Những ngày này, du khách nườm nượp về thăm, làm việc tại Điện Biên. Người dân sống trên mảnh đất lịch sử được dịp trải lòng với bạn bè trong nước, quốc tế qua hoạt động liên hoan, giao lưu, hội thảo... thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa - xã hội. Cả nước đang hướng về Điện Biên, vì một Điện Biên đổi mới, phát triển xứng với tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm trước.
Diện mạo mới nơi chiến trường xưa
Ngày nay, đi dọc các vùng đất từ huyện Tuần Giáo qua TP Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên... khách đến Điện Biên ấn tượng sâu sắc bởi màu xanh cây trái, giữa đại ngàn và trên phố trắng sắc hoa ban. Các thôn, bản NTM và đô thị khang trang xen lẫn và phủ mờ dấu tích đau thương.
Khách nhớ ghé thăm các thôn, làng vùng lòng chảo huyện Điện Biên để nghe người dân kể chuyện về những năm đầu sau giải phóng Điện Biên, cao điểm giai đoạn 1959 - 1962, với khẩu hiệu “Lấy Tây Bắc làm quê hương, lấy nông trường làm gia đình”, những chiến sĩ Điện Biên trở lại chiến trường, thanh niên xung phong tham gia vào Nông trường Điện Biên... bước vào trận chiến mới: cải tạo, khôi phục sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Những lớp cán bộ thực hiện “3 cùng” chung sức, đồng lòng tạo sự đổi thay trên quê mới để đến nay, nông dân đã có thành quả từ những cánh đồng mẫu lớn, nông sản Điện Biên đã khẳng định giá trị, đang vươn ra thị trường ngoại tỉnh và quốc tế. Người dân hào hứng kể chuyện làm ăn với những hướng đi đã mở ra từ những kế hoạch, định hướng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh để thu hút đầu tư; về những công trình, dự án của các tập đoàn như: Vingroup, Sungroup, Đèo Cả... đã và đang được triển khai trên địa bàn.
Do nhiều nguyên nhân, nhiều năm sau chiến thắng, Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo. Theo thống kê của UBND tỉnh, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 26%, bình quân mỗi năm giảm 4,4% số hộ nghèo. Dù vậy, đánh giá một cách khách quan, từ tác động tích cực của nhiều nguồn vốn, đặc biệt là từ các chương trình mục tiêu quốc gia: XDNTM, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số... bức tranh kinh tế, văn hóa, xã hội của Điện Biên đang sáng lên. Mảnh đất chiến trường xưa đã có những đổi thay vượt bậc mà theo lời nhiều già làng hình dung là quá trình từ không đến có; từ mất mát, đau thương đến yên vui, hạnh phúc. Thành quả hôm nay cho người dân niềm hy vọng và ước mơ về Điện Biên đổi mới, phát triển trong tương lai gần.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, đánh giá: Điện Biên có sự phát triển tăng tiến năm sau cao hơn năm trước. Năm 2023, tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,1% (cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra), xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 4/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước tạo đột phá vào mũi nhọn du lịch và dịch vụ... Năm 2023 cũng là năm đầu tiên du lịch tỉnh đón trên 1 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.750 tỷ đồng... Dẫu cách xa Hà Nội và các trung tâm kinh tế lớn trong nước nhưng đường đến Điện Biên đã được nối gần nhờ kết nối từ đường hàng không và các tuyến quốc lộ đang được nâng cấp, cải tạo.
Hiện thực hóa khát vọng phát triển
Điện Biên có vị trí địa chính trị quan trọng: Tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 nước Trung Quốc - Lào. Có đường hàng không đến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và đã được Chính phủ cho phép mở đường bay quốc tế tới một số nước trong khu vực như: Lào, Campuchia, Myanma. Đặc biệt, Điện Biên là vùng đất lịch sử với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nơi lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa qua quá trình thiên di, lập nghiệp và bảo vệ lãnh thổ của các tộc người... Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh liên kết không gian, mở ra triển vọng phát triển kinh tế - xã hội. Khát vọng, tầm nhìn cho Điện Biên đổi mới, phát triển xứng tầm được đặt ra trong quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được công bố ngày 17/3/2024 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và của tỉnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá: Điện Biên là vùng đất đặc biệt nên sẽ được quan tâm đặc biệt và phát triển cũng theo hướng đặc biệt.
Theo đó, Điện Biên được quy hoạch phát triển theo mô hình cấu trúc không gian 4 trục động lực - 3 vùng kinh tế - 4 cực tăng trưởng. Đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường khẳng định: Điện Biên sẽ tích cực triển khai quy hoạch tỉnh thành hệ thống các cơ chế chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh; tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo các nhóm sản phẩm chủ lực; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên 3 trụ cột chính là: du lịch lịch sử văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình cấu trúc không gian có 4 trục động lực gồm: trục kinh tế động lực theo Quốc lộ 279, tuyến cao tốc Điện Biên - Sơn La - Hà Nội gắn với Cảng Hàng không Điện Biên. Đây là trục động lực quan trọng của toàn vùng; là tuyến giao thông tạo sự kết nối mạnh mẽ, thông suốt giữa Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc, các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc và sang nước bạn Lào thông qua các cửa khẩu Tây Trang, Huổi Puốc. Trục kinh tế này là động lực phát triển kinh tế toàn tỉnh, trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp chế biến... Trục phát triển kinh tế dọc theo Quốc lộ 12 là trục kết nối giữa khu vực phía Bắc với khu vực phía Nam tỉnh và kết nối sang Lào qua cửa khẩu Tây Trang, Huổi Puốc. Đây là tuyến giao thông được xác định ưu tiên đầu tư để phát huy lợi thế của Cảng Hàng không Điện Biên và tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận. Trục phát triển kinh tế dọc theo Quốc lộ 6 kết nối thị xã Mường Lay với huyện Tuần Giáo và các tỉnh, thành phố phía Đông Nam (Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội). Trục kinh tế dọc theo Quốc lộ 4H kết nối với vùng phía Tây của tỉnh là trục giao thông quan trọng góp phần phát triển du lịch và thương mại, dịch vụ, kết nối với Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và Cửa khẩu A Pa Chải sang Trung Quốc.
Các vùng kinh tế bao gồm: vùng kinh tế động lực phát triển đa dạng các lĩnh vực; vùng tập trung phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, du lịch và vùng nông lâm nghiệp, thủy sản, du lịch và thương mại dịch vụ.
4 cực tăng trưởng gồm: TP Điện Biên Phủ - trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế... của tỉnh sẽ tập trung xây dựng thành đô thị lịch sử, văn hóa và du lịch; phát triển mạnh vận tải trung chuyển quốc tế gắn với cửa khẩu Tây Trang, Huổi Puốc và trục kinh tế Viêng Chăn (Lào) - Điện Biên Phủ - Côn Minh (Trung Quốc). Thị xã Mường Lay phát triển thành trung tâm du lịch sinh thái với các cơ sở lưu trú và sản phẩm du lịch gắn với văn hóa bản địa. Thị trấn Tuần Giáo phát triển thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thương mại cửa ngõ phía Đông của tỉnh; thu hút đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Thị trấn Mường Nhé tập trung phát triển nông – lâm nghiệp, du lịch sinh thái, đặc biệt là thương mại – dịch vụ qua cửa khẩu biên giới.
Các cơ chế, chính sách, kế hoạch cụ thể sẽ đảm bảo gắn với kế hoạch, quy hoạch chung của cả nước nhằm tạo ra các động lực, cơ hội để Điện Biên phát triển nhanh và bền vững.