Văn hóa

Vun đắp lòng tự hào dân tộc

Dương Thảo 18/11/2023 - 22:28

Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân Văn hoá Nguyễn Trãi là một điểm đến có ý nghĩa to lớn về văn hoá, nơi giáo dục tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời, đây cũng là nơi để nhân dân trong và ngoài nước tôn vinh công lao của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi.

Trong nhiều năm qua, mong muốn xây dựng một công trình nhằm tôn vinh, tưởng nhớ tới công lao to lớn của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi là nguyện vọng của Đảng bộ chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín, TP Hà Nội.

Chiều 18/11, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Thường Tín tổ chức Lễ đúc tượng đồng tôn dung Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại khu lưu niệm xã Nhị Khê.

Tới dự lễ có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Phương Thủy và đại diện một số bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải và đại diện lãnh đạo các sở, ngành tổ chức chính trị, xã hội thành phố, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Thường Tín…

Đưa văn hóa ngang hàng nhiệm vụ kinh tế

Lễ đúc tượng đồng tôn dung Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tôn thêm lòng tự hào dân tộc không chỉ của của lãnh đạo, nhân dân huyện Thường Tín, mà còn là tự hào chung của người Việt Nam.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh, trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền nhân dân huyện Thường Tín đã thực hiện hiệu quả Chương trình số 06 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đặc biệt là công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá - lịch sử.

2m(1).png
Quang cảnh buổi lễ

Huyện luôn chú trọng huy động các nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, mà trọng tâm là việc hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Huyện uỷ, HĐND, UBND đã ban hành các nghị quyết, chủ trương cụ thể cho đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích. Trong giai đoạn từ năm 2021 - 2026, cùng với sự hỗ trợ của Thành phố theo Nghị quyết 02 huyện đang thực hiện tu bổ, tôn tạo 59 di tích, với tổng kinh phí khoảng 740 tỷ đồng.

Là vùng đất danh hương, khoa bảng, trăm nghề, huyện có 126 làng nghề, trong đó 48 làng nghề được cộng nhận là làng nghề truyền thống, một làng nghề Hà Nội. Cụ thể như: Hát trống quân xã Khánh Hà được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể; Văn Từ Thượng Phúc, nơi tôn vinh 68 nhà khoa bảng của huyện được đầu tư tu bổ, tôn tạo 100% từ nguồn huy động xã hội hoá của các tổ chức, cá nhân với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng.
Bên cạnh đó các di tích tại các xã, thị trấn đã huy động nguồn xã hội hóa, đầu tư tu bổ hàng trăm tỷ đồng, tiêu biểu như: Đình Triều Đông, xã Tân Minh; chùa Nỏ Bạn, xã Vân Tảo; đình Văn Hội, xã Văn Bình, chùa Thượng Cung, xã Tiền Phong... Song song với đó, các địa phương, các cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng, các dòng tộc tích cực huy động các nguồn lực xã hội hoá, phát tâm công đức cùng nhân dân đóng góp hàng vạn ngày công lao động cho công tác tu bổ, tôn tạo.

4m(1).png
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh phát biểu tại buổi lễ

Nhiều di tích được bảo tồn, tu bổ đảm bảo các yêu cầu về khoa học, tính nguyên gốc và trở nên khang trang, phục vụ nhu cầu tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời khai thác hiệu quả cho việc phát triển văn hoá - du lịch. Điển hình như: Lăng đá Quận Vân (xã Vân Tảo); Nhà thờ Nguyễn Trãi (xã Nhị Khê), Đền Quán Thánh (xã Thống Nhất); Đình Mui (xã Tô Hiệu); Chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi); đền Ngũ Xã, xã Quất Động…

Trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2026, cùng với sự hỗ trợ của thành phố, huyện đã và đang thực hiện tu bổ, tôn tạo 59 di tích, tổng kinh phí khoảng 740 tỷ đồng, trong đó: Hỗ trợ tu sửa cấp thiết đối với 20 di tích, tổng mức đầu tư 17 tỷ đồng; tu bổ, tôn tạo 27 di tích từ nguồn đầu tư công, tổng mức đầu tư 563 tỷ đồng.

Riêng dự án Khu lưu niệm tại xã Nhị Khê là nơi tôn vinh, tưởng nhớ tới công lao to lớn của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi. Sau nhiều năm triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, ngày 14/1/1/2022, dự án chính thức được khởi công. Đến nay, các hạng mục chính đã được xây dựng. Hiện các hạng mục đã được xây dựng, với chủ trương của huyện khi dự án hoàn thành phải đảm bảo động bộ, đầy đủ các hạng mục là điểm đến có ý nghĩa với nhân dân trong và ngoài nước.

Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá, du lịch; hỗ trợ phát triển thương mại, dịch vụ của nhân dân. Thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các chương trình kế hoạch của thành phố và của huyện Thường Tín đưa văn hoá đặt ngang hàng với nhiệm vụ kinh tế, xã hội. Khơi dậy khát vọng huyện phát triển lên văn minh, khang trang, hiện đại, giàu đẹp, bản sắc văn hoá - lịch sử.

Phát huy truyền thống văn hiến, lịch sử

Bên cạnh nguồn đầu tư, từ ngân sách nhà nước, các cấp uỷ đảng, chính quyền trên địa bàn huyện, có chủ trương phát huy nguồn lực xã hội hoá từ các tổ chức và đặc biệt là từ nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, qua đó các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể được nhân dân bảo tồn và phát huy.

Huyện Thường Tín thống nhất về chủ trương xã hội hoá hoàn thiện nội thất tại Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi với các hạng mục: Tượng đồng tôn dung anh hùng dân tộc danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi; hệ thống hoành phi câu đối, cuốn thư; tháp Chí Nghĩa; các hiện vật trưng bày, di vật, cổ vật (tranh, ảnh, văn phòng tứ bảo, bút, nghiên...) tư liệu sắc phong, hoành phi, câu đối, văn bia, sách, tài liệu và các hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử gắn với cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, văn chương của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi...

7m(1).png
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại buổi lễ

Tại buổi lễ, huyện Thường Tín kêu gọi các tổ chức, cá nhân, dòng tộc cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện chung sức hoàn thiện đồng bộ các hạng mục tại Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải ghi nhận, biểu dương cán bộ, nhân dân huyện Thường Tín trong thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá lịch sử trên địa bàn. Để dự án xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi sớm hoàn thiện, trở thành là một điểm đến có ý nghĩa về văn hoá; nơi giáo dục tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Thường Tín bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư, trong suốt quá trình thực hiện dự án, bảo đảm chặt chẽ đúng pháp luật; các sở, ngành thành phố quan tâm việc thẩm định, bố trí nguồn lực để hoàn thiện hạng mục tháp Chí nghĩa. Đối với các hạng mục được thực hiện từ nguồn xã hội hoá, phải bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, sự thống nhất, đồng bộ...

img_3577.jpg
Thực hiện nghi thức đúc tượng tôn dung Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi

“Trong quá trình triển khai, huyện Thường Tín đã tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư đồng bộ các hạng mục tại dự án như: Đề xuất Thành phố hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện hạng mục tháp Chí Nghĩa; tổ chức các hội thảo, toạ đàm lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, dòng họ và nhân dân việc bố trí sắp xếp các hạng mục nội thất tại nhà Lưu niệm, nhà trưng bày đảm bảo các giá trị về văn hóa - lịch sử, mỹ thuật… phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc và tôn vinh - tưởng nhớ tới công lao to lớn của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi.
Bên cạnh đó huyện đã có chủ trương kêu gọi xã hội hoá hoàn thiện nội thất các hạng mục tại khu lưu niệm, đặc biệt là Lễ đúc tượng tôn dung Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi một trong những công việc quan trọng, được coi là linh hồn của Khu Lưu niệm”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố mong rằng, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá trên địa bàn huyện Thường Tín góp phần vào hoàn thành chủ trương về phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô.

Dự án xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi được nhân dân huyện Thường Tín nói chung cùng nhân dân xã Nhị Khê và dòng họ Nguyễn đồng tâm ủng hộ. Đồng thời mong muốn chủ trương xây dựng dự án văn hoá, tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn huyện sớm hoàn thành bức tượng và dự án Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi.

6m(1).png
Cụ Nguyễn Thông, hậu duệ thứ 18 của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi phát biểu

Trong niềm hân hoan của buổi lễ, đại diện gia tộc họ Nguyễn, hậu duệ đời thứ 18 của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, cụ Nguyễn Thông chia sẻ niềm vui mừng, tự hào khi được tham gia và đóng góp vào sự kiện này.
“Hiện nay, chúng tôi đã và đang kêu gọi toàn thể gia tộc trên đất nước phát tâm công đức hiện vật, tiền của, sức lực đóng góp một phần nhỏ bé vào việc hoàn thiện nội thất tại Khu Lưu niệm, để công trình xứng tầm với công lao to lớn của cụ Nguyễn Trãi”, cụ Nguyễn Thông xúc động nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO