Ngoài phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hoá, người dân 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn (gồm huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ) đã nhận ra một hình thức chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao - đó là nuôi vỗ béo bò thịt theo hướng hàng hóa. Từ những con bò gầy yếu được mua về với giá thấp, sau khi vỗ bèo từ 5 – 6 tháng đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi đây.
Hiệu quả từ nuôi vỗ bèo bò thịt
Nhờ chăn nuôi và vỗ béo bò thịt theo hướng hàng hoá mà nhiều gia đình ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ chính nghề này.
Nổi bật của nghề nuôi vỗ béo bò thịt là phong trào của người dân xã Cán Tỷ huyện Quản Bạ. Hiện nay toàn xã Cán Tỷ có khoảng 45 hộ thường xuyên trao đổi, mua bán bò vỗ béo với số lượng lớn và mang lại nguồn thu nhập cao cho mỗi hộ từ 90 – 100 triệu đồng mỗi năm.
Điển hình như gia đình anh Sùng Mí Say, dân tộc Mông ở thôn Giàng Chu Phìn xã Cán Tỷ thường xuyên có từ 6 – 8 con bò nuôi vỗ béo. Anh Say cho biết, trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm gia đình anh có nguồn thu nhập từ 90 – 100 triệu đồng từ nuôi vỗ béo bò thịt sau khi đã được trừ các khoản chi phí.
Ngoài gia đình anh Say còn khá nhiều hộ khác của xã Cán Tỷ có nguồn thu nhập từ 70 – 80 triệu đồng mỗi năm từ nuôi vỗ béo bò thịt.
Anh Nguyễn Duy Huân, Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ cho biết: Từ hiệu quả thiết thực của nghề nuôi vỗ béo bò thịt, chính quyền xã sẽ tập trung khuyến khích cho người dân tiếp tục đầu tư như hỗ trợ người dân tiền làm chuồng trại, tiền mua giống để mở rộng diện tích trồng cỏ, hỗ trợ hộ nghèo tiền mua giống gia súc… để giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và tăng tỷ lệ hộ khá và giàu trên địa bàn của xã.
Ngoài ra, trên địa bàn 4 huyện vùng Cao nguyên đá của Hà Giang còn khá nhiều tấm gương phát triển kinh tế cho thu nhập cao từ nuôi vỗ béo bò thịt. Đó là gia đình ông Vừ Chúng Dình, 65 tuổi, dân tộc Mông, ở thôn Na Hán, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh có nguồn thu nhập từ 85 - 90 triệu đồng mỗi năm từ nuôi vỗ béo bò thịt; gia đình anh Vừ Dúng Páo, 43 tuổi, dân tộc Mông ở xã Sủng Là huyện Đồng Văn có thu nhập từ 70 – 75 triệu đồng; anh Ly Sia Sinh, dân tộc Mông, 54 tuổi ở thôn Khai Hoang xã Xín Cái huyện Mèo Vạc có nguồn thu nhập từ 90 – 100 triệu đồng mỗi năm…
Nói về hiệu quả của nghề nuôi vỗ béo bò thịt trên địa bàn, ông Nguyễn Huy Sắc, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Chương trình phát triển chăn nuôi bò hàng hoá nói chung và nghề nuôi vỗ béo bò thịt nói riêng đã tạo ra một bước chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế của huyện Mèo Vạc.
Cũng nhờ có phát triển chăn nuôi và vỗ béo bò thịt theo hướng hàng hóa mà tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn của huyện đã giảm nhanh qua từng năm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người của huyện Mèo Vạc từ 3,6 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 đến nay đã đạt trên 5,5 triệu đồng/người/năm.
Định hướng của tỉnh trong công tác phát triển chăn nuôi bò tại các 4 huyện vùng Cao nguyên đá
Từ hiệu quả thiết thực của chăn nuôi bò hàng hoá và nuôi vỗ béo bò mang lại, UBND tỉnh Hà Giang đã ưu tiên tập trung các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi gia súc nói chung và nghề nuôi vỗ béo bò nói riêng tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá. Cụ thể, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng đàn bò tại 4 huyện vùng cao nguyên đá từ năm 2020 – 2025 bình quân đạt 5 %/năm, trong đó số bò đạt 20 vạn con vào cuối năm 2025.
Để thực hiện chủ chương đó, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo UBND 4 huyện vùng Cao nguyên đá và các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc, phấn đấu diện trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi vào cuối năm 2025 tại 4 huyện Cao nguyên đá đạt trên 19.000 ha; thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các hộ nghèo khi xây dựng chuồng trại và nguồn vốn mua bò vỗ béo; đẩy mạnh công tác tuyển chọn đàn bò giống và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển chăn nuôi; tiếp tục áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả của công tác thụ tinh nhân tạo trên đàn bò; đẩy mạnh công tác phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc nói chung và trên đàn bò nói riêng…Phấn đấu đưa chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa trở thành ngành kinh tế chủ đạo tại 4 huyện Cao nguyên đá.
Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Phát triển chăn nuôi bò nói chung và nuôi vỗ béo bò nói riêng đã góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững đối với người dân tại 4 huyện Cao nguyên đá.
Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm giúp đồng bào 4 huyện Cao nguyên đá đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa như hỗ trợ lãi suất để mua giống gia súc, mở rộng diện tích trồng cỏ và đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong bảo tồn và phát triển giống bò vàng tại các huyện cao nguyên đá.