Tháng Giêng về mang theo hơi ấm của mùa xuân, xua tan đi những lạnh lẽo mùa đông và thổi bừng sức sống trên khắp rẻo cao vùng núi Na Hang (Tuyên Quang). Con người và cây cỏ bừng tỉnh sau những ngày dài mờ sương. Từng tia nắng ấm áp của mùa Xuân ùa về mang đến vẻ đẹp sống động của núi rừng và niềm vui phơi phới trong lòng mỗi con người.
Xuân miền núi nói chung, Na Hang nói riêng có vẻ đẹp khác biệt, đó là vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt, đậm chất hoang sơ của thiên nhiên, núi rừng và con người vùng cao. Không lấp lánh ánh đèn cũng không ồn ào, náo nhiệt như các thành phố lớn, mùa xuân nơi vùng cao Na Hang yên bình và đẹp cuốn hút với làn khói mờ sương tỏa, với màu trắng tinh khôi của hoa mận, phơn phớt hồng của cánh đào, với từng chồi non lộc biếc nhú lên đón nắng mai, với rực rỡ sắc áo của trẻ em vùng đồng bào dân tộc và vẻ đẹp giản dị của các cô sơn nữ trên các bản làng… Tất cả đều nguyên sơ, mộc mạc nhưng sâu sắc và đi vào tâm can đến lạ.
Nằm xen giữa những thửa ruộng bậc thang hay ẩn mình giữa những rừng mơ, rừng mận, giữa mây sương là những ngôi nhà mái ngói cổ kính của đồng bào các dân tộc. Hòa cùng không khí xuân, các chàng trai, cô gái gửi tâm tình qua tiếng khèn du dương, thiết tha và qua giọng ca trong trẻo, thánh thót của những điệu Then, điệu Lượn. Trong không gian rộn lên tiếng cười khúc khích của các cô thôn nữ, tiếng vui đùa hồn nhiên của những đứa trẻ vùng cao.
Khi xuân về trên khắp các bản làng cũng là lúc đồng bào các dân tộc vùng cao rộn ràng đón Tết. Là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, các lễ hội xuân Na Hang rất đa dạng, trong đó phải kể đến một số lễ hội lớn như Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng; Hội Gầu Tào của người H’Mông… Mỗi lễ hội đều có nét đặc trưng riêng nhưng đều được tổ chức nhằm cảm tạ các vị thần linh cai quản núi rừng, sông suối, cầu mong cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, người dân mạnh khỏe, no ấm.
Không gian lễ hội càng thêm vui tươi, rộn rã với những điệu múa, lời ca như múa sạp, múa khèn… và những trò chơi dân gian đặc sắc như chơi cù, đu quay, đánh yến… Lễ hội đầu xuân cũng là dịp để các đôi trai gái xúng xính quần áo đẹp đi dự hội, tham dự chợ phiên, trao nhau tiếng cười, câu chuyện và là nơi nên duyên của nhiều đôi trai gái. Trong những năm qua, các hoạt động văn hoá, du lịch tại địa phương được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, đa dạng. Các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc được người dân bảo tồn, phát huy giá trị và phục dựng đưa vào sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Sự độc đáo trong lễ hội, nghi lễ truyền thống của người dân Na Hang góp phần thoả mãn nhu cầu văn hóa tinh thần và sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân.
Đón xuân mới, đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn không ngừng hăng say lao động sản xuất. Sau rằm tháng Giêng trở đi, trên các chỏm đồi, người dân bắt đầu lên nương rẫy bắt đầu một mùa vụ mới. Người Dao, người Tày quan niệm những ngày đầu năm mới mà có mưa xuân thì đó là điều vô cùng may mắn. Những ngày này, họ sẽ lên nương gieo hạt, mong cho cây cối đơm chồi nảy lộc, mùa màng tốt tươi.
Với những chính sách quan tâm của Đảng, nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp khuyến khích Nhân dân phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển lâm nghiệp. Những cánh rừng keo, mỡ, lát…bạt ngàn trên các bản làng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Hồ thủy điện Ha Hang với nguồn cá, tôm phong phú; những vạt rừng keo, mỡ... góp phần làm cho cuộc sống của người dân ngày càng ấm no
Dừng chân giữa vùng “ruộng cuối” mùa xuân, lòng người dường như ấm lại, thời gian như trở nên sâu lắng hơn. Xuân Na Hang đẹp bình dị mà khiến lòng người rạo rực tình yêu cuộc sống, tình yêu thiên nhiên, đất nước. Đón xuân, đón tuổi mới, bên hương rượu ngô men lá và bếp lửa hồng, mỗi người chợt bâng khuâng suy nghĩ về quá khứ, về hiện tại và về tương lai với tràn trề những ước mong và hy vọng về những điều tốt lành nhất sẽ đến với người thân, bản làng.