Hiện nay, nghề rèn thủ công đang dần mai một, người theo nghề cũng vơi dần. Thế nhưng, ở thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) vẫn còn nhiều hộ gia đình tâm huyết với nghề. Họ quyết tâm gìn giữ nghề rèn truyền thống hơn 300 năm tuổi của cha ông.
Ở tuổi 65, ngọn lửa đam mê với nghề rèn trong ông Nguyễn Tòng vẫn luôn bùng cháy, thôi thúc ông giữ nghề để truyền cho đời sau. |
Giữ lại nghề xưa
Chúng tôi đến thăm làng rèn thôn Minh Khánh vào một ngày chớm đông. Ngay từ sáng sớm, nhịp lao động nơi đây đã rộn ràng, tất bật để kịp thời cung cấp nông cụ phục vụ đời sống và sản xuất của nông dân khi bước vào vụ đông xuân. Men theo từng tiếng búa đập, gõ “chan chát”, chúng tôi tìm đến nhà của ông Nguyễn Đô. Bước qua tuổi lục tuần, mà trông ông Đô hãy còn khỏe mạnh, rắn chắc.
Bên bếp lò đỏ bừng ánh lửa, từng động tác nung sắt, đập búa tạo hình chiếc liềm được ông Đô thực hiện một cách thuần thục. Tranh thủ lúc nghỉ tay, nhấp ngụm trà, ông Đô bộc bạch, ở làng Minh Khánh này nghề rèn tồn tại đến nay cũng đã được hơn 300 năm. “Tôi là đời thứ 4 trong gia đình được truyền lại nghề rèn này. So với trước những năm 2000, thì nghề rèn không còn được như xưa. Nhu cầu khách hàng ngày càng giảm, thợ rèn chỉ có thể sản xuất cầm chừng. Dẫu vậy, gia đình tôi vẫn cố gắng bám trụ để giữ lại nghề xưa”, ông Đô kể.
Ông Nguyễn Đô là đời thứ 4 trong gia đình làm nghề rèn. |
Thời kỳ hưng thịnh của làng Minh Khánh có đến hơn 150 hộ làm nghề rèn. Tất cả sản phẩm rèn của làng từ dao, búa, lưỡi liềm, lưỡi cày, cuốc, rựa, xẻng… đều nổi tiếng khắp gần xa vì độ bền và chắc. Những sản phẩm của làng không chỉ cung cấp nội tỉnh mà còn tận các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ. Cho đến khi máy móc công nghiệp phát triển, nhu cầu của người tiêu dùng về nông cụ thủ công giảm, một thời gian dài, làng rèn Minh Khánh tưởng chừng như đã phải tắt bếp. Nhưng với quyết tâm giữ lấy nghề truyền thống, ở Minh Khánh vẫn còn hơn 50 hộ dân ngày đêm luôn cặm cụi, cần mẫn nối nghiệp cha ông.
Để cho ra thành phẩm từ thanh sắt, thép thô, người thợ rèn phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi rất nhiều công sức. Sắt, thép sau khi dùng búa tạ đập cho nhẵn ra được đưa vào lửa nung đến khi đỏ rực. Khâu này đòi hỏi thợ rèn phải có nhiều kinh nghiệm, nhìn độ hồng của sắt và thép trên ngọn lửa có thể nhận biết được quá trình nung đã đạt hay chưa. Tiếp đến, dùng búa đập nhiều lần tạo hình và mài thủ công từng chi tiết đến khi cho ra thành phẩm.
Chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề, ông Đô cho biết, trong các khâu, quan trọng nhất là “nước tôi”, nghĩa là cho sản phẩm qua lửa lần cuối rồi nhúng vào nước lạnh. Sau khi nhúng xong, người thợ mang đi mài lần cuối để hoàn chỉnh sản phẩm. Nước tôi già hay non ảnh hưởng đến độ sắc của dụng cụ. Ưu điểm nữa của nước tôi là dù sau thời gian sử dụng, sắt bị mài mòn thì vẫn có thể đem đến lò rèn sửa chữa lại.
Trung bình mỗi ngày, ông Đô rèn 20 - 25 lưỡi liềm để bán cho thương lái, với giá từ 20 - 22 nghìn đồng/chiếc. Dù giá không cao, nghề vất vả nhưng cũng nhờ nghề rèn mà vợ chồng ông nuôi con cái khôn lớn, ăn học đàng hoàng.
Kỳ vọng hồi sinh
Rời nhà ông Đô, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Tòng (65 tuổi), Trưởng Ban Quản lý làng nghề rèn Tịnh Minh. Theo cha học nghề rèn từ lúc 10 tuổi, đến nay, ông Tòng có hơn 50 năm gắn bó với nghề rèn.
Ông Tòng cho biết, mỗi một sản phẩm rèn ở Minh Khánh khi làm ra đều được người thợ rèn dành vào đó rất nhiều tâm huyết. Bởi vậy, chất lượng sản phẩm cao, được khách hàng ưa chuộng. Cách đây chừng hơn 20 năm, dao, rựa Minh Khánh được bán khắp miền núi, đồng bằng. Người đi rừng, lên núi, đi thu hoạch rẫy keo, làm cà phê đều tìm đến để mua sản phẩm. Nên với lớp trẻ ngày đó, được ông cha truyền lại nghề rèn là cả một niềm vinh dự và tự hào. Giờ đây, máy móc, dụng cụ hiện đại xuất hiện đã dần thay thế cho nhiều vật dụng truyền thống, nên sản phẩm bán ra cũng không được nhiều.
Để trở thành sản phẩm hoàn thiện cần trải qua nhiều công đoạn. |
“Lớp trẻ ở làng giờ không còn chịu theo nghề truyền thống. Chỉ người già, người lớn tuổi như chúng tôi là còn gắn bó nên nghề rèn Minh Khánh không phát triển được như xưa. Dẫu vậy, tôi tin rằng với sự nỗ lực động viên của mình, cộng thêm sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước thời gian gần đây trong việc giữ gìn, phát huy làng nghề, một ngày nào đó thế hệ trẻ sẽ lại đam mê, nối nghề. Và nghề rèn truyền thống Minh Khánh sẽ được hồi sinh”, ông Tòng trải lòng.
Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, làng rèn xã Tịnh Minh được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận nhãn hiệu tập thể và được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Mới đây, sản phẩm của làng nghề đã được công nhận OCOP 3 sao. Đây sẽ là cơ hội, là nguồn động lực to lớn để lửa lò rèn Minh Khánh tiếp tục cháy. Và một ngày nào đó, làng nghề 300 năm tuổi sẽ lại trở về thời kỳ huy hoàng.