Đến với các lễ hội ở Bắc Kạn, du khách không khỏi trầm trồ trước những màn múa bát tập thể với hàng trăm diễn viên quần chúng. Đây là kết quả từ sự nỗ lực lớn của tỉnh Bắc Kạn trong phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của loại hình dân vũ này.
Múa bát là loại hình dân vũ có từ lâu trong cộng đồng đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Kạn. Theo bà Nông Thị Oanh, xã Đổng Xá, huyện Na Rì, múa bát là điệu múa đã có từ lâu đời nhưng không ai biết được thật sự nó có nguồn gốc từ đâu. Nhiều người dân địa phương cho rằng, điệu múa bát được bắt nguồn từ việc mô phỏng hoạt động ươm tơ, dệt vải của đồng bào Tày từ xa xưa.
Chiếc bát dùng để ươm tơ, nén tơ tằm, còn đôi đũa thực chất để khuấy đều tơ tằm được nén trong bát. Các chị em phải đảo đều tay để cho những sợi tơ cuốn vào chiếc đũa. Động tác cứ như vậy lặp đi, lặp lại nhiều lần cho đến khi có đủ sợi tơ để dệt vải. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, điệu múa bát là điệu múa xuất phát từ nghi lễ cầu mùa hoặc lễ mừng cơm mới của đồng bào người Tày.
Múa bát của người Tày ở Bắc Kạn có những nét khá đặc sắc. Trang phục biểu diễn múa bát gồm áo dài, áo ngắn, váy (hoặc quần), thắt lưng, khăn vuông quấn đầu. Bộ trang phục nữ giới có mầu chàm, được làm bằng vải dệt từ sợi bông. Cắt may trang phục đơn giản, không thêu thùa hoa văn.
Nhạc cụ chính của múa bát là chiếc bát và đôi đũa. Múa bát ở tư thế ngồi hoặc đứng, hai người đối diện nhau hai tay cầm bát. Bát để giữa lòng bàn tay, cổ tay xoáy một vòng trước bụng đưa lên trên đỉnh đầu vòng ra phía sau, rồi từ từ hạ xuống trả về vị trí ban đầu và ngược lại đổi tay. Múa bát ở tư thế đứng thẳng, hai tay cầm bát kẹp theo chiếc đũa gõ theo nhịp từ trước bụng hất chéo qua cạnh sườn về đằng sau và hất trở lại vị trí ban đầu để đổi bên. Hoặc múa một tay đưa lên cao, một tay xuống thấp ngang cạnh sườn.
Với những nét đặc sắc này, múa bát của người Tày Bắc Kạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Từ sự công nhận này cùng với quyết tâm đưa múa bát trở thành điểm nhấn trong văn hóa gắn với phát triển du lịch, từ năm 2023, múa bát đã trở thành hoạt động trình diễn trọng điểm trong các hoạt động lễ hội ở Bắc Kạn.
Chị Nguyễn Duyên (thành phố Thái Nguyên) chia sẻ: Đây là lần đầu chứng kiến màn múa bát với quy mô hàng trăm diễn viên là những người dân sinh sống chung quanh vùng hồ Ba Bể tại Hội lồng tồng Ba Bể. Điểm đặc biệt là đạo cụ thể hiện trong điệu múa là chiếc bát, đôi đũa được người dân dùng hằng ngày. Nhịp điệu và các động tác múa bát không khó, không cầu kỳ, bất kỳ ai từ già đến trẻ đều có thể tham gia và tạo nên sự lôi cuốn đối với cộng đồng.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn, trong Tuần Văn hóa-Du lịch Bắc Kạn năm 2024, dự kiến diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 3/5/2024, Bắc Kạn sẽ tổ chức màn múa bát với sự tham gia của 1.000 diễn viên. Đây sẽ là hoạt động trình diễn nghệ thuật dân vũ lớn nhất của Bắc Kạn từ trước tới nay.
Những năm qua, việc bảo tồn điệu múa bát cũng còn gặp một số khó khăn, như: Các hạt nhân văn nghệ và những người am hiểu sâu sắc, đầy đủ về múa bát ở địa phương đã cao tuổi, lớp trẻ chưa quan tâm nhiều đến các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Hệ thống phương tiện nghe nhìn ngày nay đa dạng và phong phú hơn đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ dành cho những giá trị văn hóa hiện đại nhiều hơn. Văn hóa dân gian, trong đó có dân vũ dân tộc ngày càng mất đi những giá trị nguyên bản.
Trước thực trạng này, thông qua nhiều hoạt động khuyến khích, hỗ trợ, nhiều đội văn nghệ dân gian đã được thành lập trên toàn tỉnh Bắc Kạn và được tập huấn về các làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền trong đó có điệu múa bát. Ngoài ra, các điệu múa dân gian cũng được tổ chức truyền dạy trong một số trường phổ thông dân tộc nội trú, thí điểm thành lập các đội văn nghệ dân gian trong trường học.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn Hoàng Thị Dung cho biết: Hiện nay, các xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới cơ bản xây dựng các đội văn nghệ gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn gắn với không gian văn hóa, xây dựng phong cách văn hóa thân thiện, mến khách. Đây là nền tảng vững chắc để bảo tồn, phát huy múa bát nói riêng và các loại hình nghệ thuật dân gian nói chung cho Bắc Kạn.
Ngày nay, khi đồng bào Tày đã biết làm du lịch và phát triển du lịch, để thể hiện lòng mến khách của mình, múa bát đã trở thành điệu múa chào đón khách phương xa mỗi khi đến với Bắc Kạn. Trên những homestay nhà sàn hay trong những lễ hội xuân, những tiếng gõ nhịp nhàng của điệu múa bát như thanh âm vui nhộn của cuộc sống ấm no, đủ đầy của đồng bào người Tày hôm nay.
Họ đã kế thừa điệu múa cổ của cha ông để lại và phát triển thành sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, quảng bá văn hóa dân tộc đến với bạn bè ở trong và ngoài nước, góp phần quan trọng làm phong phú thêm diện mạo văn hóa của tỉnh Bắc Kạn nói riêng và cả vùng đông bắc nói chung.