Hơn 2 năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện đồng bộ các đề án, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Từ “bệ đỡ” này các vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đang từng bước đổi thay.
Bà Pi Năng Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết, với quan điểm ưu tiên đầu tư, chăm lo nâng cao đời sống cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 19 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững cho người dân.
Để giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất như trồng mía, trồng cây măng tây, bưởi da xanh, mãng cầu, phát triển đàn gia súc, nuôi heo đen đặc sản, mô hình "cánh đồng lớn” sản xuất lúa giống vùng đồng bào Chăm tại huyện Ninh Phước; mô hình trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi tại các huyện miền núi Bác Ái, Thuận Bắc. Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho các hộ vay ốn ưu đãi phát triển sản xuất…
Thông qua các chính sách hỗ trợ cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có sự chuyển biến rõ nét. Đến nay, 100% số thôn, xã vùng đồng bào DTTS được phủ kín điện lưới quốc gia, trên 90% hộ đồng bào DTTS sử dụng điện thắp sáng, tỷ lệ hộ đồng bào sử dụng nước sinh hoạt đạt trên 95%. Hiện, cơ bản các thôn, xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đều có đường giao thông đi lại thuận tiện, cơ sở trường học, trạm xá được đầu tư nâng cấp xây mới đáp ứng nhu cầu học tập và khám, chữa bệnh của người dân.
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng theo bà Pi Năng Thị Thủy, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 của địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn. Do là một chương trình mới với nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thuộc nhiều cấp quản lý nên khó khăn khi thực hiện ảnh hưởng tới kết quả giải ngân của Chương trình.
Dự kiến, đến cuối năm kết quả giải ngân không đạt theo kế hoạch đề ra. Đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận mới giải ngân đạt 45,5%, trong đó vốn đầu tư phát triển đạt 73%, vốn sự nghiệp đạt 25,5%.
Để hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, chủ động thực hiện những nội dung theo thẩm quyền, sớm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đến đối tượng và địa bàn được thụ hưởng. Từ các nguồn vốn được phân bổ, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh việc huy động, bổ sung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, chú trọng việc lồng ghép các nguồn lực đầu tư tổng hợp, tránh chồng chéo.
Thông qua việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi một cách bền vững. Trọng tâm của tỉnh là phát triển đồng bộ hệ thống kết nối hạ tầng, nhất là hạ tầng nông thôn và liên kết vùng, hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm dân tộc, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS, người nghèo được tiếp cận các chính sách, nguồn lực để phát triển kinh tế.