Phú Thọ là vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, nơi các Vua Hùng dựng nước Văn Lang- Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Phú Thọ ngày nay được ví như một bảo tàng văn hóa nguồn cội của dân tộc Việt với những dấu ấn văn hóa đậm nét, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng gắn với thời đại Hùng Vương.
Trên cả nước hiện có 1.417 đền thờ Vua Hùng và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương riêng tỉnh Phú Thọ - trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có 326 di tích. Không gian của Tín ngưỡng là các làng xã thuộc các huyện: Cẩm Khê, Đoan Hùng, Thanh Ba, Hạ Hòa, Tam Nông, Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy, Lâm Thao, Phù Ninh, TX Phú Thọ và TP Việt Trì. Không gian thờ cúng tập trung nhiều nhất là Đền Hùng gồm đền Hạ, đền Trung, đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh. Vùng đất “Địa linh nhân kiệt” này, các Vua Hùng chọn đất đóng đô của Nhà nước Văn Lang- Kinh đô đầu tiên của người Việt.
Trong “Truyền thuyết Hùng Vương” có kể lại: “Ngày xưa, Vua đi mãi mọi nơi mà chưa chọn được nơi nào có thể định đô. Đi tới một vùng trước mặt ba sông hội tụ, hai bên có Tản Viên, Tam Đảo chầu về, đồi núi gần xa, khe ngòi quanh quất, thế đất bày ra như hình hổ phục rồng chầu, tướng quân bắn nỏ, ngựa chạy phượng bay. Giữa những quả đồi xanh tốt ấy có một ngọn núi đột ngột nổi lên như con voi mẹ nằm giữa đàn con. Vua lên núi nhìn ra bốn phía, thấy ba bề bồi đắp phù sa, bốn bề cây xanh, hoa tươi cỏ ngọt, vừa trùng điệp, vừa quanh co, có rộng mà phẳng, có hẹp mà sâu. Vua cả mừng khen rằng đây thực là đất hợp muôn dân, đủ hiểm để giữ, có thế để mở, thế đất vững bền, có thể dựng nước được muôn đời. Vua Hùng đặt đô ở đó gọi tên là thành Phong Châu. Thành này rộng từ ngã ba sông Bạch Hạc về tới các vùng đất quanh núi Nghĩa Lĩnh...”. Đó chính là khu vực thành phố Việt Trì ngày nay.
Ở Việt Trì, trên mỗi khu đất như Trưng Vương, Tiên Cát, Dữu Lâu... vẫn còn lưu dấu nơi làm việc của Vua; làng Lâu Hạ nơi đặt cung thất của vợ con Vua; nơi Vua Hùng thứ 18 dựng lầu kén rể cho công chúa Ngọc Hoa; vườn trầu xanh mênh mông bát ngát của nhà Vua... Mỗi một địa danh, một di tích đều nhắc nhớ đến câu chuyện và nhân vật thời kỳ đầu dựng nước của các Vua Hùng.
Với đặc trưng của mảnh đất cội nguồn dân tộc, Việt Trì đang trở thành nơi tụ hội tâm linh của người dân Việt. Mỗi dịp Xuân về, trên quê hương Đất Tổ lại rộn vang câu ca Xuân và dòng người nườm nượp đi trẩy hội, về với Đền Hùng và các khu điểm di tích thờ tự các bậc tiền nhân có công dựng nước. Miếu Lãi Lèn thuộc xã Kim Đức nơi phát tích của Hát Xoan. Tương truyền, nơi các Vua Hùng đã truyền dạy điệu hát Xoan cho thôn dân. Qua bao thăng trầm lịch sử Lễ hội Hát Xoan ở các phường Xoan được cộng đồng lưu giữ, trao truyền với tâm tưởng luôn hướng về tổ tiên mà gìn giữ những giá trị văn hoá phi vật thể.
Trên dải đất từ ngã ba sông đến Đền Hùng, vẫn hiện diện nhiều quần thể di tích gắn với thời đại Hùng Vương. Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng nằm trên hai xã Hy Cương và Chu Hoá gồm các đền: Đền Thượng, đền Trung, đền Hạ và chùa Thiền Quang, Lăng mộ Vua Hùng thứ 6, đền Giếng, đền Mẫu Âu Cơ, đền Lạc Long Quân. Xuôi theo con nước, tới xã Hùng Lô xưa kia còn có tên gọi khác là Khả Lãm Trang, An Lão. Tại đây có quần thể kiến trúc gồm các công trình: Miếu cổ, đình Hùng Lô (đình Xốm), chùa An Lão, bệ thờ Thần Nông, nhà Văn chỉ và nhà Yến lão. Tương truyền “Vua Hùng cùng công chúa cưỡi ngựa hồng và các quần thần thường đi tuần du ngoạn cảnh và săn thú, dừng chân nghỉ tại Khả Lãm Trang, được các bô lão và thần dân nghênh tiếp. Vua tôi vui mừng. Vua thấy đất này màu mỡ, cây mọc xanh tươi lại có huyệt thiên tạo hướng giáp canh có khí thiêng từ lòng đất bốc lên. Vua cho nơi này là chốn địa linh ắt sinh nhân tài, liền khuyên bảo dân chúng khẩn hoang vỡ đất xây dựng quê hương...”. Để tưởng nhớ ân đức của Vua Hùng, người dân nơi đây đã dựng miếu thờ và bức hoành phi “Tham thiên tán hoá” (ý nói Vua Hùng tham sự đạo trời giúp dân) để đời đời hương khói vương tổ.
Làng Bạch Hạc có tên gọi là Bạch Hạc Tam Giang- Bạch Hạc Từ- Bạch Hạc Phong Châu, có nguồn gốc từ thời thượng cổ do vùng đất có một cây lớn gọi là cây chiên đàn cao ngàn trượng cành lá xum xuê, chim hạc trắng bay về làm tổ ở trên cây và đậu trắng cả một vùng nên gọi đất ấy là Bạch Hạc. Đền Tam Giang, chùa Đại Bi nằm ngay tại hợp điểm Tam Giang của ba dòng Thao Giang, Đà Giang và Lô Giang. Đền Tam Giang thờ chính nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước là Vũ phụ Trung dực Uy hiển vương - huý là Lệnh Thổ. Nơi diễn ra một trong những lễ hội tiêu biểu vào bậc nhất của vùng Đất Tổ: Hội thi bơi chải, lễ hội cướp còn, nấu cơm thi...
Đền Tiên là ngôi đền thiêng, tọa ngự trên địa bàn phường Tiên Cát. Đây là ngôi đền thờ Thuỷ Tổ Quốc Mẫu, hay còn gọi là Bạch Tổ Mẫu, là Hoàng hậu của Vua Kinh Dương Vương, người sinh thành dưỡng dục của Vua Lạc Long Quân, là bà nội của các Vua Hùng trong bọc trăm trứng. Sau khi Lạc Long Quân được vua cha truyền ngôi, Mẫu Thần Long được hai người chị em kết nghĩa đón về trời. Lạc Long Quân tưởng nhớ công ơn của mẹ, truyền cho dân lập đền thờ ngay tại cung Tiên Cát.
Chếch sang phía Đông Nam của thành phố, xã Trưng Vương được hình thành từ các thôn của xã Lâu Thượng xưa, là vùng đất ghi dấu những huyền thoại về khu lâu đài cung điện Lâu Thượng, Lâu Hạ của các Vua Hùng thời mở nước Văn Lang. Đình Lâu Thượng thờ Tản Viên Sơn Thánh, Hai Bà Trưng và ông Lý Hồng Liên có công dạy học, dạy dân nghề trồng dâu nuôi tằm. Ngoài đình Lâu Thượng, ở xã Trưng Vương còn có đình Lan Hương thờ ba vị Đô Chấu Đại Vương; đền Thiên Cổ thờ vợ chồng nhà giáo Vũ Thê Lang được Vua Hùng thứ 18 giao cho chăm nom việc học hành của hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa và lăng mộ của ba đô sỹ thời Hùng Duệ Vương là con trai của vợ chồng nhà giáo đã có công phò tá Vua Hùng. Quay về hướng Bắc, cứ vào dịp 1/6 âm lịch hàng năm, nhân dân phường Minh Nông ngày nay lại nô nức làm lễ xuống đồng (Hạ điền) Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Xã Vân Phú vẫn còn lễ hội cướp bông, ném chài tại đền Vân Luông nơi Vua mổ lợn khao quân. Nhân dân lập đền thờ, hàng năm tổ chức lễ hội diễn lại tích cũ nhằm tưởng nhớ Đức Thánh Tản, đồng thời thao luyện nghề săn bắn, tham gia các trò chơi rèn luyện sức khoẻ để sản xuất và bảo vệ quê hương...
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, cùng hàng nghìn câu chuyện gắn với những địa danh hay những câu ca, tục ngữ, vần thơ, bài hát ca ngợi quê hương đều là những minh chứng làm nên mảnh đất “ngàn năm văn hiến” Kinh đô Văn Lang thời kỳ dựng nước. Với những giá trị độc đáo và riêng biệt, năm 2012, UNESCO đã chính thức ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.