Kinh tế

Phú An chuyển mình

HOÀNH SƠN 25/04/2024 - 12:16

Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.

Buổi đầu gian khó

Hàn huyên với Bí thư Đảng ủy xã Phú An Đào Minh Duy bên ấm trà mới pha, ông Võ Cơ-nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phú An giai đoạn 1979-1981 hồi tưởng về những tháng ngày xã mới được thành lập: Tháng 3-1979, theo Quyết định của Hội đồng Chính phủ, xã Phú An Cư được chia tách thành thị trấn An Khê và xã Phú An của huyện An Khê cũ, sau này thuộc huyện Đak Pơ.

1mot-goc-xa-phu-an-3058.jpg
Một góc xã Phú An. Ảnh: Hoành Sơn

Thời điểm đó, xã Phú An có 5.000 người, chủ yếu là dân tứ xứ chuyển đến sinh sống. Nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền xã khi ấy là tập trung thực hiện cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

“Không thể kể hết được những khó khăn ngày đó. Do chiến tranh, đất đai bị hoang hóa, đầy rẫy hố bom và vật liệu nổ còn sót lại nhiều nơi. Lâu lâu lại có vụ mìn phát nổ do người hoặc vật nuôi vô tình vướng phải. Sản lượng lương thực của xã năm 1979 chỉ đạt 836,6 tấn thì sao đủ cung cấp cho mấy ngàn dân.

Để vơi bớt cơn đói quay quắt, các gia đình phải cắt cử nhau thay phiên lên mấy ngọn núi trong vùng tìm kiếm rau rừng về ăn. Các thành viên còn lại trần lưng cuốc đất khai hoang gieo trồng các loại cây ngắn ngày để sớm có nguồn thực phẩm chống đói. Mà đói thì đi liền với rét. Vào mùa đông, ngồi bên bếp lửa mỗi đêm mà vẫn co ro vì lạnh”-ông Cơ nhắc nhớ.

Ông Đinh Klum (làng Đê Chơ Gang) vẫn nhớ như in cuộc sống khốn khó của mấy chục năm trước. Ông kể: “Cuộc sống của dân làng chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa rẫy nhưng cuối vụ thu chẳng được là mấy. Không chỉ bị con chim, thú rừng ăn bớt mà còn bị bọn FULRO lẩn trốn trên núi phá hoại. Cứ đến giáp hạt là thiếu đói, chúng tôi phải vào rừng hái rau về ăn. Hồi đó, ai cũng gầy còm, héo hon như tàu lá chuối. Đám trẻ con trong làng cũng chẳng mấy đứa được đi học. Chúng theo cha mẹ lên rẫy làm lụng để kiếm cái ăn qua ngày”.

Còn theo ông Nguyễn Duy Thiều-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phú An thì: Khoảng năm 1990, đời sống của người dân có cải thiện hơn chút, nhưng vẫn còn bộn bề khó khăn. Bà con trồng rau, mì, lúa bán cho các tỉnh miền biển nên có thêm thu nhập. Nhưng vì phương thức sản xuất còn lạc hậu nên năng suất chưa cao, thu nhập thấp. Bao nhiêu khó khăn bủa vây như vậy nhưng bà con vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ra sức sản xuất để phát triển kinh tế.

1vuon-nhan-cua-gia-dinh-anh-duong-van-minh-ao-ran-ri-cho-hieu-qua-kinh-te-cao-5337.jpg
Vườn nhãn của gia đình ông Dương Văn Minh (bên phải) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: H.S

Cũng theo ông Thiều, dù đa phần là dân “ngụ cư” nhưng bà con vẫn duy trì những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Đó là lễ cúng ở đình An Mỹ, miếu An Phong có tuổi đời cả hàng trăm năm. Người Bahnar thì duy trì lễ hội riêng của dân tộc mình. Những hoạt động tín ngưỡng đặc sắc ấy đã tiếp thêm sinh lực để người dân chăm lo lao động sản xuất, gầy dựng cuộc sống.

Khởi sắc từng ngày

Vùng đất từng lưu dấu tích cuộc khởi nghĩa của 3 anh em nhà Tây Sơn đang chuyển mình mạnh mẽ từ đôi bàn tay cần cù, chăm chỉ của người dân. Không ít hộ đã vươn lên làm giàu ở vùng đất phía Đông huyện Đak Pơ này. Gia đình anh Nguyễn Xuân Tùng (thôn An Quý) là một điển hình với thu nhập hàng năm vài trăm triệu đồng. Hơn 20 năm làm lụng chăm chỉ, anh Tùng đã tạo dựng được cơ ngơi vững chắc ở Phú An.

“3 ha mía, 6 ha trồng rừng và một số loại cây trồng khác cùng trại nuôi bò đem về cho gia đình tôi 600-800 triệu đồng/năm. Năm 2023, gia đình tích lũy hơn 800 triệu đồng từ mô hình kinh tế hộ gia đình”-anh Tùng hồ hởi chia sẻ.

Bén duyên với đất mới, 200 cây nhãn Hương Chi trồng từ năm 2011 đang cho gia đình ông Dương Văn Minh (làng Đê Chơ Gang) nguồn thu nhập cao. Ông tâm sự: “Ngày trước, tôi trồng mì, lúa nhưng chỉ đủ ăn. Nhận thấy thổ nhưỡng vùng này phù hợp với cây nhãn Hương Chi, tôi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

2-nguoi-dan-xa-phu-an-don-dep-duong-lang-ngo-xom-5979.jpg
Người dân xã Phú An dọn dẹp đường làng ngõ xóm. Ảnh: Hoành Sơn

Kỹ thuật chăm sóc vườn cây thì tôi học trên mạng internet. Ngoài ra, gia đình còn trồng 2 sào lúa, nuôi 5 con bò sinh sản. Nhờ vậy mà mỗi năm, gia đình có nguồn thu khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ các chi phí”.

Nghị lực, khối óc của người dân đã góp phần tạo diện mạo mới cho xã Phú An. Hạ tầng giao thông cùng các công trình hạ tầng thiết yếu khác phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân được xây dựng hoàn tất. Minh chứng là 100% tuyến đường liên thôn, làng được bê tông hóa hoặc nhựa hóa. 100% thôn, làng đã có điện lưới quốc gia với 100% hộ dân sử dụng điện.

Tất cả 5 thôn, làng đều được công nhận danh hiệu văn hóa; 1.311/1.429 hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Bình quân thu nhập đầu người của xã trong năm 2023 là 47,25 triệu đồng. Đến cuối năm 2023, sản lượng lương thực của xã đạt 3.629,5 tấn, tăng 2.792,9 tấn so với năm 1979. Năm 2015, xã Phú An được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện xã đang nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.

Ông Đinh Cao-Trưởng thôn Đê Chơ Gang-cho hay: “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của dân làng từng bước khởi sắc. Bà con dân làng ai cũng chăm chỉ làm ăn để vươn lên thoát nghèo”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Minh Duy-Bí thư xã Phú An-cho biết: “Địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Cùng với cây mía, cây ăn quả, trồng rừng thì chăn nuôi cũng giúp người dân có thu nhập ổn định trong thời gian qua. Trên địa bàn xã có di tích lịch sử Hòn đá Ông Nhạc thuộc Quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo và đình An Mỹ, miếu An Phong với bề dày lịch sử hơn 200 năm. Đây là những điều kiện thuận lợi để xã phát triển du lịch.

Mặt khác, Cụm Công nghiệp tại thôn An Quý đang thu hút nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư, trong đó có 2 doanh nghiệp đang làm thủ tục cấp phép đầu tư. Chúng tôi tin tưởng khi đi vào hoạt động, Cụm Công nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong thời gian tới”.

Theo Báo Gia Lai
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO