Qua bao mùa trăng vơi rồi lại đầy, những lời ca, tiếng hát câu bả trạo, bài chòi của ngư dân các phường ven biển dần phai nhạt, thậm chí, hát bả trạo đang biến mất trước nhịp sống hiện đại. Trong tiềm thức của họ, dưới đêm hè đầy sao, ba đôi câu hát cất lên sáng trong, vang xa, như tưới mát cái tiết trời oi ả lẫn tâm hồn người ca, giờ đây, để tìm lại câu hát thật khó vời vợi.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thực (thứ 5, từ phải sang) biểu diễn tại lễ ra mắt CLB hát bả trạo phường Nại Hiên Đông. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Về đâu bả trạo
Về phường Mân Thái, đến con đường tranh bích họa nổi bần bật đủ sắc màu, cạnh lăng Ngư ông - nơi tín ngưỡng của cư dân trong vùng, hỏi cụ Nhỏ hát bả trạo thì ai cũng biết bởi cụ là người gắn bó với bả trạo trọn một đời và là thế hệ thứ ba nối nghiệp hát bả trạo từ các bậc cao niên ở miền này. Dưới sự chỉ dẫn của người dân, tôi tìm gặp cụ Nhỏ, tên gọi là Phùng Phú Phong (85 tuổi) để hiểu rõ hơn về nghệ thuật hát bả trạo.
Ngồi trong hiên nhà, cụ Phong cùng con trai Phùng Văn Phục (40 tuổi) đang ngân nga vài câu hát bả trạo “Đêm thanh vắng một mình sau trước - Tay cầm gầu chân bước xuống khoang - Đêm canh trường trạo tử nghỉ an - Tôi phải thức lo bề tát nước”, thấy người lạ ghé thăm, cụ Phong và anh Phục cười tươi và nói rằng, những câu hát này nằm trong bổn chèo hát bả trạo trong lễ cầu ngư, lễ xây lăng mới hay lễ trùng tu lăng.
Nhớ lại thời hoàng kim với câu hát, cụ Phong nhìn xa xăm kể, không biết câu hát bả trạo có tự bao giờ, nhưng khi sinh ra, câu bả trạo đã đi sâu vào đời sống và tâm thức những ai sống ở mảnh đất này. Chính vì thế, năm 15 tuổi, vừa học nghề đi biển từ ba, thời gian rỗi, cụ theo bô lão trong làng học cách cầm chèo rồi lâu dần chuyển qua học hát. Cụ nói rằng, không dễ hát bả trạo, cụ phải trải qua thử thách từ chất giọng, biểu cảm, ngôn ngữ hình thể rất khắt khe từ các bô lão thời ấy. Nếu hội tụ đầy đủ yếu tố trên, thì bắt đầu hành trình luyện hát bả trạo. Cụ thường xuyên trau dồi quãng giọng, các nốt luyến, láy, cách hò, than, vài năm sau, cụ đứng hát ở tất cả vị trí trong một vở hát từ tổng mũi, tổng khoang hay tổng lái, dù đóng vai trò nào, cụ cũng đảm đương vẹn toàn.
“Đôi lúc, tôi vừa sắp xếp đi biển lo kinh tế gia đình vừa canh khoảng nghỉ để hát khi làng có lễ, có hội. Đến nỗi, nhiều khi tôi buộc nghỉ đi biển vài ba ngày để đi hát là bình thường bởi vì mê câu hát, không thể bỏ. Thời đó, trong làng có 3 đến 4 nhóm hát bả trạo nên cả làng cứ như nhà hát. Đi từ đầu ngõ đến cuối hẻm, đâu đâu cũng nghe giọng ca cất lên từ thuần thục cho đến mới chạm lời. Nhờ thế, câu hát sống với tôi hơn 50 năm thì nay đã lui vào quá khứ hơn mươi năm qua bởi nhịp sống hiện đại, cuốn trôi câu hát bả trạo đi xa”, cụ Phong giọng trầm buồn nói.
Theo cụ Phong, hát bả trạo là thể loại diễn xướng dân gian lễ nghi, tín ngưỡng, là nét văn hóa tâm linh cư dân vùng biển, thường biểu diễn trong lễ hội lễ Cầu ngư, cầu mưa thuận, gió hòa, đánh bắt được mùa, khoang thuyền đầy ắp và bày tỏ lòng thành kính Đức Ông (Cá Ông) cứu ngư dân thoát khỏi nguy nan trước sóng to, gió lớn ngoài khơi… Nội dung câu hát bả trạo bắt nguồn khi người dân đi biển gặp nạn, cá Ông là người cứu họ, đưa đến nơi an toàn nên họ xem cá Ông như một vị thần thánh, hộ mạng. Từ đó, ngư dân đưa sự ca ngợi, sùng bái vào từng lời ca, tiếng hát, nói lên niềm tiếc thương khi cá Ông dạt bờ qua đời. Đồng thời, qua hát bả trạo, ngư dân cầu mong bình yên, an toàn khi vươn chèo ở khơi xa. Vì vậy, trong lễ hội cầu Ngư thì hát bả trạo là linh hồn của lễ hội, thiếu bả trạo thì lễ cầu ngư không còn cái hồn, cái hơi thở cuộc sống miền biển. Đội hình hát bả trạo có 18 - 25 người, mô phỏng như chiếc thuyền nan nhỏ. Cụ thể, vai trò tổng mũi đứng trước mũi thuyền, làm người chỉ đường, hai tay cầm cặp sanh gõ chỉ huy. Tổng khoang đứng giữa khoang thuyền, cầm cần gầu và tát nước, vị trí cuối cùng là tổng lái. Hai bên phải và trái sẽ là hàng trạo gồm 12 người, mỗi bên 6 người, tay cầm mái chèo khua nước, rẽ sóng.
Khi được hỏi cách hát bả trạo hay thì người hát cần điều gì, cụ Phong vui vẻ nói, chỉ cần người hát có chất giọng bởi nếu không có chất giọng phù hợp thì sẽ khó mà theo nghề. Tiếp lời cụ Phong, anh Phục tiếc nuối bày tỏ, cũng vì yêu hát bả trạo nên có thời gian hơn 5 năm theo ba tập tành từ cầm trạo cho đến vị trí hát tổng khoang, nhưng cũng đành bỏ đi làm kinh tế phụ giúp gia đình bởi hiện nay, trên địa bàn không còn đội hát bả trạo, nếu theo nghề sẽ khó trăm bề. Chính vì vậy, đôi lúc, nhớ câu bả trạo thì anh và ba nghêu ngao hát cho thỏa nỗi lòng. Dứt lời, cụ Phong và anh Phục tiếp tục ca, tôi vui khi tận tai nghe cụ Phong và anh Phục ngân nga đôi câu bả trạo rồi chợt nhận ra, chỉ có những ngư dân mang đậm hơi thở của biển, hiểu về biển và mang ơn với biển thì mới có thể ngân câu bả trạo ngọt sớt đến rùng mình.
Cùng nỗi niềm giống cụ Phong, ông Phạm Văn Đủ (68 tuổi), là nghệ nhân hát bả trạo trong vùng chia sẻ: “Tôi cũng vừa đi biển vừa theo tiếng hát gần 40 năm. Có thể nói, để sống với bả trạo rất khó nên tôi phải chuyển sang hát đám tang và mới nghỉ ngơi gần 3 năm qua. Bây giờ, tìm người lớn tuổi hát bả trạo đã hiếm thì lớp trẻ kế cận thì lại càng khó. Chính vì thế, tôi mong rằng, để câu hát bả trạo còn lưu lại, giúp thế hệ sau biết đến như một giá trị văn hóa thì chính quyền địa phương cần chung tay gìn giữ câu hát bả trạo”.
Khôi phục lại nghề
Có người nghệ sĩ ngư dân hát được hai thể loại bài chòi và bả trạo đó là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thực (65 tuổi, phường Nại Hiên Đông), Chủ nhiệm CLB Bài chòi Nại Hiên Đông, hội viên CLB Bài chòi Hải Vân (thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố), Hội viên Hội nghệ sĩ thành phố cho hay, ông có thể hát bài chòi lẫn bả trạo gần 40 năm từ sự tìm tòi, học hỏi của cha ông để lại. Sau khi rời nơi chôn nhau cắt rốn tỉnh Quảng Ngãi, ông ra Đà Nẵng làm nghề biển, đồng thời, đi hát bài chòi và bả trạo từ năm 25 tuổi. Nhớ lại một thời vươn khơi cùng bạn thuyền, ông nói, đôi khi nhìn nước, nhìn trời, ông có thể xuất khẩu thành lời bả trạo và hát giữa biển đêm sóng dội để thêm yêu nghệ thuật hát bả trạo. Riêng dân ca bài chòi, nó lại giúp ông nuôi dưỡng tâm hồn nhẹ nhàng, sâu lắng trong cuộc sống thường ngày bởi câu từ đơn giản, súc tích.
Theo ông, hiện nay, nghệ nhân hát dân ca bài chòi vẫn còn tồn tại tuy gặp nhiều khó khăn nhưng bả trạo đang biến mất bởi bài chòi mang hơi thở cuộc sống và là một trò chơi dân gian, vẫn còn sức hút. Bả trạo thì khác, nó là ca, là thán, là nỗi niềm, là mong mỏi của những ai gắn bó với biển, mang ơn cá Ông thì chỉ thích hợp cho bộ phận số ít người dân nên khó thu hút. Để sống với nghề, ông đi biểu diễn hát bài chòi dịp lễ, Tết ở các sân khấu trong thành phố, còn bả trạo, ông nhận hát trong các đám tang. “Hồi tháng 6-2023, tôi vui mừng khi UBND phường Nại Hiên Đông ra mắt CLB hát bả trạo, giúp người dân cũng như những người trong nghề thêm phần hứng khởi, đó cũng là sự quan tâm của chính quyền để câu hát bả trạo không rơi vào quên lãng”, ông Thực bộc bạch.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết, với niềm mong mỏi số đông người dân, UBND phường thành lập CLB hát bả trạo để khôi phục lại nghệ thuật hát bả trạo sẵn sàng phục vụ lễ hội cầu Ngư cũng như du khách và đám tang trên địa bàn. Thời gian đến, UBND phường sẽ hỗ trợ trang phục, dụng cụ cho các thành viên trong CLB. Mong rằng, nghệ thuật này sẽ lan tỏa những giá trị tốt đẹp, trở thành món ăn tinh thần của người dân phường Nại Hiên Đông nói riêng và tất cả các phường có nghệ thuật hát bả trạo nói chung.