Gương sáng

Từ Trưởng thôn gương mẫu đến “Người phán xử” của buôn làng

Trần Sỹ 10/10/2023 - 20:26

Anh Kpuih Ten, 38 tuổi, Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ làng Sur A, xã Ia Ko, huyện Chư Sê, Gia Lai được người dân hết sức quý mến, tin yêu bởi bản thân là một người gương mẫu và hóa giải thành công nhiều vụ, việc “hóc búa” xảy ra trong làng.

Người con uy tín của buôn làng...

So với các cụ trong làng, tuổi đời của anh Kpuih Ten còn trẻ, nhưng tên của anh lại được rất nhiều người biết đến. Đó không chỉ do anh làm Trưởng thôn hay Bí thư Chi bộ gương mẫu, mà còn bởi anh là Tổ trưởng Tổ hòa giải làng Sur A, xã Ia Ko. Những vấn đề “hóc búa” trong làng đều được anh xử lý khéo léo, hàn gắn được tính đoàn kết trong cộng đồng. Vì vậy, một số người dân thường gọi anh là “Người phán xử” của dân làng.

Theo chia sẻ của anh Kpuih Ten, trước đây anh làm ở Tổ vay vốn và công tác đoàn thanh niên của làng. Nhờ tính chất của công việc, anh đã tham gia tư vấn và hỗ trợ cho nhiều hộ dân vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Trong làng lúc bấy giờ, không có nổi một hộ dân biết trồng cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, nhưng sau khi được anh hướng dẫn, hỗ trợ vốn vay và chỉ cách làm ăn nên bà con dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, bỏ thói quen trồng trọt thuần các loại cây ngắn ngày năng suất thấp. Từ đó, dân tin yêu, quý mến bầu anh làm trưởng thôn.

anh.-nguoi-phan-xu.jpg
“Người phán xử” Kpuih Ten

Anh tâm sự: “Khoảng 10 năm trước, mình được người dân bầu làm Trưởng thôn. Lúc đầu, vợ mình ngăn cản, không cho làm. Vì,vợ mình muốn mình làm công việc như trước để có thời gian phụ giúp vợ đi cạo mủ cao su kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Ngoài ra, bên ngân hàng họ thấy mình làm được việc nên đến trao đổi và muốn mình tiếp tục làm ở Tổ vay vốn.

Mình đã suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng mình lựa chọn làm Trưởng thôn. Bởi dân có tin thì mới bầu mình làm. Chỉ trong một thời gian ngắn, mình đã sắp xếp hài hòa việc làng, việc nhà một cách hợp lý nên công việc trôi chảy, trơn tru. Đến nay đã hai nhiệm kỳ rồi”.

Nhờ sự nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn, một lòng vì dân nên đến nay, bộ mặt nông thôn trong làng ngày càng khang trang. Số hộ nghèo trước đây hơn 50%, nay giảm xuống còn 25%. Qua công tác dân vận, các hộ dân tình nguyện hiến đất, mở đường thành những tuyến bê tông sạch đẹp.

“Người phán xử” công tâm!

Trong quá trình trò chuyện với phóng viên, những ký ức vui, buồn lẫn lộn trong công việc luôn hiện hữu trên khuôn mặt vị Tổ trưởng Tổ hòa giải này. Anh cho biết, bản thân vui vì đã giải quyết được nhiều vấn đề phát sinh của bà con nhân dân, nhưng buồn vì những sự việc đó vẫn còn xảy ra trong cuộc sống. Nói đến đây, lòng anh thắt lại, dẫu biết rằng, trong dòng chảy của thời gian, sự tranh chấp, gây gổ với nhau giữa con người với con người là điều khó tránh khỏi.

Qua nhiều vụ hòa giải, Trưởng thôn Kpuih Ten đều giải quyết rõ ràng, rành mạch, công bằng, thấu tình đạt lý, với phương châm “giải thích theo phong tục tập quán trước, sau đó mới vận dụng các quy định pháp luật của Nhà nước”.

Trong số những vụ, việc hòa giải, theo anh Ten, trường hợp gay cấn nhất là vụ hòa giải giữa hai hộ dân tên P. và tên H. Sự việc bắt nguồn từ việc gia đình 2 người đàn ông này tranh chấp đất với nhau có khả năng xảy ra xung đột. Ông P. nhất quyết cho rằng, bờ suối ngăn cách đất giữa hai bên là của ông nên đòi rào lại sử dụng riêng.

nguoiphan-xu.jpg
Đường vào làng Sur A

Biết chuyện, một mặt anh Kpuih Ten mời hai bên lên trao đổi, mặt khác tìm hiểu thông tin, nguồn gốc đất qua những người dân sinh sống xung quanh và những người sống trong làng lâu năm. Sau đó, đưa những gì mình xác minh được trao đổi với 2 bên, điều này buộc ông P. phải cúi đầu, chấp nhận hòa giải vì đuối lý.

Để tránh tranh chấp về sau, dưới sự chứng kiến của anh, hai hộ đã cắm mốc và thống nhất từ tâm con suối trở lại là đất thuộc về mỗi gia đình. Sau đó, hai bên đã bắt tay xin lỗi, mỗi nhà góp con gà, ghè rượu cùng uống chung.

Một vụ, việc khác cũng không kém phần hấp dẫn, thể hiện được năng lực, phẩm chất của “Người phán xử” này. Đó là vụ ba thanh niên trong làng đi làm rẫy về, bất ngờ bị một nhóm thanh niên lạ mặt chặn đường, vô cớ đánh gây thương tích. Vì vậy, cả 3 người đã đến nói chuyện với Trưởng thôn, nhờ phân xử, bắt đền. Sự việc lúc ấy, khó ở chỗ, ba trai làng không biết ai đánh mình và lý do đánh là gì. May mắn là họ nhớ mặt một người trong số đó và biển số xe máy.

Dù manh mối hạn chế, mơ hồ nhưng để đòi lại quyền lợi chính đáng cho trai làng mình, anh Kpuih Ten đã trao đổi và phối hợp với Công an xã, quyết tâm truy tìm bằng được nhóm nhóm thanh niên lạ mặt. Sau khi xác định được, đây là nhóm người ở làng Sơr (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) và tìm gặp, phân xử.

“Ban đầu họ nhất quyết không nhận trách nhiệm và rời khỏi cuộc họp hòa giải. Lúc này tôi nhờ Công an xã giữ họ lại, để tôi nói hết ý “nếu bây giờ không chịu hòa giải, sau này sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi Công an xác định có tội, có thể sẽ đi tù”. Nghe xong những lời này, mấy thanh niên sợ quá, thừa nhận là đánh nhầm và nhận trách nhiệm, đồng ý hòa giải”, anh Kpuih Ten cho biết thêm.

Một lãnh đạo UBND xã Ia Ko, nhận xét: Anh Kpuih Ten nắm vững kiến thức pháp luật, luôn hết mình để vận động bà con nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong hòa giải viên, anh là một người khéo léo, linh hoạt kịp thời hóa giải những mâu thuẫn, tranh chấp trong làng.

Nhờ sự công hiến hết mình trong mọi công việc nhằm đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình an cho bà con nhân dân, năm 2022, anh Kpuih Ten được Sở Tư pháp tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải cấp cơ sở giai đoạn 2019-2022. Đồng thời, anh cũng được Hội Nông dân huyện Chư Sê bầu là Nông dân sản xuất giỏi cấp huyện giai đoạn 2017-2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO