Sau hàng chục năm, Bộ đội Biên phòng giúp người Chứt biết nói tiếng Kinh, đọc được chữ và làm ra hạt lúa. Tộc người này trước đó tưởng như đã tuyệt chủng, được phát hiện trong rừng sâu, hang đá.
Từ người lính đến người nhà
Những ngày này, cánh đồng của người dân bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) có sự xuất hiện của nhiều màu xanh áo lính.
Họ là những cán bộ, chiến sĩ thuộc Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh), đến giúp người dân gieo cấy lúa vụ xuân hè.
Với những anh lính cắm bản, ngoài giữ vững an ninh trật tự, an toàn biên giới, việc giúp bà con dân tộc Chứt xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, bài trừ hủ tục lạc hậu cũng là một trong nhiệm vụ rất quan trọng.
Ngược dòng thời gian, những năm 1960, 18 người Chứt của tỉnh Quảng Bình băng rừng, lội suối đến sinh sống trong những lùm cây, hang hốc trên các dãy núi của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Họ mưu sinh bằng nghề săn bắt, hái lượm, dùng lá cây kết lại che thân.
Trong những chuyến tuần tra biên giới, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện nhóm người này nên vận động họ rời núi rừng về định cư ở bản Giàng, xã Hương Lâm, huyện Hương Khê. Song, vốn dĩ quen với cuộc sống hoang dã nên chẳng bao lâu, họ lại bỏ bản vào rừng.
Đến năm 1990, tỉnh Hà Tĩnh quyết định thành lập bản Rào Tre dưới chân núi Ka Đay (xã Hương Liên, huyện Hương Khê) để đưa người Chứt ra sinh sống.
Bản Rào Tre nằm cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh hơn 70km về hướng tây. Dân cư thưa thớt, lại nằm xa khu trung tâm khiến người dân khó khăn đủ đường. Bất đồng về ngôn ngữ và phong tục tập quán khiến họ trở nên dè chừng và sợ hãi những người ở miền xuôi lên.
Nhưng bằng cả tấm lòng, những người lính biên phòng nơi biên giới Tổ quốc đã không ngần ngại hướng dẫn, chỉ dạy tận tình cho người dân.
Từ lao động sản xuất, vận động định canh, định cư, đến khám chữa bệnh và dạy chữ miễn phí, tổ công tác biên phòng còn tích cực tuyên truyền về chủ trương đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước.
Là 1 trong 5 cán bộ đầu tiên về bản, Trung tá Nguyễn Văn Thiên (Tổ trưởng Tổ công tác bản Rào Tre) nhớ lại hành trình suốt hơn 15 năm đồng hành cùng bà con.
"Những ngày đầu lên bản, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó, đường sá chưa thuận tiện, điện cũng chưa có, bà con chỉ mới vừa ra sinh sống nên nhiệm vụ chính của chúng tôi là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với họ. Lâu dần, người dân đều xem chúng tôi như người thân thiết trong gia đình", Trung tá Thiên hồi tưởng.
Từ tộc người tưởng như tuyệt chủng, người Chứt đã hòa nhập cộng đồng, biết chăn nuôi sản xuất (Ảnh: Dương Nguyên).
Để bà con sớm ngày hòa nhập với cộng đồng, Trung tá Thiên với vai trò là một thầy giáo đã trực tiếp dạy chữ, tập nói tiếng Kinh cho người dân.
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, từng lớp học sinh được "thầy Thiên" giảng dạy nay đã trưởng thành, bước vào đời với hành trang mang theo đầy đủ tri thức, kỹ năng sống.
Có học sinh đi làm thêm ở xa, gửi tiền về nhà cũng chỉ tin tưởng thầy Thiên. Được học trò tin yêu, thầy Thiên vui vẻ nhận nhiệm vụ này, nhận tiền, rút tiền và đến tận gia đình trao cho người thân của các em.
"Ngoài ra, những vấn đề đại sự của thôn bản, bà con cũng tìm đến bộ đội để hỏi ý kiến. Sự tin tưởng của bà con đối với các chiến sĩ đã nâng lên thành tình cảm dành cho những người ruột thịt trong gia đình, để rồi dù đi xa họ cũng mãi nhớ về", Trung tá Thiên chia sẻ.
"Hành đi đôi với học"
Tổ công tác Rào Tre được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh thành lập vào năm 2001 với nhiệm vụ chính giúp đỡ bà con dân tộc Chứt phát triển kinh tế - xã hội. Những ngày đầu, bà còn chưa biết cách sản xuất nông nghiệp, còn tồn tại nhiều hủ tục nên vấn đề trước mắt là tìm cách giải quyết vấn đề ăn ở cho người dân.
Để làm được điều đó, các cán bộ, chiến sĩ đã thực hiện phương pháp "hành đi đôi với học". Nghĩa là, bắt tay vào thực hành cho ra kết quả trước sau đó mới nói lý thuyết. Nhờ phương pháp hướng dẫn phù hợp, đến nay cơ bản bà con đã có thể tự trồng lúa nước.
Thiếu tá Nguyễn Đức Long, quân y thuộc Tổ công tác Rào Tre, cho biết trước đây khi bà con ốm đau thường đi cúng thầy mo. Nhưng về sau, họ được cán bộ, chiến sĩ tuyên truyền vận động nên dần tiếp cận với y học hiện đại.
"Bà con đến phòng khám của chúng tôi ngay tại đồn vừa được miễn phí lại thấy hiệu quả hơn cách làm cũ nên dần tin tưởng và xóa bỏ được hủ tục", Thiếu tá Long nói.
Để biết, hiểu và nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân, lực lượng biên phòng cắm bản phải thường xuyên đến thăm hỏi từng nhà.
Sau hàng chục năm, nhờ sự kiên trì, nỗ lực của lực lượng biên phòng cắm bản, cuộc sống của người Chứt đã thực sự hồi sinh. Bản này hiện có 46 hộ với 158 nhân khẩu. Họ sống trong những dãy nhà sàn kiên cố, biết làm ra hạt lúa, chăn nuôi trâu bò.
Về văn hóa, giáo dục và y tế, bản Rào Tre không còn trẻ em thất học, đạt 100% con em ở các độ tuổi được đến trường (7 học sinh đang theo học THPT, 14 học sinh THCS, 33 cháu tiểu học và 15 cháu mầm non).
Đường giao thông trong bản đã được bê tông hóa, ruộng lúa nước được quy hoạch, làm hàng rào bán kiên cố. Đời sống của bà con từng bước được nâng lên, hôn nhân cận huyết cũng không còn khi có những "ông mối áo xanh" đồng hành.