Tiêu điểm

Xác định nội hàm một số khái niệm liên quan vấn đề dân tộc, phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Hoàng Ngọc 12/04/2024 - 10:00

Ngày 11.4, tại thành phố Tuyên Quang, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Hội đồng Dân tộc đã tổ chức Hội thảo xác định nội hàm và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật một số thuật ngữ (khái niệm) liên quan vấn đề dân tộc và phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh H.Ngọc
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: H.Ngọc

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, hội thảo là diễn đàn quan trọng để Hội đồng Dân tộc, cơ quan của Chính phủ và địa phương đại diện các khu vực, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về cơ sở chính trị, cơ sở khoa học, nội hàm một số thuật ngữ, khái niệm, việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề dân tộc, phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong tình hình hiện nay, phục vụ công tác quản lý nhà nước và định hướng cho việc xây dựng luật về lĩnh vực dân tộc.

Với những kiến thức khoa học, kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý nhà nước về dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, các đại biểu tham luận, thảo luận thẳng thắn, trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào hai nội dung chính. Một cơ sở khoa học, tính thống nhất, nội hàm của các thuật ngữ, khái niệm trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đang được sử dụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật và quản lý nhà nước về công tác dân tộc hiện nay. Hai là các tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn; vùng sâu, vùng xa; vùng biên giới, hải đảo và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện nay.

các đại biểu tham dự Hội thảo - Ảnh H.Ngọc
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: H.Ngọc

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, thời gian qua nhiều chính sách dân tộc được ban hành đã bao phủ toàn diện các lĩnh vực nhằm hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, phát triển nguồn nhân lực. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi đã có những chuyển biến rõ rệt, có những bước phát triển tiến bộ, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến chỉ ra, sau khi các địa bàn không thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861/QĐ - TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã ảnh hưởng không nhỏ đến chế độ, chính sách của đối tượng đang được thụ hưởng, tập trung chủ yếu vào các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đang công tác tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

toàn cảnh Hội thảo - Ảnh H.Ngọc
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: H.Ngọc

Tại Điều 3, Quyết định 861/QĐ - TTg có quy định: “Các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại Quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày Quyết định của cấp thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực”. Như vậy, các chế độ, chính sách an sinh xã hội áp dụng cho xã, thôn đặc biệt khó khăn đương nhiên hết hiệu lực kể từ ngày có quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trên thực tế, xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng vẫn có những đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số cần được nhận hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước.

Các đại biểu đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần cho phép tiếp tục thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành để bảo đảm an ninh xã hội, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các lực lượng vũ trang thực hiện các nhiệm vụ ở các địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn nay không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn tại Quyết định 861/QĐ - TTg.

Chính phủ cần sớm chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành rà soát, đánh giá toàn bộ các hình thức phân định và việc sử dụng các kết quả phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, phân loại đơn vị hành chính và tổ chức dân cư theo tính chất, khó khăn đặc thù.

Theo Báo Đại biểu nhân dân
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO