Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Ổn định nơi tái định cư
Theo chân ông Suong-nguyên Chủ tịch UBND xã Đăk Trôi, chúng tôi đến thăm một số hộ dân di dời từ thung lũng Ayun về khu tái định cư gần 30 năm trước. Ông Suong nhắc nhớ: Năm 1993, sau khi chia tách, xã Đăk Trôi (mới) có 8 làng gồm: Lơ Pang, Đê Kôih, Đak Hre, Tơ Drăh, Klong, Đe Klong, Đak Hmok và Arim.
Thời điểm mới chia tách, đời sống người dân trong xã rất khó khăn. Trong 2 năm (1994-1995), hơn 136 ha lúa của bà con bị mất mùa do hạn hán. Người dân thiếu lương thực trầm trọng, nhất là 5 làng ở thung lũng Ayun gồm: Tơ Drăh, Klong, Đe Klong, Đak Hmok và Arim.
Thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện, xã Đăk Trôi vận động người dân sinh sống ở khu vực thung lũng Ayun di dời về khu tái định cư gần trụ sở UBND xã để thuận lợi cho việc sản xuất và sinh hoạt.
“Đến giữa năm 1997, người dân 5 làng đồng loạt chuyển về nơi ở mới. Bên cạnh được cấp 1 ha đất sản xuất, người dân còn được cán bộ hướng dẫn cách chăm sóc bời lời, cà phê, nuôi heo, bò; vận động người dân tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích gieo trồng. Nhờ đó, cái nghèo dần được đẩy lùi”-ông Suong cho biết.
Dừng chân trước ngôi nhà của ông Hlốt (làng Tơ Bla), ông Suong cho hay: Đây là hộ đầu tiên của làng Đak Hmok về nơi ở mới. Ông Hlốt kể: “Sống ở làng cũ, gia đình chỉ trồng cây lúa và nuôi vài con trâu. Nhà có 1 ha lúa nhưng thu hoạch chẳng được là bao. Đã vậy, điện thắp sáng không có, đường sá đi lại khó khăn nên nông sản không bán được. Vì thế, tôi nghĩ, việc di dời lên vị trí cao ráo hơn sẽ thuận lợi cho phát triển kinh tế”.
Nói rồi ông Hlốt đưa chúng tôi ra tham quan vườn cà phê tái canh của gia đình. “Về nơi ở mới, gia đình tôi được cấp 1 ha đất sản xuất. Sau đó, nhờ chăm chỉ khai hoang, gia đình có thêm 1 ha để trồng mì và lúa. Đến năm 2010, ngoài tiếp tục duy trì 1 ha lúa, tôi chuyển 2 ha sang trồng cà phê. Hiện nay, sau khi chia đất cho các con, tôi có 1 ha cà phê, 7 sào lúa. Mỗi năm, vợ chồng tôi thu gần 100 triệu đồng”-ông Hlốt chia sẻ.
Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của gia đình ông Amêr (làng Đak Bơt) đã trở nên khấm khá. “Được Nhà nước cấp đất và hỗ trợ cây giống, gia đình tôi sản xuất hiệu quả hơn. Hiện nay, gia đình có 1,5 ha lúa và hơn 1 ha mì. Mỗi năm, gia đình thu về hơn 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, cứ mỗi lần bán thóc, tôi lại mua thêm bò về nuôi. Hiện đàn bò cũng đã phát triển lên 20 con”-ông Amêr phấn khởi nói.
Hướng tới thoát nghèo bền vững
Theo ông Suong, nhờ được huyện quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất nên đời sống của các hộ dân dần ổn định. Năm 2019, thực hiện Đề án “Sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021” của UBND tỉnh, 8 làng của xã Đăk Trôi đã sáp nhập thành 3 làng gồm: Đak Bơt, Đak Bêt và Tơ Bla.
Ông Mek-Trưởng thôn Tơ Bla-cho biết: Kể từ ngày về nơi ở mới và sáp nhập, đời sống của người dân ngày một khởi sắc. Từ năm 2010, bên cạnh trồng bời lời, mì và lúa, người dân còn chú trọng mở rộng diện tích cà phê.
Hiện nay, tổng diện tích đất sản xuất của làng hơn 200 ha, gồm hơn 100 ha lúa Ba Chăm, hơn 50 ha cà phê, 40 ha mì, 6 ha bời lời và một số diện tích sầu riêng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, làng giảm còn 54 hộ nghèo, 38 hộ cận nghèo.
Còn ông Byơng-Bí thư Chi bộ làng Đak Bơt thì thông tin: Sau khi sáp nhập, các hộ ở các làng thường xuyên giúp đỡ nhau trong sản xuất, cộng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, đời sống người dân được nâng cao. Hiện làng còn 51 hộ nghèo và 63 hộ cận nghèo.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Đinh Vưn-Bí thư Đảng ủy xã Đăk Trôi-cho biết: Những năm qua, ngoài quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Nhà nước còn có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân thuộc 5 làng tái định cư.
Tuy nhiên, Đăk Trôi vẫn là xã vùng III, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 24 triệu đồng/năm. Toàn xã vẫn còn 166 hộ nghèo (chiếm 24,6%) và 157 hộ cận nghèo (chiếm 23,29%).
Thời gian tới, Đảng ủy xã sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống chính trị cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.