Pháp luật

Phòng, chống ma túy vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Nguyên Đăng 04/10/2023 - 22:05

Thời gian vừa qua, tội phạm ma túy trong nước, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi vẫn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Do đó, để đấu tranh hiệu quả, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với việc tạo sinh kế, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân...

Diễn biến phức tạp

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động của tội phạm ma túy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn diễn biến phức tạp tập trung ở khu vực biên giới và một số tuyến, địa bàn trọng điểm với hình thức, thủ đoạn tinh vi. Người nghiện ma túy có xu hướng trẻ hóa, có tiền án tiền sự tăng, sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp.

Nghiện ma túy cũng là nguyên nhân gây ra những tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo... Các đối tượng tội phạm ma túy thường lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số vào các hoạt động mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp dạng đá.

Lợi nhuận từ buôn bán ma túy mang lại, cũng là một trong những lý do làm “mờ mắt” các đối tượng. Trong khi đó, do trình độ nhận thức hạn chế, đặc biệt là đời sống của đồng bào nhiều nơi còn khó khăn, nên dễ bị lợi dụng vào các hoạt động mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy. Theo tổng hợp báo cáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 2.013 vụ, 2.735 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy trong đó có 149 đối tượng là người dân tộc thiểu số.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 15.619 người nghiện, trong đó có 751 người nghiện là người dân tộc thiểu số. Các lực lượng chức năng đã triệt phá 23 vụ mại dâm, bắt 48 đối tượng; 5 vụ mua bán người, bắt 8 đối tượng, 18 nạn nhân và 2 người tự trở về.

19104639_25.6-lai-chau-1_21-06-25.jpg
Lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy đã được phát hiện và triệt phá nhiều diện tích tái trồng cây có chứa chất ma túy nhưng nguy cơ trồng, tái trồng vẫn còn đang tiềm ẩn phức tạp, nhất là ở các xã, huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, các bản làng giáp ranh với biên giới.

So với các các vùng khác, hoạt động phòng chống ma túy tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn, phức tạp gấp nhiều lần. Nguyên nhân là do trình độ dân trí, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng; địa hình sinh sống chủ yếu là miền núi, vùng xa, giáp biên giới, khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát, nhưng lại thuận lợi cho tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Phòng, chống bằng chính sách gắn với tuyên truyền

Để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 677/QĐ-UBDT ngày 05/10/2021 phê duyệt Dự án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025"; chỉ đạo, hướng dẫn Cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đã được cấp ủy, chính quyền vào cuộc quyết liệt và toàn thể nhân dân tích cực hưởng ứng góp phần ổn định làm trong sạch vững mạnh; tiếp tục thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, mại dâm gắn với thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới", "Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc" và tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình điểm sạch về tệ nạn xã hội tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai công tác tuyên truyền, thông tin, nâng cao nhận thức, hiểu biết của đồng bào về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm và mua bán người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phong trào toàn dân phát hiện, tố giác người sử dụng, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, mại dâm và mua bán người; phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về ma túy ở các xã, phường, thị trấn, thành phố đặc biệt ở các xã giáp biên giới, góp phần xây dựng mô hình xã không có tệ nạn ma túy…

Trong đó, vận động người có uy tín, già làng, trưởng thôn, buôn, bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ tộc… tham gia hoạt động tuyên truyền, giáo dục, góp phần tác động tích cực, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các tỉnh, thành phố đã tổ chức hơn 1,9 nghìn cuộc tuyên truyền với hơn 120 nghìn lượt người tham dự; 28 buổi tuyên truyền bằng tiếng dân tộc; 316 lần tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; cấp hơn 104 nghìn tờ báo; đăng 106 tin, bài ảnh; xây dựng và phát sóng trên đài truyền hình địa phương 12 phóng sự; tuyên truyền trên mạng xã hội 200 tin, bài; phát 4.550 tờ rơi, tờ gấp; 170 băng rôn; 3 hội thi với 1.200 người tham gia.

Cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố cũng phối hợp với các sở, ban, ngành thường xuyên đưa công tác kiểm tra, nắm tình hình công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và mua bán người vào kế hoạch công tác của đơn vị; tổ chức lồng ghép thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách được giao tại cơ sở; phối hợp, đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống ma túy, tội phạm ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

a2-2.jpg
Tăng cường hỗ trợ dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa thực sự hiệu quả, tội phạm môi giới mại dâm và mua bán người ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ cao; công tác hỗ trợ, dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm còn nhiều hạn chế…

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban Dân tộc đề nghị cơ quan dân tộc các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng có liên quan trong tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức triển khai có hiệu quả việc thực hiện phòng, chống ma túy, mại dâm và mua bán người với các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chủ động nắm tình hình thực tế tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt ở những điểm nóng, nhạy cảm có khả năng và nguy cơ cao liên quan đến buôn bán, vận chuyển ma túy, tệ nạn mại dâm và mua bán người, qua đó kịp thời tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng liên quan nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống, đấu tranh đẩy lùi tệ nạn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; lồng ghép với các nhiệm vụ được giao để tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm, mua bán người; kiểm tra, thanh tra, nắm tình hình thực hiện công tác phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS, mại dâm, mua bán người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nêu gương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống ma túy ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO