Về bản Ngàn Mèo, xã Lục Hồn (Bình Liêu, Quảng Ninh) những ngày này, sắc xuân của núi rừng hòa quyện màu trắng của hoa sở, sắc hồng của hoa đào, những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ là dáng dấp của những con đường nội bản được bê tông hóa, những ngôi nhà mới khang trang sạch đẹp, cùng tiếng nói cười rộn rã của các gia đình người Tày, Dao, Sán Chỉ. Nơi đây, bà con đang tất bật chuẩn bị đón chào năm mới tạo nên không khí xuân nhộn nhịp khắp núi rừng.
Chúng tôi đến bản Ngàn Mèo vào thời điểm không khí xuân đang tràn ngập khắp nẻo đường về bản. Đây là một trong những bản vùng cao thuộc xã Lục Hồn có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt. Toàn bản có 88 hộ dân với 441 nhân khẩu (trong đó Ngàn Mèo Dưới là 56 hộ, 286 nhân khẩu; Ngàn Mèo Trên là 32 hộ, 155 nhân khẩu), gồm các dân tộc Tày, Sán Chỉ, Dao, Kinh cùng nhau sinh sống hòa thuận từ bao đời.
Ông La Văn Thủ, bản Ngàn Mèo Dưới, xã Lục Hồn, cho biết: Không ai biết cái tên Ngàn Mèo có từ bao giờ. Từ thời bố mẹ chúng tôi đã gọi như vậy rồi. Đến năm 1962, bản tách thành Ngàn Mèo Trên, Ngàn Mèo Dưới. Có điều, ở Ngàn Mèo Dưới có cả người Sán Chỉ, người Tày thì ở Ngàn Mèo Trên chủ yếu là người Dao. Mỗi dân tộc ở Ngàn Mèo vẫn còn giữ được những nét văn hóa truyền thống riêng về trang phục, tiếng nói và cách đón tết.
Để Tết Nguyên đán Quý Mão được tươm tất, các gia đình đã chuẩn bị thịt lợn, gà, gạo nếp làm bánh chưng, bánh dầy từ vài tháng trước. Khắp bản làng rộn rã tiếng cười nói, những bước chân vội vã, người chuẩn bị lá dong gói bánh, sửa sang, quét dọn nhà cửa, lau các vật dụng trong gia đình… Mùa xuân này, khó khăn, nghèo đói ở Ngàn Mèo dần lùi xa, thay vào đó cuộc sống mới no đủ hơn, bởi bà con biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập.
Tham gia chuẩn bị tết cùng gia đình ông Thủ, trên khuôn mặt ai nấy đều hiện lên sự vui tươi, phấn khởi. Ông Thủ cho biết: Người Tày có một câu thành ngữ “Nhì hả khả mè toong" có nghĩa là ngày 25 rửa lá dong để gói bánh chưng. Cho nên, cứ đến ngày 25 tháng Chạp, nhà nào nhà nấy đều lấy những nắm lá dong xuống suối rửa để về gói bánh coóc mò, bánh chưng. Bánh chưng ở đây là bánh dài, nhân bánh được làm từ lá kim lông, thịt lợn bản, một số dòng họ còn làm bánh chưng bố, bánh chưng mẹ nhân là trứng, cá suối có vẩy màu trắng. Sáng sớm ngày 30 Tết, cả gia đình sẽ cùng nhau quét dọn, trang trí lại nhà cửa và bàn thờ tổ tiên. Khi nhà cửa được dọn dẹp xong sẽ bắt đầu thịt lợn, thịt gà, ngan… để phục vụ cho lễ cúng tiễn đưa năm cũ, đón năm mới và mời tổ tiên về cùng ăn tết. Tết của người Tày, công việc quan trọng nhất là thờ cúng tổ tiên và cúng bà mụ. Ngoài thờ cúng tổ tiên, người Tày còn thờ vua bếp, thổ công, là những vị thần cai quản và trông giữ nơi sinh sống nên tất cả các gia đình đều làm lễ thờ trong ngày tết với mong muốn các vị thần sẽ che chở, bảo vệ cho gia đình. Sau lễ cúng, mới bắt đầu ăn bữa tất niên.
Sáng mùng 1 Tết, người Tày thường kiêng kỵ không đến nhà nhau chơi với quan niệm nếu người có tang ma, hoặc những người không hợp tuổi đến nhà sẽ mang lại nhiều tai ương, vận hạn cho gia đình. Thay vào đó, các thành viên trong gia đình sẽ ở nhà để thắp hương thờ cúng tổ tiên. Trong ngày này, những công cụ lao động như: Máy cày, cây cối… đều được dán giấy đỏ. Người Tày thường kiêng không quét nhà mùng 1 tết mà rác sẽ được để gọn vào một góc nhà với quan niệm quét nhà sẽ quét tài lộc theo ra khỏi nhà. Các gia đình cũng tránh không sát sinh và không động thổ, không đánh nhau và kiêng tiếng khóc. Thay vào đó, mọi người sẽ cùng nhau quây quần bên mâm cơm, thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc, người già dặn dò con cháu đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đồng thời, cùng chia sẻ những niềm vui trong năm cũ, cùng nâng chén chúc nhau những lời chúc tốt lành đầu năm. Không những vậy, người Tày còn tập trung ở nhà văn hóa để chơi các trò chơi như đánh quay, đẩy gậy, kéo co, tham gia hát then để tạo nên một không khí tết thật vui tươi.
Rời Ngàn Mèo Dưới với mùi thơm nồng của bánh chưng, tiếng đàn tính, hát then dìu dặt, những tiếng cười giòn giã vang vọng khắp bản, lần theo con đường bê tông với những khúc cua dốc, hai bên là những cây hồi vài chục năm tuổi, chúng tôi đến với bản Ngàn Mèo Trên.
Khác với người Tày, theo truyền thống, từ ngày 20 tháng Chạp, các dòng họ người Dao Thanh Phán ở Ngàn Vàng Trên bắt đầu tổ chức ăn tết chung cả họ trước. Mỗi dòng họ sẽ chọn ngày đẹp để tổ chức ăn tết tại nhà tổ - nơi thờ cúng tổ tiên của mỗi dòng họ. Ngày tổ chức được thông báo tới các gia đình trong dòng họ. Chủ các gia đình mang theo lễ vật gồm: Gà, thịt lợn, rượu, gạo nếp, giấy vàng... để tổ chức đón tết. Theo sự sắp xếp của trưởng họ, tùy theo khả năng, mỗi người sẽ tự giác làm các phần việc của mình. Chị em phụ nữ sẽ đảm nhiệm việc đồ xôi, nhặt rau, làm các món ăn truyền thống. Thanh niên khỏe mạnh thì giã bánh dày, mổ gà. Các bà, các mẹ sẽ lo việc nặn bánh. Người già sẽ giúp thầy cúng cắt vàng mã, sắp xếp đồ lễ...
Bàn thờ tổ tiên của người Dao Thanh Phán như một ngôi nhà nhỏ đặt ở gian giữa ngôi nhà của trưởng họ, dán giấy đỏ kín 3 mặt, mặt phía trước để hở một ô rộng để cho 12 chiếc bánh dày và rượu, thắp hương bên trong. Sau khi lễ vật được chuẩn bị tươm tất, thầy mo sẽ thực hiện các nghi thức khấn mời tổ tiên về thụ lễ. Sau khi ăn tết chung tại nhà tổ, các gia đình mới về chuẩn bị đón tết ở nhà.
Tết đến còn là dịp để các bà con trong bản Dao nơi đây gặp gỡ, trò chuyện. Chị em phụ nữ xúng xính trong bộ trang phục rực rỡ, nổi bật là màu đỏ trên nền vải đen với những đường thêu hoa văn cầu kỳ tượng trưng cho cái cày, cái bừa, ruộng bậc thang, hoa kiệu, hoa hồi… Nam giới cũng chọn bộ trang phục đẹp nhất. Họ làm các món ăn dân tộc, học thêu thùa, may vá trang phục truyền thống, lưu truyền các trò chơi dân gian, giữ gìn tiếng nói dân tộc và ngồi quây quần bên nhau, tay cầm chén rượu đầy và chúc nhau những điều may mắn, tốt lành.
Ông Triệu Chăn Dào, bản Ngàn Mèo Trên, cho biết: Hiện nay, đời sống của bà con đã đầy đủ hơn, có giao lưu văn hoá với các dân tộc khác nhưng ngôn ngữ, trang phục, tập quán, nghi lễ và đặc biệt là phong tục ăn tết vẫn còn lưu giữ được gần như đầy đủ các nghi thức. Thế hệ chúng tôi vẫn luôn dạy bảo con cháu phải giữ gìn văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Năm nay họ chúng tôi tổ chức ăn tết to hơn bởi kinh tế mỗi ngày một khá hơn, mùa màng bội thu, hoa hồi được giá hơn, nhiều gia đìnđ xây được nhà to, mua được ô tô, bản không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Năm nay, bản thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn nên ai cũng vui mừng.
Quả đúng như lời ông Dào nói, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư các công trình phúc lợi, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi nên người dân bản Ngàn Mèo đã phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Nhờ vào lao động mà nhiều gia đình ở Ngàn Mèo thoát được cảnh nghèo khó, nhiều nhà tầng mái thái được mọc lên, bà con sắm sửa các đồ dùng sinh hoạt hiện đại.
Anh Phùn Văn Pẩu, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ngàn Mèo Trên, cho biết: Toàn bản có 32 hộ, đến nay không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Để xoá nghèo và làm giàu chính đáng, những năm qua, bản đã tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất, tập trung chăm sóc rừng hồi, rừng quế. Đồng thời, vận động thanh niên trong bản đi làm việc tại các công ty, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần được nâng lên. Người dân bản Ngàn Mèo có thêm điều kiện tham gia các phong trào, các cuộc vận động. Đặc biệt là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", tiếp tục đoàn kết cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì các phong trào văn hóa văn nghệ, người già luôn gương mẫu, là chỗ dựa tinh thần, là gương sáng để con cháu học tập và noi theo.
Tạm biệt Ngàn Mèo, niềm vui theo chúng tôi trên suốt chặng đường về. Bên con đường bê tông dài rộng là những cánh hoa đào, hoa mận đang rực rỡ khoe sắc khắp bản làng báo hiệu một mùa xuân mới đang đến với đất trời và bà con các dân tộc thiểu số nơi đây.