Văn hóa

Lễ nhảy lửa - Tự hào di sản quốc gia

Hải Thanh 28/09/2023 - 20:34

Các chàng trai Pà Thẻn chân trần đạp lên đống lửa than đỏ rực. Có người cao hứng ngồi thụp giữa đống lửa, tay không bốc than tung lên như người ta tung cát. “Hoa” than bắn lên sáng rực trong tiếng reo hò thán phục của người xem. Lễ hội Nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) mang đậm nét huyền bí, độc đáo riêng có.

Huyền bí Lễ nhảy lửa

Trong tiếng Pà Thẻn, nhảy lửa còn gọi là "pò dí”. Lễ nhảy lửa thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, khi mọi công việc đồng áng đã vãn và thường được tổ chức trong khoảng thời gian từ 16/10 âm lịch năm trước đến 15/1 âm lịch năm sau.

Trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn luôn có quan niệm xung quanh họ có các vị thần che chở, đùm bọc, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh. Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ, vì vậy khi Lễ hội nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong làng đều có mặt để hò reo cổ vũ.

Lý giải về sự kỳ bí, linh thiêng này, thầy cúng Phù Văn Thành, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình chia sẻ: "Lửa trong tâm thức người Pà Thẻn khác hẳn lửa trong tâm thức của các dân tộc khác. Chúng tôi quan niệm nhảy lửa tức là cho thánh tắm nước. Bởi lửa tượng trưng cho khỏa nước, nghịch nước; lăn qua lửa là tắm nước, cho than hồng vào mồm là uống nước. Người nhảy lửa được thần linh chấp nhận, da thịt hoàn toàn không có vết bỏng, thậm chí đầu tóc cũng không có một vệt cháy xém nào. Trong khi những người xem xung quanh khi bị bắn tàn tro, quần áo còn thủng lỗ chỗ như thuốc lá châm. Lửa lúc ấy là "nước" mà nước làm sao có thể khiến quần áo bốc cháy được".

le-cung-nhay-lua-88.jpg
Thầy mo làm lễ cúng mời gọi thần linh chứng dám và chở che, phù hộ cho những chàng thanh niên có được sức mạnh để thực hiện nghi lễ nhảy lửa.

So với nhiều nghi lễ khác thì nhảy lửa là nghi lễ được tổ chức khá giản đơn, nhẹ nhàng từ lễ vật đến bài cúng. Có khi người ta không cần mâm lễ thịnh soạn có rượu, có thịt gà, thịt lợn… mà chỉ đơn giản là một bát nước lã để trên bàn thờ. Còn lễ cúng cũng khá ngắn gọn với 3 bài cúng bằng tiếng Pà Thẻn, trình bày rõ với thần linh về lý do của buổi lễ. Lý do phải tốt - ý là phải là lễ tạ ơn, lễ cúng lúa mới, giải hạn, chữa bệnh cho dân bản... mới mời được thần về. Nghi thức tiến hành nhẹ nhàng nhưng để làm nên được thành công thì từ người làm lễ đến thợ nhảy lửa thì tâm phải sáng, lòng phải thành thì thần lửa mới "độ”.

Nghi lễ được tổ chức ở một khoảng sân rộng ở thôn và chia làm hai phần, cúng trước khi mặt trời lặn diễn ra khoảng 3 - 4 tiếng và nhảy lửa sau khi trời tối diễn ra trong khoảng 1 tiếng.

Phần đầu là phần thầy cúng gọi mời thần linh tới tham gia lễ và nhập vào các học trò. Phần hai là nghi lễ nhảy lửa. Khi đó một đống lửa to sẽ được đốt cho đến khi cháy thành than đỏ. Củi để nhảy lửa có thể bằng bất cứ gỗ gì miễn là gỗ có nguồn gốc sạch sẽ và chỉ đốt trong một lần. Điều quan trọng ngọn lửa phải được nhóm lên từ lửa của chiếc đèn trên mâm lễ. Người Pà Thẻn quan niệm, đó là ngọn lửa thiêng, nơi ngự trị của thần lửa.

photo-1-16448910390692095824763.jpg
"Vũ điệu hoa lửa" của các chàng trai Pà Thẻn.

Thành viên tham gia nhảy lửa có khoảng từ 8 đến 10 người, là những thanh niên khỏe mạnh trong bản. Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó tiếp tục làm lễ “nhập đồng”. Một người có thể tham gia nhảy nhiều lần, qua đó thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn của mình. Cứ thế, họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy.

Những người tham gia nhảy lửa còn dùng cả tay và chân trần để phá đống than đỏ rực cho tới khi tàn lửa. Khi nhảy họ nhắm mắt và như được thần dẫn đi nên bản thân họ không biết là đang lao vào đống lửa.

Đồng bào Pà Thẻn cho rằng, thời gian nhảy trên lửa của họ tùy theo sức mạnh được thần linh ban cho. Khi hết sức mạnh, họ tự bị đẩy ra khỏi đống lửa, trở về ngồi lễ và lại lắc lư trong tiếng nhạc, chờ thần linh ban sức mạnh cho đợt nhảy mới.

Lễ nhảy lửa đạt đến độ vui nhất khi mà tất cả những người đứng xem đều bị cuốn theo, tự nhiên cảm thấy mình có sức mạnh và cứ thế, nhảy vào đống lửa mà không hề cảm thấy nóng.

Gìn giữ và phát huy

Lễ nhảy lửa mang bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn, có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống tâm linh, góp phần hun đúc nên tâm hồn, tính cách người Pà Thẻn, thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn.

Lễ nhảy lửa cũng là dịp để đồng bào tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân làng khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật, qua đó góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt cho các thế hệ người Pà Thẻn.

Anh Lý Văn Trụ, người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm “thợ nhảy’’ chia sẻ: Ở thôn Thượng Minh, đàn ông Pà Thẻn muốn chứng tỏ sự trưởng thành của mình phải nhảy lửa mà không bị bỏng. Đối với anh, lần đầu tiên nhảy lửa thành công cũng coi như được “cấp sắc”.

Anh Trụ cho biết, trước khi nhảy lửa, nhất là khi ngồi đối diện với thầy để làm lễ, anh cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, sau một hồi ngồi nghe tiếng đàn gõ của thầy mo, anh như bị thôi miên, tự động nhảy vào đống lửa mà đạp, mà bốc than tung lên trời.

Dần dà, anh không những tham gia nhảy lửa ở những nghi thức do bà con trong xã tổ chức mà còn tham gia nhảy lửa cùng đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở huyện Bắc Quang (Hà Giang).

"Điều quan trọng nhất khi nhảy lửa là phải có thầy mo giỏi. Đã có nhiều trường hợp người nhảy lửa bị bỏng. Ấy là vì thầy làm lễ chưa đúng, chưa cho phép nhưng thợ nhảy đã lao vào lửa", anh Trụ chia sẻ.

le-nhay-lua1.jpg
Cục Di sản, Bộ Văn hóa TT&DL trao Chứng nhận Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang.

Có thể nói, với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và ấn tượng có từ lâu đời, Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn ở huyện Lâm Bình là một trong những sự kiện thu hút đông đảo khách du lịch khi muốn khám phá văn hóa độc đáo của dân tộc này nói riêng cũng như các dân tộc miền núi phía Bắc nói chung.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công bố Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là vinh dự vô cùng lớn, ghi nhận tập tục cổ trong đời sống văn hóa tinh thần của người Pà Thẻn đã được gìn giữ truyền đời qua hàng trăm năm. Trước đó, trong đợt 1, di sản này đã được công nhận ở lĩnh vực lễ hội truyền thống do cộng đồng người Pà Thẻn ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang thực hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO