Văn hóa

Vẻ đẹp của chuồn chuồn tre làng Thạch Xá

Gấm Du 05/03/2024 - 10:43

Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội là làng nghề truyền thống lâu đời, lưu giữ nét đẹp văn hóa của người Việt xưa, gắn liền với những sản phẩm chuồn chuồn được làm từ cây tre Việt Nam.

Những bàn tay khéo léo

"Chuồn chuồn có cánh thì bay

Có thằng cu Tí thò tay bắt chuồn"

(Ca dao)

Ban đầu, khi chuồn chuồn tre ra đời chỉ được biết đến như món đồ chơi ấu thơ cho bao đứa trẻ, hay là một món quà trong các lễ hội truyền thống. Trẻ con ham thích những sắc màu rực rỡ, sự độc đáo khi chúng có thể đứng trên tay hay trên cành cây bất kỳ, mang tới một niềm thích thú vui vẻ cho chúng đùa nghịch.

h1.jpg
Anh Nguyễn Văn Tái, nghệ nhân làm chuồn chuồn tre.

Thời gian qua đi, đến một xã hội hiện đại hơn nhưng những sản phẩm mang giá trị văn hóa lại không hề mai một bởi chúng đã tạo được chỗ đứng, một dấu ấn chẳng thế phai trong lòng mỗi người. Những đứa trẻ ấy lớn lên nhưng mỗi khi nhắc tới chuồn chuồn tre, thì hẳn trong lòng dội lên bao cảm xúc.

Ai cũng đã từng là một đứa trẻ nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với cánh đồng làng quê với cánh diều no gió, cùng với những chú chuồn chuồn bay lượn mỗi buổi chiều về. Ngày nay, trong nhịp sống hối hả, càng khó hơn để bắt gặp những chú chuồn chuồn mắt tròn, cánh mỏng, chao lượn bay khắp những bờ đê.

Chuồn chuồn tre là sản phẩm độc đáo, là món đồ chơi tuổi thơ rất đỗi thân thuộc đối với nhiều người. Nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Thạch Xá với sự tham gia của nhiều thế hệ từ già đến trẻ đã tạo nên những chú chuồn chuồn vô cùng tinh xảo, là món quà gắn liền với tuổi thơ bao người.

Để làm được một con chuồn chuồn tre, người làm phải mất rất nhiều thời gian, công sức từ lên rừng đốn tre trúc, rồi đến chẻ thanh, vót nhẵn, khoan lỗ, tra cánh, sơn, vẽ họa tiết, phơi khô… Không những thế, người làm phải đam mê, đo đạc cẩn thận, tính toán kĩ lưỡng mới cho ra được một sản phẩm đẹp và có thể đứng bằng. Một ngày trung bình mỗi người làm được 200 con chuồn chuồn.

Đến làng nghề Thạch Xá du khách sẽ có dịp tìm hiểu về quy trình tạo ra những chú chuồn chuồn đầy màu sắc, tận hưởng không gian làng xã Việt Nam truyền thống.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Tái, một trong số những người đầu tiên làm thành công và mở rộng được hình ảnh chuồn chuồn tre Thạch Xá. Anh Tái chia sẻ, nghề làm đồ chơi chuồn chuồn mới xuất hiện khoảng 20 năm trở lại đây. Ban đầu có hơn 10 hộ gia đình mở cơ sở sản xuất, nhưng rồi nhiều người đã bỏ nghề do khó khăn. Hiện trong làng chỉ còn khoảng 2-3 gia đình còn làm nghề này.

Các công đoạn làm chuồn chuồn tre là cào tinh tre, phơi khô, cắt chia từng bộ phận cánh, thân, mỏ, vót thân uốn mỏ cong, lắp ghép cánh vào thân và cuối cùng là sơn vẽ. Khó nhất là khâu chắp cánh vào thân làm sao để con chuồn chuồn đậu lên cây vững vàng, cân đối. Lực đối xứng phải chuẩn thì con chuồn chuồn mới đậu được, mới đạt được yêu cầu. Không chỉ làm chuồn chuồn không mà làng còn làm có cả con chim, bướm hoặc con công, con rùa.

Theo anh Tái, quan trọng nhất là khâu ghép cánh vào thân. Phải gắn chuồn chuồn sao cho chúng luôn giữ được thăng bằng bởi “nhất dáng nhì da”, “cái dáng là linh hồn của sản phẩm”. Muốn vậy, hai cánh chuồn chuồn phải được căn đối xứng thật chính xác để chuồn chuồn tự thăng bằng khi đậu trên đế hay trên ngón tay, sợi chỉ.

Có những đơn hàng trăm ngàn con của khách tận Sài Gòn, Nha Trang, Nghệ An… đem đồ chơi ngộ nghĩnh này đến hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ trên khắp đất nước. Nhiều du khách nước ngoài vô tình mua được chuồn chuồn tre ở lễ hội đã tìm về tận làng chùa Tây Phương để đặt hàng mang về nước. Hiện tại, mặt hàng này được xuất khẩu sang Nhật, Pháp, Anh… qua công ty mỹ nghệ. Anh Tái cho biết: “Khách muốn mua chuồn chuồn tre ở làng này phải đặt từ tháng trước mới có hàng, mỗi tháng nhà tôi xuất đi hàng vạn con các loại cho các tỉnh và nước ngoài”.

Để có thể tạo ra sản phẩm đẹp, độc, lạ, những chú chuồn chuồn còn được quét sơn và vẽ họa tiết trang trí trên thân và cánh. Những họa tiết này đều do người thợ tự tay vẽ lên, lấy cảm hứng từ chính cuộc sống thôn quê xung quanh họ.

Trải qua rất nhiều công đoạn, tỉ mỉ cẩn thận những chú chuồn chuồn tre cứ thế được tạo ra với bao nhiêu tâm huyết của người nghệ nhân làng Thạch Xá, trở thành món quà tuổi thơ, món quà kỉ niệm của trẻ con trong làng và người du lịch khi tham quan làng Thạch Xá.

Đưa chuồn chuồn “bay” cao

Trước đây, những ngày tháng dịch Covid-19 ập đến, các điểm du lịch phải tạm ngừng đón khách để phòng dịch khiến đầu ra của chuồn chuồn tre gần như bị cắt hẳn. Cũng bởi lí do đó, vài năm trở lại đây đa số người dân ở làng có xu hướng bỏ nghề truyền thống và chuyển sang các công việc có lợi nhuận tốt hơn.

h2.jpg
Sản phẩm chuồn chuồn tre khi hoàn thành.

Khó khăn dồn dập, nghệ nhân Nguyễn Văn Tái cho biết nghề này mang lại thu nhập không cao. Mỗi chú chuồn chuồn bình thường được bán ra, người nghệ nhân cũng chỉ lãi vài nghìn ít ỏi. Trong khi việc làm thủ công lại tốn nhiều công sức, lấy công làm lãi, nếu không kiên trì, ắt hẳn khó có thể duy trì được. Nghệ nhân Nguyễn Văn Tái cho biết: “Nếu như không tính khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 căng thẳng thì đầu ra của sản phẩm chuồn chuồn tre có rất nhiều kênh phân phối như: Công ty, doanh nghiệp và lái buôn… Nhưng phải chia sẻ thật những đầu ra này không ổn định. Có những khi rất nhiều mối để bán hàng, có khi lại rất thưa”.

Chưa kể, khi nhắc tới sự truyền nghề để tránh bị mai một khi thế hệ sau thường bị lãng quên bởi sự truyền thống vốn có, nghệ nhân Tái luôn đau đáu và có nhiều trăn trở. “Làm nghề gì cũng phải có đam mê, nếu không xuất phát từ điều đó thì rất dễ chán việc và không thể duy trì được. Bản thân tôi luôn đón nhận các bạn có sự học hỏi và nỗ lực vì nghề này”, nghệ nhân Nguyễn Văn Tái bày tỏ.

Đã có một thời chuồn chuồn tre được trưng bày ở nhiều triển lãm, hội chợ Việt Nam, quốc tế, thu hút đông đảo du khách. Tại các cửa hàng bày bán đồ lưu niệm cho khách du lịch từ năm châu tới Hà Nội trên các phố Hàng Ngang, Hàng Đào tới phố Hàng Vôi, Hàng Chiếu... cũng có sản phẩm này và được nhiều người thích thú mua về làm quà cho người nhà.

Những năm gần đây, một số gia đình làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá đã phối hợp với nhiều tổ chức, trung tâm văn hóa, du lịch thực hiện các dự án nghiên cứu, bảo tồn đồ chơi Việt cũng như tìm hướng đi cho chuồn chuồn tre ở thị trường nước ngoài để chuồn chuồn tre thực sự “bay” cao trên thị trường trong lẫn ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO