và phát triển.
Trên địa bàn TX. Ba Đồn cũng có nhiều lễ hội đầu xuân nức tiếng, thu hút khách thập phương khác, như: Lễ hội Khai hạ, phường Quảng Long (7/1 âm lịch); lễ hội đình làng Phan Long, phường Ba Đồn; lễ hội đình làng La Hà, xã Quảng Văn đều được tổ chức vào ngày 15-1 (âm lịch) hàng năm…
Cũng có truyền thống từ hàng trăm năm qua, lễ cầu yên được tổ chức hàng năm ở đình làng Lũ Phong, phường Quảng Phong vào ngày 18/1 (âm lịch) hàng năm để tưởng nhớ công lao khai khẩn của 5 vị thành hoàng và cầu quốc thái dân an. Trước đó, đại diện các dòng họ trong làng sẽ tới các miếu của 5 vị thành hoàng để "rước linh" về đình làng. Ngày hôm sau mới bắt đầu các thủ tục cúng bái, dâng lễ. Phần hội là các trò chơi dân gian truyền thống, như: Đấu roi, đấu quyền, hát nhà trò, kéo co, thả chim, bơi thuyền...
Ngày nay, nhiều trò chơi truyền thống được thay thế bằng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao giải trí. Tuy nhiên, phần lễ vẫn do ban lễ tế là các cụ cao niên trong làng đảm nhận. Các thủ tục làm lễ cũng như các bài tế văn thần vẫn được giữ nguyên và tiếp tục truyền đời.
Bồi đắp thế hệ kế cận
Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, cuộc sống hiện đại khiến văn hóa ngoại du nhập ồ ạt, các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ phai nhạt theo thời gian, đặc biệt là với người trẻ. Và thực tế ở TX. Ba Đồn cũng vậy, mặc dù nhiều lễ hội đầu xuân vẫn giữ được những sắc thái riêng biệt của từng vùng đất, từng địa phương nhưng có một điểm chung là “vắng bóng” những người trẻ. Đó cũng là bài toán đầy thách thức trong thời đại hội nhập như hiện nay, khi mà internet “lên ngôi” như chia sẻ của ông Trần Dương Sơn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông TX. Ba Đồn.
Khác với những lễ hội xuân truyền thống ở các địa phương, hội vật truyền thống ở TX. Ba Đồn có lẽ là một trong những lễ hội thu hút sự chú ý và hưởng ứng tích cực nhất của lớp người trẻ. Năm nay, Ban tổ chức đặc biệt lưu ý các đội tổ chức tập luyện, ưu tiên cho những người trẻ tham gia. Hội vật có truyền thống và là thế mạnh ở TX. Ba Đồn. Bên cạnh các vùng đất có truyền thống như Quảng Long, Quảng Thọ, hầu hết các địa phương đều có các tổ đội, võ đường thi đấu môn vật.
Em Nguyễn Văn Tiến, 18 tuổi thuộc võ đường phường Quảng Phong là một trong những đô vật trẻ tuổi nhất tham gia hội vật lần thứ XXII năm nay. Tiến đang học lớp 12 và đây là năm thứ 2 tham gia nhưng đã xuất sắc đánh bại các đối thủ hạng cân từ 45-50kg để giành giải vô địch, nhất là các đối thủ nặng ký ở đất vật Tượng Sơn (Quảng Long), Minh Phượng (Quảng Thọ).
Nguyễn Văn Tiến chia sẻ, ban đầu em tham gia võ đường chỉ để rèn luyện sức khỏe vì người nhỏ con quá, nhưng khi vào tập được các anh, các chú chỉ dạy thêm nhiều thế, miếng nên dần đam mê với môn vật. Vật cổ truyền cũng là một thể thao đòi hỏi sự chịu khó, kiên nhẫn, nhất là học được tinh thần của người tập võ. Hiện nay, nhiều bạn bè của em cũng tham gia môn vật để rèn luyện thêm sức khỏe.
Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn Nguyễn Văn Tình cho biết, điều đáng ghi nhận ở lễ hội vật năm nay, ngoài những vận động viên kỳ cựu thì các đội đều có những người trẻ từ 17-25 tuổi tham gia ở các hạng cân. Đó có lẽ là thành công nhất của lễ hội, bởi sự hưởng ứng của lớp người trẻ không chỉ góp phần nâng cao phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe mà còn là dịp để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tài kế cận để thi đấu các giải cao hơn, đặc biệt là lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.