Cao Bằng có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng. Cùng với sự ra đời và phát triển của dân tộc mình, nhiều vùng, miền đã hình thành, phát triển những nghề và làng nghề thủ công truyền thống gắn với nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cộng đồng dân cư ở mỗi địa phương.
Nơi lưu giữ, phát triển tinh hoa văn hóa của dân tộc
Làng nghề truyền thống không những có giá trị về kinh tế trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới mà còn là nơi lưu giữ và phát triển tinh hoa văn hóa của dân tộc. Nhiều làng nghề truyền thống vẫn giữ được thương hiệu sản phẩm nổi tiếng như: Đan lát, chạm bạc, dệt thổ cẩm, làm ngói máng, làm cót, làm hương, giấy dó... được làm ra từ bàn tay khéo léo của những người nông dân chăm chỉ trong lúc nông nhàn. Những năm gần đây, một số làng nghề truyền thống đã cải tiến kỹ thuật, công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nên sản phẩm ngày càng được thị trường, người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa thích, tiêu thụ với số lượng lớn.
Anh Lục Văn Diệp, xóm Lũng Rì, xã Tự Do (Quảng Hòa) cho biết: Nghề làm ngói máng có từ lâu đời. Trước đây, nghề làm ngói máng có ở nhiều vùng, nhưng để ngói có chất lượng và đẹp chỉ có ở xã Tự Do bởi nơi đây có một chất đất làm ngói không bị nứt, vênh, có màu đỏ đẹp mà vùng khác không có. Khi nhắc đến ngói máng là mọi người lại nhớ đến ngói máng của xã Tự Do.
Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Tày cũng phản ánh nét văn hóa, tín ngưỡng riêng của mình. Theo nghệ nhân Nông Thị Thược, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng, Cao Bằng), thổ cẩm giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Tày và cộng đồng dân tộc khác ở Cao Bằng. Các sản phẩm thổ cẩm ngày nay được dùng trong đời sống tâm linh, như: Những tấm trướng che bàn thờ, một số chi tiết cấu thành tấm áo, mũ, khăn, túi đựng đồ nghề, đệm ngồi của thầy cúng…
Thực tế cho thấy, làng nghề gắn liền với các vùng nông nghiệp, nông thôn và người nông dân làm nghề thủ công để giải quyết hợp lý cho lao động nông thôn. Mặt khác, từ sản phẩm, chúng ta nhận thấy gốc tích nông nghiệp, như: Nguyên vật liệu, công cụ chế tác, giá trị sử dụng và đặc biệt là phản ánh được tính chuyên dụng và sinh hoạt cộng đồng của cư dân nông nghiệp trên các sản phẩm đó. Mỗi nghề gắn liền với một cộng đồng cư dân cư trú ổn định trong quy mô làng, xã, tiêu biểu như khi nói đến nghề làm đường phên ở Bó Tờ (Quảng Hòa), người ta không chỉ nhớ và biết đến hương vị thơm, ngọt của đường phên mà còn biết đến đây là vùng sản xuất mía nguyên liệu lớn nhất của tỉnh… Mỗi làng nghề đều ẩn chứa những vẻ đẹp ấn tượng, nét đặc trưng riêng kiến tạo nên giá trị văn hóa của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Có mặt tại làng nghề ngói đất nung xóm Lũng Rì, xã Tự Do (Quảng Hòa, Cao Bằng), chúng tôi phấn khởi khi thấy cuộc sống người dân nơi đây từng bước phát triển, xây dựng các chuỗi sản xuất có quy mô lớn. Nghề làm ngói nung xóm Lũng Rì có từ lâu đời, được bà con nơi đây truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Để làm ngói máng theo cách truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ chọn đất, ủ đất, nhào đất, lọc sạn, tạo hình, phơi, nung, các khâu đều làm thủ công nhằm tạo ra sản phẩm, mẫu mã đẹp, thời gian sử dụng lâu dài, từng viên ngói mang nét đặc trưng riêng có của người dân nơi đây. Sản phẩm làm cho khách có cảm giác gần gũi, thân thiện, thể hiện những giá trị văn hóa truyền thống địa phương, các sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường trong huyện và các huyện, tỉnh lân cận. Nghề làm ngói được 23 hộ dân bảo tồn, giữ gìn và phát triển, thu nhập bình quân đạt trên 62 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Hoàng Minh Đồng, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Lũng Rì chia sẻ: Nghề làm ngói giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình, đặc biệt, người làm ngói luôn tâm niệm đây là nghề “gia truyền” của tổ tiên, cần lưu giữ và phát triển.
Hiện nay, sản phẩm của địa phương được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến mua, sản xuất bao nhiêu tiêu thụ hết. Tuy nhiên, để có thể duy trì làng nghề, bà con mong muốn chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn trong khâu tạo đầu ra cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu để quảng bá làng nghề, hỗ trợ mua máy móc, thiết bị sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc, giảm thiểu sức lao động và tăng thu nhập cho người dân ở các làng nghề.
Xã Phúc Sen (Quảng Hòa) là nơi có nhiều làng nghề truyền thống gắn với bảo tồn hiệu quả các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Nùng An, gồm: Nghề rèn, làm hương và làm giấy bản. Trong đó, làng rèn Phúc Sen khẳng định được vị thế của làng nghề thủ công truyền thống với các sản phẩm phong phú, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Để khẳng định thương hiệu và gìn giữ, phát huy kinh tế làng nghề, làng nghề ở Phúc Sen ngày càng mở rộng và phát triển. Nghề rèn thu hút và tạo việc làm cho gần 300 lao động nông thôn với 140 lò rèn, sản xuất theo quy mô hộ gia đình, hợp tác xã. Hằng năm, mang lại thu nhập cho địa phương hơn 18 tỷ đồng; thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Từ nỗ lực vươn lên của các làng nghề truyền thống đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2023, GRDP của tỉnh tăng 2,24%; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,71%; có thêm 5 xã đạt từ 17 - 18 tiêu chí nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 10,9 tiêu chí nông thôn mới/xã; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.700 tỷ đồng; tổng lượt khách du lịch đến Cao Bằng đạt khoảng 1.900 nghìn lượt, vượt 46% kế hoạch, tổng thu du lịch đạt 1.334 tỷ đồng, vượt 48,2% kế hoạch.
Hiện, toàn tỉnh có 21 làng nghề truyền thống chủ yếu sản xuất các sản phẩm: Miến dong, hương, giấy dó, cơ khí nhỏ (nghề rèn đúc), đường phên, đan lát, dệt thổ cẩm, bánh nướng, ngói máng và chạm khắc bạc. Có 7 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, gồm: Làng nghề làm đường phên xóm Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận, Làng nghề rèn xã Phúc Sen, Làng nghề giấy bản xóm Quốc Dân, xã Phúc Sen, Làng nghề hương xóm Phja Thắp, xã Phúc Sen, Làng nghề nón lá, xóm Hoàng Diệu và Làng nghề ngói đất nung, xóm Lũng Rì, xã Tự Do (Quảng Hòa); Làng nghề làm hương xóm Nà Kéo, xã Trường Hà (Hà Quảng). Các làng nghề đang sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở địa phương, huy động được nguồn lực trong dân, sử dụng tài nguyên sẵn có tại địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, thu hẹp khoảng cách mức sống giữa các vùng. |