Đời sống xã hội

Yên Bái: Nỗ lực giảm nghèo nhờ thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Ái Vân 12/12/2023 - 19:11

Vừa qua tỉnh Yên Bái đã tập trung nỗ lực giảm nghèo bằng cách thực hiện hiệu quả ba chương trình mục tiêu quốc gia, đó là chương trình 135, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và chương trình hỗ trợ nông nghiệp mới. Điều này nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện phát triển bền vững cho cộng đồng.

Để có được kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo, những năm qua, tỉnh Yên Bái dành sự quan tâm đặc biệt, coi công tác giảm nghèo dành cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Đảng bộ và chính quyền các cấp. Tỉnh đã huy động và lồng ghép nguồn lực hỗ trợ trong công tác giảm nghèo, tổng các nguồn lực huy động công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt trên 4.700 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 2.400 tỷ đồng, vốn địa phương trên 630 tỷ đồng. Trong đó riêng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, tỉnh Yên Bái giao gần 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng, vốn sự nghiệm gần 600 tỷ đồng. Đối với các nguồn vốn đầu tư phát triển, toàn tỉnh đã khởi công đưa vào sử dụng 84 công trình, giải ngân đạt 84% kế hoạch.

Ông Nguyễn Thành Anh, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Yên Bái cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở đã phối hợp với các Sở, ngành ở địa phương tham mưu cho UBND tỉnh trình Ban Thường vụ tỉnh ban hành Nghị quyết 61 về “Ban hành lãnh đạo công tác giảm nghèo năm 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, Nghị quyết 61 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công trách nhiệm đến từng sở ngành, địa phương phát huy sự đồng lòng của người dân về công tác giảm nghèo.

398-202312121806281.jpg
Bà Lường Thị Anh ở thôn Hát 1, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã thực hiện thành công mô hình kinh tế tổng hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt.

Để phát huy vai trò là cầu nối chính sách của Chính phủ tới người dân nghèo vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã giúp hàng vạn người dân thoát nghèo ổn định cuộc sống. 9 tháng năm 2023, doanh số cho vay mới của hệ thống Ngân hành Chính sách xã hội toàn tỉnh đạt trên 1.200 tỷ đồng giúp các hộ nghèo trồng mới, chăm sóc 15.700ha rừng, 330 ha cây ăn quả, mua 8.400 con trâu, bò giống, 7000 con lợn, dê và 200 nghìn con giống gia cầm các loại.

Nhiều chính sách giảm nghèo do có sự đầu tư trọng điểm của Nhà nước và của tỉnh nhất là hạ tầng giao thông. Đến nay, bộ mặt của nông thôn miền núi đã có sự thay đổi rõ rệt, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Tại các huyện vùng cao như Mù Cang Chải, Trạm Tấu bình quân mỗi năm giảm trên 7% hộ nghèo, đến nay 100% đường giao thông đến trung tâm được nhựa hoá, bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn; các trạm y tế đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 96% gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, hàng nghìn hộ nghèo ở vùng cao thực sự có cuộc sống ấm no.

Điển hình gia đình bà Lường Thị Anh ở thôn Hát 1, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu. Là hộ nghèo của thôn, bà Anh được hỗ trợ vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo “Chương trình phát triển sản xuất kinh doanh”. Gia đình bà Anh đã xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp và trồng trọt, nhờ chịu thương chịu khó làm ăn, mô hình kinh tế tổng hợp của bà Anh phát triển ổn định, mang lại nguồn thu trên 100 triệu đồng/1 vụ, giúp gia đình bà Anh trở thành hộ phát triển kinh tế tiêu biểu của thôn, xã được nhiều người đến học hỏi và làm theo.
”Nhờ có được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay với nguồn vốn ưu đãi để tôi và gia đình có cơ hội phát triển kinh tế, có việc làm ổn định, có thu nhập, gia đình khá giả hơn”, bà Anh chia sẻ.

Là một trong những điểm sáng trong công tác giảm nghèo của tỉnh, những năm qua, huyện Yên Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai chương trình hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn như triển khai nguồn vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo; đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm trên 4% mỗi năm.

398-202312121806282.jpg
Được hỗ trợ vay vốn từ nguồn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều hộ ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò thương phẩm.

“Quá trình triển khai, thực hiện có nhiều cách làm hay và hiệu quả, đã có danh sách các hộ dự kiến thoát nghèo và chúng tôi cũng phân tích rõ nguyên nhânnghèo, trên cơ sở đó tác động vào nguyên nhân gây nghèo để giúp các hộ vươn lên thoát nghèo. Phân công các đơn vị từ huyện đến cơ sở trong việc thực hiện giúp đỡ các hộ dự kiến thoát nghèo, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh công tác giảm nghèo”, ông Nguyễn Đức Long, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Yên Bình cho biết.

Để đạt được ấn tượng trong công tác giảm nghèo, tỉnh Yên Bái đã ban hành chương trình hành động giảm nghèo với phương châm khoán sản phẩm. Trong đó, chỉ tiêu giảm nghèo được giao đến các xã, phường, thị trấn, giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan đơn vị, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị với quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Đến nay, tỉnh vẫn duy trì phân công 51 sở, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể có liên quan trực tiếp tuyên truyền, vận động giúp đỡ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn và xã có thôn đặc biệt khó khăn thoát nghèo. Riêng từ đầu năm đến naycác cơ quan cấp tỉnh đã huy động được 14,4 tỷ đồng để thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó làm mới được 36 căn nhà, sửa chữa nhỏ cho 162 căn, ngoài ra còn hỗ trợ nhiều cây con giống, vật liệu xây dựng, trên 500 triệu đồng tiền mặt để sửa chữa cầu đường.

Ông Đỗ Quang Vịnh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái cho biết: Công tác phối hợp giữa các cấp các ngành, cũng như sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền địa phương cầnđược tăng cường và quyết liệt hơn. Ở đâu làm tốt, vào cuộc nhanh nhạy kịp thời thì ở đó, chương trình sẽ được triển khai rất hiệu quả. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ phối hợp với địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương xem triển khai và thực hiện đã đúng đối tượng, đúng địa bàn và thực sự đem lại hiệu quả cho bà con ra sao trên địa bàn trong toàn tỉnh.

Để công tác giảm nghèo hiệu quả, tỉnh Yên Bái đã lồng ghép, sử dụng các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới vào thực hiện kế hoạch. Dự kiến, giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn đầu tư để triển khai các công trình trên địa bàn tỉnh là trên 3.500 tỷ đồng. Với việc thực hiện hiệu quả nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Yên Bái đã từng bước giải quyết tốt như:Hỡ trợ về việc làm và hỗ trợ về nhà ở, mua thẻ bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng là người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số sống trong vùng đặc biệt khó khăn.

Đến nay, Yên Bái đã gần 97% thôn bản có nhà văn hóa, đặc biệtđã có 13 xã ra khỏi xã khó khăn, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông hóa đường nông thôn. Có thể thấy dấu ấn trong công tác giảm nghèo thời gian qua đã và đang góp phần đưa Yên Bái tiến gần tới mục tiêu trở thành tỉnh khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO