Bản sắc văn hóa

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số

Duy Chung 16/11/2023 - 07:15

Tiếng nói và chữ viết là một trong những yếu tố quan trọng làm nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Tại Cao Bằng, tỉnh triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số.

Theo số liệu kiểm kê về tiếng nói và chữ viết trên địa bàn tỉnh Cao Bằng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, toàn tỉnh có 6 di sản về tiếng nói của các dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ.

cao-bang-bao-ton-tieng-noi-chu-viet-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-121538359.jpg
Toàn tỉnh có 6 di sản về tiếng nói của các dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ.

Hiện nay, các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh vẫn đang duy trì tiếng nói của dân tộc mình trong đời sống sinh hoạt thường ngày, trong các nghi lễ và hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong đó, 100% gia đình dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ cư trú tại các thôn bản nói tiếng mẹ đẻ. Chỉ có một số gia đình sống ở khu vực thị trấn, nhất là lớp trẻ sử dụng tiếng Kinh khi giao tiếp. Ngoài tiếng mẹ đẻ, các dân tộc: Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ còn dùng tiếng Tày làm ngôn ngữ chung để trao đổi với nhau.

Về chữ viết, có 2 di sản đó là chữ Nôm Tày và chữ Nôm Dao. Dân tộc Tày có chữ Nôm Tày, nhưng hiện nay không còn duy trì chữ viết riêng, chỉ còn một phần nhỏ trong hệ thống sách cúng, sách Then, sách của thầy cúng và một số người hành nghề thầy cúng. Số người biết về chữ Nôm Tày hầu như không còn. Trong các nghi lễ như: tang ma, giải hạn, thượng thọ, xem ngày giờ..., đa số các thầy tào dân tộc Tày vẫn sử dụng chữ Hán.

Người Dao có chữ viết là một hệ thống ký tự chữ Hán được phiên âm ra tiếng Dao (hay nói cách khác, người Dao mượn chữ Hán để ghi chép tiếng nói của mình. Hệ thống chữ viết này được các bậc trí thức người Dao trước đây sử dụng trong mọi văn tự, từ phản ánh mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần, sách lịch sử, các bài hát, bài cúng đến ghi chép ngày, tháng, thơ văn...

Hiện nay, ở hầu hết các gia đình dân tộc Dao có người cao tuổi (từ 70 tuổi trở lên) còn giữ được nhiều cuốn sách cổ do ông cha để lại. Những người nắm giữ tri thức chữ viết của người Dao chủ yếu là những người thực hành nghi lễ tín ngưỡng trong cộng đồng người Dao như Thầy mo, thầy tào.

Các sách viết tay ghi chép về các nghi thức cúng tế hiện nay còn được các thầy mo, thầy tào lưu giữ. Ngoài thầy mo và thầy tào, trong cộng đồng người Dao rất hiếm người biết đọc các cuốn sách cổ của người Dao, thậm chí nhiều thầy mo chỉ biết đọc chữ nhưng lại không dịch được nội dung...

Bảo tàng tỉnh Cao Bằng hiện đang lưu giữ 39 đầu sách chữ Hán và Nôm Tày sử dụng trong nghi lễ của thầy tào dân tộc Tày và 22 đầu sách sưu tầm được trong cộng đồng người Dao.

Tiếng nói và chữ viết đa dạng và phong phú đã góp phần tạo nên những nét văn hóa độc đáo của vùng non nước Cao Bằng. Tuy nhiên thực tế hiện nay, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trong xã hội hiện đại đang đứng trước nguy cơ bị mai một, trong đó có tiếng nói, chữ viết. Việc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương có chiều hướng thu hẹp lại.

Để bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện.

Từ năm 2011 - 2020, Sở triển khai và hoàn thành công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh, thông qua kết quả kiểm kê tiến hành lựa chọn, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Hiện nay, toàn tỉnh có 6 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đặc biệt, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” (trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đồng thời, toàn tỉnh có 23 nghệ nhân ưu tú, 1 nghệ nhân nhân dân đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh thường xuyên được quan tâm, như: Tổ chức Liên hoan hát Then - đàn tính; Hội thi Hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc... nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO