Những ngày này, ở khắp các nẻo đường trên cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng rộn ràng tiếng nói cười, xuồng ghe, xe cộ ngược xuôi, nhà nhà, người người chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Những năm gần đây ở ĐBSCL, mỗi độ xuân về là cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang 12 tỉnh, thành phố trong khu vực tổ chức Tết quân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
Các hoạt động trong Tết quân dân diễn ra trước Tết Nguyên đán với nhiều nội dung phong phú như: Tổ chức dọn dẹp đường quê; khơi thông cống rãnh; làm đường giao thông nông thôn; dọn dẹp nhà cửa; xây nhà tình thương, tình nghĩa; tặng nhà đại đoàn kết; chia sẻ những phần quà tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo; một hoạt động thu hút được nhiều người dân tham gia, đó là giao lưu thể dục-thể thao, chơi các trò chơi truyền thống, gói bánh chưng, bánh tét và tổ chức các đêm văn nghệ do thanh niên địa phương và bộ đội tự biên, tự diễn...
Cũng từ các hoạt động trong Tết quân dân mà hàng nghìn căn nhà đã được trao, hàng chục nghìn món quà được tặng, hàng chục ki-lô-mét đường quê được củng cố, xây dựng. Những hoạt động ý nghĩa trên giúp địa phương thiết thực xây dựng nông thôn mới, chia sẻ với khó khăn của người dân trong cuộc sống.
Nhiều người tự hỏi Tết quân dân có từ bao giờ? Câu trả lời được nhiều đồng chí lão thành cách mạng, có thời gian hoạt động trong lòng địch, ở các vùng quê cách mạng, được người dân nuôi giấu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trả lời. Đó là trước những trận đánh lớn, trong suốt chiều dài lịch sử các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, mỗi dịp Tết đến, xuân về, bà con nhân dân không ngại gian khổ, vượt qua nhiều khó khăn tổ chức cho bộ đội ăn Tết sớm. Cuộc sống thời đó tuy nghèo khổ, thiếu thốn nhưng đầm ấm, đậm đà tình cảm của người dân đối với Bộ đội Cụ Hồ.
Để nhắc nhớ, ghi nhận, biết ơn công lao to lớn của nhân dân đã cưu mang, đùm bọc suốt thời gian dài, ở những thời khắc lịch sử trong kháng chiến, các đơn vị thuộc LLVT Quân khu 9 đã tổ chức về vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng vui xuân, đón Tết với bà con nhân dân. Những việc làm đó góp phần nhân lên tình cảm quân dân thắm thiết, làm sáng rõ hơn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân các dân tộc Việt Nam, nhất là dịp Tết đến, xuân về.
Chuyện người dân dành những tình cảm đặc biệt cho Bộ đội Cụ Hồ thời nào cũng có. Trong kháng chiến, nhân dân nhường cơm sẻ áo, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình và gia đình để bảo vệ những cán bộ hoạt động trong lòng địch. Ngày nay trong hòa bình, cán bộ, chiến sĩ LLVT luôn ghi nhớ, biết ơn và hướng về bà con vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, sẵn sàng chia sẻ, động viên, giúp sức, cùng đồng bào xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh; cuộc sống thêm ấm no, hạnh phúc.