Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt hay thường gọi là thờ thánh Mẫu tam phủ có lịch sử từ rất xa xưa với niềm tin tâm linh và diễn xướng rất đặc sắc. Cũng chính vì thế mà vào ngày 1/12/2016, di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” tại 21 tỉnh đã chính thức được Unesco ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt hay gọi cách khác là hầu đồng là phần thực hiện nghi lễ để thờ ba vị thánh mẫu: Mẫu Thượng Thiên, mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải được lưu truyền trong dân gian. Ngoài ra, còn thể hiện sự tôn kính với những người có công với đất nước, bởi tín ngưỡng này thờ phụng khoảng 70 vị thần thánh, trong đó có nhiều người vốn là những nhân vật lịch sử, được thần thánh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí…
Đầu tiên là Mẫu Liễu Hạnh hay Mẫu Thượng Thiên. Trong dân gian xuất hiện nhiều giai thoại về bà từ đầu nhà hậu Lê. Tương truyền rằng, lần đầu thánh Mẫu Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng đã đầu thai làm con gái của đôi vợ chồng già người Nam Định. Rằm tháng hai năm đó, vợ chồng được báo mộng là Ngọc Hoàng cho con gái thứ của mình đầu thai làm con nhà đó. Bà vợ sau đó liền hạ sinh con gái. Sau đó còn nhiều giai thoại về bà giáng trần thêm hai lần nữa, cũng ở Nam Định vào những năm sau này.
Mẫu Thượng Ngàn thì liên quan đến một thần tích ở đền Bắc Lệ, tại Thôn Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ở đó giờ vẫn lưu truyền giai thoại Mẫu Thượng Ngàn là con gái của Sơn Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Đến đầu thời hậu Lê, bà là nhân vật liên quan đến cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của Lê Lợi. Kể từ đó cho đến hết thời nhà Nguyễn, bà trở thành nhân vật hoàn thiện có nhiều sắc phong của các triều đại vua chúa.
Mẫu đệ tam Thoải phủ hay thường được nhắc tới với tên gọi Mẫu Thoải, là con gái út của vua cha Bát Hải Động Đình. Mẫu chịu trách nhiệm cai quản mọi miền sông nước, là người tạo ra những vùng ao, đầm, sông, biển và điều hòa mưa gió, thời tiết ở đất trời. Chữ “Thoải” trong tên Mẫu cũng phát âm lái từ chữ “thủy” mang ý nghĩa là nước.
Nghi lễ chính, trung tâm của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ là nghi lễ lên đồng, được hiểu là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng nhập của các vị thần trong điện thần. Các giá đồng bao gồm lên khăn áo, múa lễ, phán truyền được kết hợp hài hòa với các bài hát chầu văn.
Những người thực hiện hầu đồng rơi vào một trạng thái tâm lý vui vẻ, phấn khởi, họ tin rằng, bằng hình thức diễn xướng này, họ có thể giao tiếp được với các đấng thần linh để những mong cầu của mình được thần linh biết đến để thần linh giúp mình. Như vậy, thông qua những người hầu đồng là người đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh. Ngoài ra, theo tín ngưỡng của người Việt thì còn giao tiếp với nhưng người đã khuất như ông bà, tổ tiên luôn dõi theo và phù hộ cho người còn sống.
Bà Trần Thị Kim Oanh, trú tại Golden Palace, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, cho biết: “Hàng năm, những người như tôi phải thực hiện một vấn đồng, bao gồm từ 25 đến 28 giá đồng, được tiến hành trong khoảng tám tiếng. Khi thực hiện thì tâm trạng rất nhẹ nhàng, phấn khởi, múa và nhạc kèm theo lời cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm; cầu cho gia chung được sức khỏe hạnh phúc, gia đình hòa thuận, bách bệnh tiêu tán vạn sự tiêu trừ....”.
Như vậy việc hầu đồng không phải là thủ tục mang mầu sắc mê tín, dị đoan mà ở đây gần như chỉ mang tính tâm linh truyền thống, trong sáng. Với trang phục và âm nhạc rất thú vị và đặc sắc. Đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của người dân Việt Nam như: cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe. Ngoài ra, hoạt động này góp phần quan trọng vào việc tạo ra sự liên kết trong cộng đồng, lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.
Thạc sỹ Lê Duy Bình, trú tại phố Trung Tự, phường Kim Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội - người từng có thời gian dài sống và học tập tại nước ngoài nhưng đam mê nghiên cứu về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam - cho biết: “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam, tuy được Unesco vinh danh và công nhận nhưng trong thực tế rất cần sự quan tâm của các cơ quan nhà nước để hoạt động này đúng nghĩa, tránh cho việc lợi dụng việc thực hành để trục lợi, thực hành diễn xướng không đúng với ban đầu... Việc đó sẽ làm xấu đi một hình ảnh văn hóa đẹp”.
Như vậy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, hay hầu đồng là một hoạt động tín ngưỡng nhưng có niềm tin tâm linh và diễn xướng độc đáo chỉ có ở Việt Nam, được kết tinh trong lịch sử và được thế giới công nhận. Rất cần được sự quan tâm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của một sinh hoạt văn hóa hết sức đặc sắc của dân tộc.