Đời sống xã hội

Phát triển kinh tế để thực hiện bình đẳng giới

Lập Nguyễn 18/05/2024 - 08:59

Câu lạc bộ (CLB) thủ lĩnh của sự thay đổi được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên thành lập cuối năm 2023 tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Mường Đun. Thành lập Câu lạc bộ là một trong những mô hình của Dự án 8 Thực hiện Bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

398-202405171152481.jpg
Ra mắt Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tả Phìn (Ảnh Internet)

CLB thủ lĩnh của sự thay đổi là một sân chơi, một diễn đàn thực sự cho các em học sinh. Thông qua các buổi sinh hoạt của CLB, các em không chỉ được nâng cao kỹ năng, kiến thức bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi mà còn là nơi để các em giao lưu, chia sẻ, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi. Đồng thời đây là nơi cho các em trang bị kiến thức, kỹ năng giúp trẻ tự bảo vệ mình và thúc đẩy trẻ tham gia các hoạt động có ý nghĩa liên quan đến trẻ em tại địa phương. Các thành viên CLB sẽ là thành viên tiên phong trong sự thay đổi nhận thức, xoá bỏ định kiến giới, xoá bỏ thói quen, tập tục lạc hậu có hại trong đồng bào các dân tộc tại địa phương.

Xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa có hơn 98% hộ dân là người dân tộc thiểu số. Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây còn tồn tại nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng, hủ tục lạc hậu lâu đời như kết hôn sớm khi chưa đủ tuổi, trẻ em phải lao động khi chưa đến tuổi, mất cân bằng giới tính khi sinh. Điều này đã gây cản trở sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em các dân tộc cũng như quá trình phát triển kinh tế lâu dài của địa phương. Để giải quyết các vấn đề trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mường Đun đã thành lập Tổ truyền thông cộng đồng ở 3 thôn còn nhiều khó khăn trên địa bàn xã, với lực lượng nòng cốt là trưởng thôn, người có uy tín, các tổ chức đoàn thể.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng thôn Bản Hột, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa, cho biết: Từ khi có Tổ truyền thông cộng đồng, chúng tôi đã thực hiện theo kế hoạch đề ra, phân công nhau đi tuyên truyền đến từng thôn, bản với các nội dung như: Bạo lực gia đình, bình đẳng giới, Luật Hôn nhân, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Ngoài những kế hoạch đó, chúng tôi cũng tuyên truyền cho bà con nếp sống văn hoá, gìn giữ phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình, tổ chức hoà giải mâu thuẫn giữa các cá nhân trong thôn, bản.

Ở huyện Tủa Chùa, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ, và người dân về quyền của phụ nữ. Hội Phụ nữ các cấp của huyện đã tổ chức quán triệt, phổ biến kiến thức về bình đẳng giới về sự tiến bộ của phụ nữ. Việc triển khai bình đẳng giới ở Tủa Chùa có chuyển biến tích cực nhờ đẩy mạnh công tác đào tạo những cán bộ nữ có năng lực, trình độ, tạo nguồn trong công tác quy hoạch cán bộ, và tạo mọi điều kiện cho phụ nữ tham gia giữ các vị trí lãnh đạoquản lý trong cấp uỷ chính quyền, các đoàn thể xã hội. Vì vậy, số nữ cán bộ của huyện tham gia công tác xã hội ngày càng tăng, khảng định sự tiến bộ bình đẳng giới, minh chứng tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 chiếm gần 17%, cấp xã chiếm gần 15%.

Bà Vì Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tủa Chùa cho biết: Vẫn còn một vài vấn đề như định kiến giới, khuôn mẫu giới, đặc biệt khuôn mẫu giới không làm việc nhà đối với một số đồng bào dân tộc nơi đây vẫn còn tồn tại và phổ biến ở trong đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện công tác bình đẳng giới ở trong huyện năm 2023, Hội LHPN huyện Tủa Chùa đã phối hợp với các cơ quan ban ngành của huyện tổ chức các hoạt động, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc, của cộng đồng về khuôn mẫu giới trong làm việc nhà gắn với việc triển khai Dự án 8 trên địa bàn. Năm vừa qua, chúng tôi cũng xây dựng được 30 tổ truyền thông cộng đồng, 03 địa chỉ tin cậy. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt hỗ trợ, giúp đỡ Hội Phụ nữ trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Ngoài ra, phụ nhữ Tủa Chùa còn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, thông qua tổ chức hội, đã có 1.850 hộ hội viên nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với dư nợ gần 65 tỷ đồng để phát triển kinh tế, hơn 500 hội viên được vay gần 1 tỷ đồng từ quỹ tiết kiệm. Có nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai hiệu quả, được bà con học tập, nhân rộng.

Mô hình phát triển kinh tế của chị Thào Thị Mày ở thôn Tỉnh B là một trong những điển hình về phát triển kinh tế của Hội Phụ nữ xã Xá Nhè. Từ nguồn vốn vay 59 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị Mày đã mua trâu, bò để làm kinh tế. Hiện nay, gia đình chị đã phát triển đàn trâu, bò lên đến 15 con và hàng trăm con gia cầm, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình chị. Chị Mày chia sẻ: Được các chị trong chi hội phụ nữ thôn, xã giúp đỡ cho tôi vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, rồi các chị trong Hội hướng dẫn cách làm ăn, tôi cũng mạnh dạn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ chăn nuôi, gia đình tôi cũng đã có điều kiện cho các con đi học đầy đủ, mua sắm những đồ dùng sinh hoạt gia đình, những nông cụ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Còn ở xã Trung Thu, mô hình liên kết trồng đậu Hà Lan của Chi hội Bản Pô cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. vườn cây xanh tốt được chị em chăm sóc theo hướng nông nghiệp sạch. Trước đây, chị em phụ nữ trong bản chủ yếu trồng rau trong vườn để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Đến nay, việc trồng rau theo hướng hàng hoá để tăng thu nhập cho gia đình đã góp phần trong việc thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của chị em phụ nữ. Những hộ có nhiều đất thì trồng rau bán quanh năm, hộ ít đất cũng trồng rau đủ ăn trong gia đình, vừa tiết kiệm chi tiêu vừa an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ khi tham gia vào Tổ phụ nữ trồng rau sạch, các hội viên hỗ trợ nhau trong việc chăm sóc rau cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Việc liên kết trồng rau sạch giúp cho đời sống của hội viên được cải thiện, thu nhập tăng hơn so vớitrồng rau truyền thống.

Chị Thào Thị Chư, thôn Bản Pô, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa cho biết: “Tham gia mô hình liên kết này, tôi và các chị em biết cách trồng nhiều loại rau và trồng như thế nào để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Chúng tôi cũng rất phấn khởi khi các chị em phụ nữ biết giúp đỡ nhau để phát triển kinh tế, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình.

Để rút ngắn khoảng cách về giới và bình đẳng giới cho chị em phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, trước tiên chị em phụ nữ phải tự chủ để phát triển kinh tế, tham gia tích cực công tác xã hội, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, khảng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội, tham gia nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO