Những năm qua, nhờ phát huy được tổ hợp tác nông nghiệp đã giúp nhiều cựu chiến binh, người nghèo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Trước kia, cuộc sống gia đình ông A Đa (thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, Kon Tum) chỉ đủ ăn từng bữa. Những ngày giáp hạt hay mưa kéo dài thì cái ăn còn chật vật. Hay tin địa phương thành lập tổ hợp tác trồng nấm, ông A Đa cũng tìm hiểu và đăng kí làm việc để học hỏi kinh nghiệm.
“Ông Vũ Văn Duân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đăk Hà cũng là Tổ trưởng tổ hợp tác nên tôi rất yên tâm. Hơn 3 năm gắn bó với trại nấm tôi được nhận mức lương 5 triệu đồng/tháng. Không những vậy, tôi còn được học hỏi quy trình kỹ thuật tạo phôi giống và chăm sóc nấm. Gần 1 năm qua tôi cũng áp dụng mô hình này tại nhà. Với 400 bịch phôi nấm sò tạm ứng đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ việc trồng nấm mà gia đình tôi có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Tôi cũng mong bản thân sẽ làm tốt, phát triển kinh tế gia đình để sau này hỗ trợ lại cho những hộ khó khăn hơn”, ông A Đa chia sẻ.
Mô hình tổ hợp tác nghề nghiệp trồng nấm của Hội CCB được thành lập từ năm 2022. Qua đó thu hút đông người dân tham gia với hy vọng thoát nghèo, phát triển kinh tế. Đây cũng là môi trường thuận lợi để hội viên CCB, bà con nhân dân cùng chia sẻ, hỗ trợ, giúp nhau nâng cao thu nhập.
Ông Vũ Văn Duân – Chủ tịch Hội CCB huyện Đăk Hà, Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, gia đình ông có nhiều năm kinh nghiệm trồng nấm và nhận thấy mô hình hiệu quả, thiết thực nên quyết định thành lập mô hình tổ hợp tác nghề nghiệp trồng nấm. Khi thành lập ông hy vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng với mục đích chia sẻ lại những kiến thức, kinh nghiệm của nghề trồng nấm và tạo việc làm cho một số hội viên CCB và bà con khó khăn trên địa bàn.
Từ ngày thành lập, đến nay tổ hợp tác có 10 thành viên tham gia. Khi tham gia mô hình, các thành viên được làm công và học nghề trồng nấm tại trại nấm của ông Duân. Sau khi thành thạo nghề, các thành viên có nhu cầu trồng nấm kinh doanh sẽ được hỗ trợ tạm ứng bịch nấm đã được cấy phôi hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu về sinh trưởng. Đến khi thu hoạch sẽ được hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm và trả tiền giống tạm ứng ban đầu.
Với cách làm này, nhiều hội viên CCB, người dân có công việc làm, thu nhập ổn định, lại được học thêm nghề để áp dụng vào phát triển sản xuất của gia đình.
Năm 2022, Chi hội CCB khối 2 (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, Kon Tum) cũng thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản. 2 năm thành lập, tổ hợp tác đã giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn tại, như: kỹ thuật chăm sóc bò còn hạn chế, vốn đầu tư, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm…
Qua đó, các hội viên CCB tiêu biểu cùng liên kết trao đổi, chia sẻ kỹ thuật, học tập kinh nghiệm trong chăn nuôi bò, hỗ trợ nhau về vốn đầu tư và ổn định thị trường tiêu thụ. Nhờ vậy nhiều hộ gia đình không còn mang nhiều nỗi lo khi đầu tư, chăn nuôi bò. Cuộc sống của bà con cũng dần ổn định, kinh tế gia đình ngày càng đi lên.
Ông Bùi Xuân Tiến – Tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản cho hay, sau một thời gian thành lập và đi vào hoạt động, đơn vị chăn nuôi bò sinh sản đã phát triển được 5 thành viên, với tổng số đàn bò hơn 50 con. Để nâng cao chất lượng, mang lại hiệu quả cao, thiết thực các tổ viên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, giúp đỡ nhau. Từ đó, kịp thời phát hiện các triệu chứng bệnh ở bò và kịp thời chữa trị.
Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản cũng được chính quyền và hội CCB các cấp quan tâm, thường xuyên kiểm tra theo dõi, hỗ trợ vật tư thuốc thú y cần thiết để phòng các loại bệnh cho bò. Ngoài ra, kết nối, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay, cấp hội CCB trong tỉnh Kon Tum đã thành lập 10 tổ hợp tác nông nghiệp. Nhờ phát huy được hiệu quả, giúp hội viên yên tâm vào nguồn giống và tin tưởng vào đầu ra của sản phẩm. Bà con cũng mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.