“Những năm qua, tín dụng chính sách đã phát huy được vai trò quan trọng của mình, là đòn bẩy phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số, miền núi”, ông Phan Hồng Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc cho biết.
Việt Nam hiện đang triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững. Ba chương trình này được thực hiện một cách gắn kết và lồng ghép, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia kể trên đã giúp bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội; góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 6,4 triệu lao động; hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng gần 772 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước trong giai đoạn 2001 - 2005 giảm từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 giảm từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 giảm từ 9,88% xuống 2,23%.
Người nghèo, đối tượng yếu thế được tiếp cận nguồn vốn tín dụng
Chia sẻ về vấn đề chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo và đối tượng chính sách, ông Phan Hồng Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc cho biết: Những năm qua, tín dụng chính sách đã phát huy được vai trò quan trọng của mình, đó là đòn bẩy kinh tế vùng dân tộc thiểu số miền núi. Điều này thể hiện ở những điểm chính: Đây là công cụ chính sách của Đảng, Nhà nước để người dân tiếp cận được nguồn vốn và mang lại hiệu quả to lớn trong suốt 2 thập niên vừa qua; giúp người nghèo - đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận được nguồn tín dụng, tránh được bẫy tín dụng đen.
Với 6 chính sách lớn, tương đối rộng và phủ khắp là: tín dụng cho người nghèo, tín dụng hộ cận nghèo, tín dụng hộ mới thoát nghèo, tín dụng học sinh sinh viên, tín dụng tạo việc làm, tín dụng vùng khó khăn đặc biệt vùng dân tộc thiểu số và miền núi và miền núi; tín dụng chính sách đã phát huy được vai trò đặc biệt của mình.
Từ nguồn vốn tín dụng tiếp cận được từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức lãi suất ưu đãi, bà con ở vùng lõi của đói nghèo từng bước thoát nghèo, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Ông Phan Hồng Thủy nhấn mạnh thêm: Công tác tín dụng chính sách gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia cần phải thực hiện phù hợp với thực tiễn, tránh thực hiện manh mún, dàn trải. Đầu tàu kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được xác định trong chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị đã cho vay đến tận các xã, doanh nghiệp trong vùng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia đạt tỷ lệ là được phép tiếp cận với nguồn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thì phải có cơ chế phối hợp giữa các sở ngành liên quan, phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng chung tay góp sức thực hiện công tác giảm nghèo với mục tiêu hết sức nhân văn đó là "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Bên cạnh đó, cần phải thay đổi câu chuyện truyền thống, đó là muốn hỗ trợ được người nghèo vùng đó thì cần phải nắm lấy các doanh nghiệp, đặc biệt là mô hình hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị như thế nào để nâng cao hiệu quả; phải thổi hồn được các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua phát triển du lịch, OCOP...