Gia đình chị Đỗ Thị Hường, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà (Thái Bình) đã vươn lên trở thành hộ gia đình làm kinh tế giỏi nhờ mô hình ươm cây giống.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, trải qua nhiều khó khăn, nhưng với tư duy đổi mới, vợ chồng chị Hường đã nắm bắt cơ hội, chủ động phát triển kinh tế từng bước vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng trọt chăn nuôi, vợ chồng chị Hường là người hưởng ứng đầu tiên của xã.
Ban đầu vợ chồng chị đầu tư xây dựng 200m2 chuồng nuôi lợn khép kín nhưng vì chưa có kinh nghiệm và do ảnh hưởng của dịch bệnh nên bị thua lỗ thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Với phương châm “vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm” anh chị tiếp tục đi nhiều nơi tìm hiểu nhiều giống vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở địa phương.
Năm 2017, nhận thấy nghề ươm cây giống hồng xiêm xoài cho thu nhập cao hơn trồng lúa, vợ chồng chị Hường quyết định vay vốn hỗ trợ từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư vào ươm giống cây này.
Chị Hường cho biết, ban đầu khi bắt tay vào làm thử nghiệm, do thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật chọn đất, ươm giống, che chắn vườn và cách phòng, điều trị bệnh cho cây trồng nên cây sống đạt tỷ lệ thấp.
Không nản chí, với sức trẻ và lòng quyết tâm, vợ chồng chị đã tìm hiểu thêm kỹ thuật ươm trồng trên sách báo, internet và nhiều vườn ươm cây giống trên địa bàn khác về cách chăm bón và phòng trừ sâu bệnh.
Năm đầu, chị đầu tư gần 4 sào cây giống, sau hơn một năm chăm sóc, tỉa ghép chị xuất bán được hơn 10.000 cây, thu về hơn 100 triệu đồng.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, chị quyết định nhân rộng mô hình vườn ươm lên 3ha với nhiều loại cây giống khác nhau như: bưởi Đoan Hùng, cây nhài Nhật, mẫu đơn…
Hiện nay, chị trồng 10 vạn cây hồng xiêm giống, 1 vạn cây bưởi Đoan Hùng, hàng nghìn cây nhài Nhật, mẫu đơn… thị trường tiêu thụ đã mở rộng ra nhiều địa phương và các tỉnh lân cận.
Trung bình mỗi năm, vườn ươm của gia đình chị cung cấp ra thị trường khoảng 10 vạn cây giống, với giá trung bình 15.000 đồng/cây hồng xiêm, 10.000 đồng/cây bưởi, 20.000-50.000 đồng/cây nhài Nhật. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm chị thu lãi 300-400 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân mà chị Hường còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Bà Vũ Thị Liên (60 tuổi) thôn Vân Đài, xã Chí Hoà cảm thấy rất vui khi được lao động gần nhà lại có thu nhập ổn định.
“Gia đình chị Hường tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con trong xã, thu nhập ổn định và được đối đãi như người thân nên tôi đã gắn bó với công việc ở đây được 5 năm”, bà Liên nói.
Nhận thấy bất lợi lớn của người nông dân là tìm thương lái về tận nơi để bán nên chị Hường đã quảng bá sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử, thường xuyên đăng tải thông tin và hoạt động sản xuất của gia đình để khách hàng biết đến và liên hệ.
Chị Hường cho biết, mở rộng mô hình vườn ươm đồng nghĩa với số lượng cây giống tăng lên gấp bội lần, nhưng chị không hề lo về đầu ra. Ngoài những khách hàng quen thuộc, chị còn có thêm những khách hàng mới từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Ban đầu, để thuận lợi cho khách hàng tìm hiểu và lựa chọn các loại cây phù hợp, chị lập facebook, zalo chuyên bán, giới thiệu và tư vấn trồng, chăm sóc cây giống.
Sau dần, chị hướng tới livestream, chụp ảnh các mặt hàng lên thương mại điện tử như: Shopee, tiktok, Lazada.... để tiếp cận khách hàng ở mọi vùng miền của tổ quốc.
Bên cạnh đó, chị Hường tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy, suy nghĩ, đổi mới cách làm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong sản xuất nông nghiệp.
Chị thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp, quy trình, kỹ thuật cấy ghép giống cây mới, từ mô hình ươm giống cây của gia đình chị đã nhân rộng ra nhiều hộ trên địa bàn, nhờ đó đời sống vật chất của các hộ dân được nâng lên rõ rệt.
Bà Vũ Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chí Hòa cho biết, nhờ có chị Hường mà nhiều chị em có việc làm ổn định.
“Chúng tôi đánh giá rất cao về hiệu quả mô hình và mong muốn nhiều chị em trong xã học tập và làm theo. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình chị Hường rất phù hợp với tình hình thực tiễn, không những cho thu nhập vượt trội mà còn giải quyết được vấn đề bỏ đất hoang, từng bước giúp địa phương phát triển kinh tế”, bà Phương nói.