Máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Điện Biên Phủ, từ trên cao phóng tầm mắt là màu xanh bao la, ngút ngàn. Núi đồi bao quanh, đồng ruộng bát ngát, xen trong mảng màu ấy là thôn xóm, phố, bản. Thành phố lịch sử hiện ra trong dáng hình được ấp ôm bởi cánh đồng Mường Thanh trải dài bất tận, nổi tiếng rộng lớn nhất vùng Tây Bắc - nơi gắn liền và là chứng tích cho bao thăng trầm của mảnh đất này.
Xứ “nhất Thanh...”
“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là câu nói nổi tiếng từ lâu về 4 cánh đồng lớn - niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Tây bắc. Trong đó, Mường Thanh đứng vị trí đầu tiên. Truyền thuyết của người Thái kể rằng, ngày xửa ngày xưa vùng đất này gắn liền với một người khổng lồ có sức khỏe phi thường tên là Ải Lậc Cậc. Ải khai sơn phá thạch làm nên núi đồi, ruộng đồng, sông suối vùng Tây Bắc. Luống cày của ông đã làm nên sông Ðà, sông Hồng, còn các mô đất từ luống cày chưa kịp bừa thì làm nên các dãy núi bao quanh. Cánh đồng Mường Thanh cũng từ đó mà có, là mảnh ruộng mà Ải san gạt, cày bừa. Câu chuyện về Ải Lậc Cậc được đồng bào dân tộc nơi đây truyền từ đời này sang đời khác. Bao thế hệ người dân bản địa trân trọng, biết ơn công khai phá của Ải và gắn bó với ruộng đồng.
Trải qua thời gian, Mường Thanh được xem là vựa thóc khổng lồ giữa miền rừng núi trùng điệp. Hơn nữa, với thổ nhưỡng, khí hậu ưu đãi, hạt gạo nơi đây thơm ngon đặc biệt. Vào cuối thế kỷ 18, nhà bác học Lê Quý Đôn đã miêu tả về cánh đồng trù phú này trong tài liệu sử học của mình: “thế núi vòng quanh... ruộng đất bằng phẳng, màu mỡ... công việc làm ruộng bằng nửa các châu khác và số hoa lợi thu hoạch gấp đôi...”
Là người sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, ông Lò Văn Cu (sinh năm 1934), bản Him Lam 2, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ (lòng chảo Mường Thanh) từng kể: “Trước đây (trước khi Pháp tái chiếm Điện Biên Phủ, năm 1954), bản Him Lam có 30 hộ dân. Bà con đều sống thuần nông, dựa vào ruộng, nương, mà quan trọng nhất là tận dụng nguồn nước trồng lúa. Dù diện tích không lớn, sản xuất còn lạc hậu, chỉ 1 vụ nhưng hàng năm đều tạm đủ ăn, đủ mặc, sống yên bình, vui vẻ”. Cánh đồng trù phú, rộng lớn cùng nhiều lợi thế cũng là một trong những lý do mà tướng Na - Va (Pháp) chọn Điện Biên làm nơi xây dựng tập đoàn cứ điểm, để lại bao nỗi đau cho nơi này.
Chứng kiến một thời khói lửa
Tháng 11/1953, Mường Thanh đang êm ả, thanh bình, thì tai họa ập đến. Từ trên trời, hàng nghìn lính Pháp nhảy dù xuống lòng chảo, tái chiếm Điện Biên. Người dân bị dồn vào ở các trại tập trung, tài sản bị vơ vét, ruộng đồng bị tàn phá, bỏ hoang. Suốt những tháng sau đó, cánh đồng Mường Thanh gồng mình hứng chịu biết bao trận mưa bom, lửa đạn, in dấu những trận đánh ác liệt của quân dân ta chống thực dân Pháp.
Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Hữu Chấp (tổ dân phố 20, phường Him Lam) khi ấy là khẩu đội trưởng cối 82, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại Đoàn 312, kể lại: “Chuẩn bị mở màn Chiến dịch, các chiến sĩ ngày trú quân trong rừng, đêm bí mật đào giao thông hào trên cánh đồng để tiến gần vào cứ điểm của giặc. Trước trận đánh vào Him Lam, tôi cùng nhiều anh em hành quân vào trận địa, ẩn nấp ở giao thông hào trên cánh đồng khu vực Him Lam. Khi ấy người dân đã bị Pháp dồn bắt vào trại tập trung, cánh đồng bỏ hoang, cỏ mọc ngang người. Ai nấy hồi hộp chờ đến giờ khai hỏa”.
Ký ức những trận chiến như vẫn còn vẹn nguyên đối với các chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Mỗi tấc đất, gốc cây, ngọn cỏ trên cánh đồng Mường Thanh đều thấm đẫm mồ hôi, máu đào của những người anh hùng, quả cảm.
Sau ngày toàn thắng (7/5/1954), trên cánh đồng Mường Thanh không còn nghe xối xả tiếng bom đạn nhưng đầy dấu tích chiến tranh với hào, hố, xác bom, dây thép gai... Để vực dậy cuộc sống nơi đây, hồi sinh cánh đồng Mường Thanh, cán bộ chiến sĩ và nhân dân lại cùng chung tay vào cuộc chiến mới...
Hồi sinh vựa lúa Mường Trời
Ngay sau ngày giải phóng, phong trào san lấp hố bom mìn, thu gom dây thép gai trên cánh đồng Mường Thanh nhằm khôi phục đời sống và sản xuất đã được triển khai mạnh mẽ. “Tuy nhiên ngày ấy, 3/4 cánh đồng để trống, thả trâu, bò, nhân dân chỉ canh tác 1 vụ vào mùa mưa, và độc canh cây lúa. Bà con phải chặn sông suối làm phai mương tưới nước cho ruộng. Lại bị mất hết của cải sau chiến tranh, nên bà con khó khăn lắm, thiếu ăn, thiếu mặc” - ông Lò Văn Hặc, cao niên bản Noong Nhai 2, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên kể lại. Để mở rộng diện tích và năng suất cánh đồng đã từng trù phú nhất vùng Tây Bắc này, năm 1962, Đảng và Nhà nước quyết định đầu tư xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm, tưới tiêu cho đồng ruộng.
Năm 1963, công trình chính thức khởi công. Hơn 2.000 thanh niên xung phong từ Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… cùng đồng bào các dân tộc địa phương xây dựng công trình trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. Suốt gần 7 năm (1963 - 1969), vượt lên những khó khăn và sự phá hoại của kẻ thù, công trình đã hoàn thành bằng công sức và xương máu của biết bao thanh niên; trở thành công trình thủy nông lớn nhất khu vực Tây Bắc, lớn thứ hai cả nước.
Cựu thanh niên xung phong Trần Công Chính, hiện là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên, tham gia làm đại thủy nông Nậm Rốm, kể lại: “Khi đó mọi thứ khó khăn, dụng cụ thô sơ, dùng sức người là chính. Lương thực thực phẩm thì thiếu thốn. Nhưng vất vả nhất là thời gian Mỹ bắn phá miền Bắc, ban ngày không làm được, 17 - 18 giờ anh em mới ra đào đất, đắp kênh đến khoảng 1 - 2 giờ sáng thì nghỉ. Dù vậy nguy hiểm vẫn luôn rình rập, 7 thanh niên xung phong hi sinh do bom đạn, một số trường hợp nằm lại mảnh đất Điện Biên trong khi thực hiện nhiệm vụ”.
Công trình đại thủy nông Nậm Rốm hoàn thành đã không phụ công sức, hi sinh của những người trẻ hết mình vì Tổ quốc; phát huy vai trò tưới mát vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc. Từ đó diện tích canh tác của cánh đồng Mường Thanh được mở rộng từ 2.000ha lên khoảng 6.000ha. Nông dân Điện Biên đã thâm canh được 3 vụ/năm (2 vụ lúa, 1 vụ màu), năng suất lúa trung bình 63 tạ/ha, mang lại thu nhập ổn định. Nhờ được bồi đắp phù sa, hội tụ tinh túy của đất trời và dòng nước mát từ đại thủy nông Nậm Rốm, thương hiệu gạo Điện Biên ngày càng nức tiếng xa gần, là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu gắn liền với mảnh đất lịch sử.
Điểm đến mới thu hút
Không chỉ là nơi cung cấp lúa gạo, đảm bảo lương thực cho tỉnh nhà mà giờ đây cánh đồng Mường Thanh còn là điểm đến thu hút khách du lịch khi đặt chân tới Điện Biên. Trong các tour, tuyến của các công ty lữ hành du lịch thường không thể thiếu điểm dừng chân thăm thú cánh đồng “nhất Thanh”. Mỗi mùa, nơi đây lại mang vẻ đẹp riêng. Mùa gieo cấy, những thửa ruộng nối tiếp nhau, loang loáng mặt nước như tấm gương khổng lồ, dài bất tận; khắp nơi nhộn nhịp, rộn ràng tiếng người nông dân, tiếng máy móc cơ giới hóa vui như hội xuống đồng. Tới mùa lúa non, nơi đây như khoác tấm áo choàng xanh mướt, tươi tràn sức sống. Đến lúc trĩu bông, cả cánh đồng chuyển màu vàng ruộm, thơm mùi quê hương, mùi của bình yên và no ấm...
Mới đây, trong hành trình khám phá Điện Biên, một facebooker, tiktoker nổi tiếng với hàng trăm nghìn người theo dõi trên mạng xã hội - “Blog của Rọt” cũng đã chia sẻ những hình ảnh, video vô cùng đẹp, ý nghĩa và hết lời ca ngợi cánh đồng Mường Thanh. Rọt viết “Dạo bước trên cánh đồng lớn nhất Tây Bắc, mình rất xúc động và tự hào... mình đã được chiêm ngưỡng những thửa ruộng xanh bao la bát ngát, sau đó là khung cảnh yên bình đến nao lòng khi ánh hoàng hôn buông xuống. Cánh đồng lúa thì dọc 3 miền Việt Nam, nơi nào cũng có; nhưng ngắm lúa ở vùng đất Tây Bắc, nơi có độ cao hơn 400m so với mặt nước biển, được bao bọc bởi những dãy núi hùng vỹ nó khác biệt hoàn toàn. Một buổi chiều mãn nhãn, một địa điểm không thể không ghé qua khi có dịp đến với Điện Biên. Cùng với mùa hoa ban, cánh đồng Mường Thanh đã tạo nên một sức hút kỳ lạ cho mình khi lần đầu đến với vùng đất cực Tây”.
Đi qua những thăng trầm cùng miền biên viễn, cánh đồng Mường Thanh đã khẳng định sức sống mãnh liệt và trường tồn. Giờ đây, cánh đồng rộng lớn ấy vẫn bao bọc các di tích lịch sử, những phố xá, bản làng và những công trình hiện đại... Dáng hình mới của mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng đang ngày ngày đổi thay sầm uất, phát triển, trong lòng vựa lúa “nhất Thanh” nổi danh truyền thuyết.