Phát triển - Hội nhập

Phát huy thế mạnh đồi rừng

Cát Tiên 05/04/2024 - 14:58

Trong thời gian gần đây, người dân xã Xuân Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã tận dụng hơn 3.974 ha đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 85% diện tích đất tự nhiên của địa phương để phát triển kinh tế rừng và giảm nghèo. Đây được coi là một thế mạnh tiềm ẩn của vùng này. Qua việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên rừng, cộng đồng đã tạo ra các hoạt động kinh tế mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân. Đồng thời, việc phát triển kinh tế rừng cũng góp phần vào việc bảo vệ môi trường, duy trì cân bằng sinh thái và phát triển bền vững của vùng.

398-202404041125291.png
Người dân xã Xuân Dương, huyện Lộc Bình chăm sóc rừng keo

Nhờ chú trọng trồng rừng, những năm qua, nhiều hộ ở xã Xuân Dương đã có thu nhập cao. Gia đình ông Dương Văn Tân, thôn Pác Sàn là một điển hình. Ông Tân cho biết: Năm 2000 gia đình tôi trồng 11 ha thông, năm 2015, cây bắt đầu cho khai thác nhựa, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, năm 2017 đến năm 2021, tôi đã mở rộng trồng gần 10 ha cây keo và bạch đàn. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năm 2023, tôi đã khai thác 4 ha keo, bạch đàn, thu nhập trên 300 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế cao nên khai thác rừng đến đâu, tôi trồng mới đến đó.

Cũng như gia đình ông Tân, gia đình ông Ma Văn Sằm thôn Suối Mành xã Xuân Dương cũng trồng rừng từ năm 1997 với khoảng 6 ha thông. Ông Sằm chia sẻ: Năm 2014, cây được thu hoạch nhựa, mang lại cho gia đình khoảng 90 triệu đồng/năm. Năm 2017, gia đình tôi khai thác 5 ha gỗ thông để trồng bạch đàn và keo, cuối năm 2023, gia đình tôi đã khai thác 2 ha bạch đàn, thu được 200 triệu đồng. Sau khai thác, gia đình tiếp tục bón phân, chăm sóc gốc bạch đàn để gốc đâm chồi phục vụ cho chu kỳ sản xuất tiếp theo.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, hơn 20 năm trước, người dân trên địa bàn xã đã bắt đầu trồng rừng, tuy nhiên, thời điểm đó ít hộ trồng và diện tích còn nhỏ lẻ. Từ khoảng 2010, khi một số hộ bắt đầu có thu nhập từ trồng rừng thì phong trào trồng rừng bắt đầu phát triển rộng khắp. Theo đó, người dân tập trung trồng keo, bạch đàn, thông. Nhận thấy nhu cầu về gỗ rừng trồng ngày càng cao, thương lái từ các tỉnh thành trực tiếp đến tận nơi thu mua, nguồn cung thường không đủ nên người dân yên tâm đầu tư mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã có 462/462 hộ tại 9/9 thôn phát triển kinh tế đồi rừng.

Ông Lại Văn Viên, Chủ tịch UBND xã Xuân Dương cho biết: Xác định kinh tế đồi rừng là thế mạnh của xã, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch và vận động Nhân dân tích cực đăng ký trồng, sau khi khai thác tiếp tục trồng mới, trồng dặm; hằng năm, xã cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 2 - 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con về trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp.

Đồng thời, UBND xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể hướng dẫn người dân vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế rừng. Đến nay, toàn xã có 291 hộ vay vốn với dư nợ trên 20,6 tỷ đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Cùng đó, UBND xã Xuân Dương cũng tích cực triển khai Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 và Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND đến người dân. Theo đó, trên địa bàn xã đã có 2 dự án trồng rừng (diện tích trên 10 ha) được hỗ trợ vay với tổng kinh phí 450 triệu đồng.

Nhờ sự định hướng của cấp ủy, chính quyền xã Xuân Dương và sự chủ động của người dân, diện tích rừng của xã không ngừng được nâng lên, hiện toàn xã có 1.193 ha rừng, chủ yếu là các loại cây keo, bạch đàn.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình đánh giá: Xuân Dương là xã điển hình nhất của huyện về phát triển mạnh phong trào trồng rừng. Hằng năm, sau khai thác, người dân đều chủ động đầu tư trồng rừng mới, trung bình mỗi năm, người dân trồng mới khoảng 100 ha rừng.

Hiệu quả kinh tế từ trồng rừng đã và đang góp phần nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Xuân Dương. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 10,4 % (giảm 13,26% so với năm 2022), thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm (tăng gần 10 triệu so với năm trước).

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO