Trong những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện tốt các chương trình, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã hỗ trợ nguồn lực quan trọng và tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào gắn với phát triển du lịch.
Trà Vinh có nền văn hóa phong phú, đa dạng thông qua các hoạt động lễ hội tôn giáo, các loại hình nghệ thuật, ngành nghề truyền thống, mang đậm nét văn hóa đặc trưng riêng. Thời gian qua, Trà Vinh đang hướng đến cộng đồng dân tộc Khmer để xây dựng đời sống văn hóa gắn với các yếu tố bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc biệt là xây dựng sản phẩm du lịch phát huy bản sắc văn hóa nội địa.
Phát huy những lợi thế về văn hóa Khmer, tỉnh Trà Vinh đã khai thác để mời gọi du khách đến trải nghiệm và khám phá. Đến Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh, du khách được trải nghiệm chuỗi liên kết khu du lịch di tích danh thắng Ao Bà Om; di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Âng; Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer; đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, thưởng thức âm nhạc từ dàn nhạc ngũ âm, múa trống Chay dăm, các điệu múa dân tộc, tham quan làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ, tham quan tìm hiểu và cùng nghệ nhân chế tác mặt nạ truyền thống, thưởng thức các món ăn đặc sản dân tộc Khmer...
Trong đó, di tích danh thắng Ao Bà Om là điểm đến thu hút nhiều du khách. Đây là di tích cấp quốc gia thuộc loại hình danh lam thắng cảnh. Bao quanh ao là những động cát nhấp nhô với hơn 500 cây dầu, cây sao. Danh thắng ao Bà Om hình thành do quá trình tự nhiên kết hợp với bàn tay lao động của con người. Trong đó, có nhiều cây cổ thụ với bộ rễ trồi lên mặt đất, tạo nên hình thù kỳ lạ, đây là nét độc đáo riêng, hiếm nơi nào có được.
Phong tục, tập quán và lễ hội của đồng bào Khmer gắn liền với cuộc sống sản xuất, sinh hoạt gia đình, cộng đồng và xã hội; gắn liền với đạo đức, lối sống, ước nguyện của con người trong cuộc sống. Đồng bào Khmer ở Trà Vinh có 11 lễ hội cổ truyền, gồm: Lễ vào năm mới (Pithi Chol Chnam Thmay), lễ cúng ông bà (Pi thi Sen Đon ta), lễ cúng trăng hay Đút cốm dẹp (Ok Om Bok), lễ cúng Neak ta, lễ Kathina (dâng y cà sa), lễ nhập hạ, lễ xuất hạ, lễ kết giới chính điện, lễ an vị tượng Phật, lễ đặt cơm vắt và lễ Phật đản và 7 loại hình nghệ thuật cổ truyền.
Trà Vinh có nhiều loại hình du lịch đa dạng, trong đó du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh là nét nổi bật, khác biệt so với các tỉnh, thành khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer được đánh giá giàu tiềm năng phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch khác biệt.
Ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Du lịch Đất Chín Rồng, nói: “Trà Vinh đang khai thác văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Đây là sản phẩm rất khác biệt so với các địa phương khác trong khu vực. Trà Vinh có chùa Khmer nhưng không có nhiều chùa được khai thác để phục vụ phát triển du lịch. Vì vậy, tỉnh nên hỗ trợ, định hướng giúp chùa xây dựng thêm các loại hình dịch vụ, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc trưng của đồng bào Khmer để các chùa trở thành một sản phẩm du lịch mang sắc màu riêng biệt của tỉnh”.
Trà Vinh sau hơn 2 năm thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719 đã hỗ trợ nguồn lực quan trọng và tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào gắn với phát triển du lịch.
Ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: “Hiện Trà Vinh có 30 thiết chế văn hoá, thể thao ấp được đầu tư; 1 công trình văn hóa phi vật thể và 1 lễ hội được phục dựng, bảo tồn; 1 làng truyền thống phục vụ phát triển du lịch; 1 mô hình văn hóa truyền thống được xây dựng, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian được thành lập; 1 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng. Ngoài ra, còn có 112 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Chhay dam, 35 đội múa chằn, khỉ, trên 100 đội nhạc tân, 40 đội bóng chuyền, 8 đội ghe Ngo; 1 tờ báo và 2 nội san xuất bản bằng tiếng Khmer; 1 chương trình phát thanh và 1 chương trình truyền hình tiếng Khmer; 1 đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh... cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của đồng bào và du khách mỗi khi đến với Trà Vinh”.
Ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: “Hiện Trà Vinh có 30 thiết chế văn hoá, thể thao ấp được đầu tư; 1 công trình văn hóa phi vật thể và 1 lễ hội được phục dựng, bảo tồn; 1 làng truyền thống phục vụ phát triển du lịch; 1 mô hình văn hóa truyền thống được xây dựng, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian được thành lập; 1 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng. Ngoài ra, còn có 112 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Chhay dam, 35 đội múa chằn, khỉ, trên 100 đội nhạc tân, 40 đội bóng chuyền, 8 đội ghe Ngo; 1 tờ báo và 2 nội san xuất bản bằng tiếng Khmer; 1 chương trình phát thanh và 1 chương trình truyền hình tiếng Khmer; 1 đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh... cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của đồng bào và du khách mỗi khi đến với Trà Vinh”.
Song song đó, các liên hoan nghệ thuật quần chúng Khmer, các hội thi trình diễn trang phục dân tộc, hội diễn… cũng được tổ chức thường xuyên. Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer đã sưu tầm, hệ thống hóa, trưng bày trên 1.000 hiện vật thể hiện rõ nét văn hóa, lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán của đồng bào Khmer.
Đến nay, đồng bào Khmer có 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây, lễ hội Ok Om Bok và Nghệ thuật Rô-băm; 42 chùa Khmer được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp tỉnh và di tích lịch sử văn hóa kiến trúc cấp quốc gia. Các chùa Khmer luôn quan tâm duy trì lối kiến trúc cổ, bảo vệ và lưu giữ các di sản văn hóa đặc trưng.
Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh cho biết: "Việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch luôn được tỉnh quan tâm, qua việc triển khai các chính sách hỗ trợ, đề án, văn bản hướng dẫn đầu tư, tôn tạo di tích… đã đưa di tích trở thành điểm đến đặc trưng của du lịch Trà Vinh. Sau hơn 2 năm thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh làm chủ dự án, với nguồn vốn sự nghiệp phân bổ hơn 18,5 tỷ đồng; Dự án 9 đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn do Ban Dân tộc làm chủ dự án, với nguồn vốn sự nghiệp là hơn 2,3 tỷ đồng. Hai đơn vị đang quyết tâm triển khai các bước thực hiện, ước giải ngân đến 31/12/2023 sẽ đạt 100% kế hoạch được giao”.
Không chỉ triển khai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, trong công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống Trà Vinh còn gắn với tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số qua các dự án bảo tồn gắn với phát triển du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch, cải thiện nguồn thu nhập cho đồng bào dân tộc.