Thời gian gần đây, những chất liệu nghệ thuật truyền thống, dân gian, văn học… đang được nhiều nghệ sĩ trẻ đưa vào các tác phẩm, tạo ra sắc màu mới cho âm nhạc Việt Nam.
Sắc màu dân tộc
Bên cạnh sự tiếp sức của truyền thông, mạng xã hội, âm nhạc Việt Nam đã và đang tạo ra một bức tranh sinh động, đa sắc. Ở đó, các sản phẩm âm nhạc còn mang đến những trải nghiệm mới cho công chúng với sự sáng tạo các nghệ sĩ trẻ, bằng sự kết hợp giữa chất liệu mang “sắc màu dân tộc” với các giai điệu hiện đại, thời thượng.
Có thể kể đến Hoàng Thùy Linh với hàng loạt sản phẩm kết hợp giữa chất liệu đậm chất dân gian hoà quyện nhuần nhuyễn với màu sắc âm nhạc hiện, mang đến với công chúng những MV hàng triệu lượt view như “Bánh trôi nước”, “Duyên âm”, “Để Mị nói cho mà nghe”, “Tứ Phủ”, “Gieo quẻ”. Hay ca sĩ trẻ Phương Mỹ Chi với những ca khúc được lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học như “Vũ trụ cò bay”, “Gối gấm” (mượn ý thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương), “Những ngôi sao xa xôi” (truyện ngắn cùng tên của nhà văn Lê Minh Khuê), “Chiếc lược ngà” (truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng)… Gần đây nhất là các MV như “Đi chùa cầu duyên” (Đức Phúc), “Kén cá chọn canh” (Hòa Minzy). Không chỉ nổi bật về mặt chất lượng, mà các dự án cũng đã tạo được sức ảnh hưởng đáng kể.
Đặc biệt, thời gian qua, các lễ hội âm nhạc, tour diễn… cũng đã cho thấy những thành công của sự kết hợp độc đáo này. Chẳng hạn tại Monsoon năm nay, các dự án kết hợp giữa dân ca, quan họ với Beatbox, Hip hop; dự án kết hợp Jazz với chất liệu dân ca, quan họ mang tên Jazz Duyên của Quyền Thiện Đắc, Hoàng Tùng… đã đứng chung sân khấu với những nghệ sĩ hải ngoại. Hay ở Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô, dự án Dzanca “Rock hóa” các làn điệu dân ca của Dzung cũng tạo ấn tượng tốt.
Nhìn nhận về sự “thay da đổi thịt” của âm nhạc Việt Nam, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định, những năm gần đây có thêm nhiều sản phẩm âm nhạc khai thác chất liệu dân gian, truyền thống là tín hiệu đáng mừng cho âm nhạc đại chúng Việt Nam. Bên cạnh đó, việc khai thác những yếu tố dân gian, truyền thống, vừa là cách thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước của nghệ sĩ, vừa dễ tạo được cảm xúc với khán giả. Phát hành những sản phẩm này là góp phần truyền bá giá trị truyền thống dân tộc đến với giới trẻ. Đây cũng là xu hướng gợi ra một lối đi cho nhạc Việt để thoát khỏi sự ảnh hưởng kiểu bản sao Mỹ, Hàn.
Tìm hướng đi đúng
Rõ ràng, sự kết hợp qua lại giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống không những khiến âm nhạc Việt Nam mới mẻ, ấn tượng hơn mà còn mở ra xu thế của tương lai, hướng tới một diện mạo nghệ thuật đương đại mang đậm bản sắc Việt. Đây cũng là cách thức để âm nhạc Việt ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, sự “bắt tay” không phải lúc nào cũng đi đến thành công. Bởi trên thực tế, không phải bất cứ sự kết hợp nào cũng phù hợp. Dung nạp yếu tố hiện đại không khéo sẽ dễ thành kệch cỡm, phản cảm. Khai thác tính cổ truyền không hợp lý cũng dễ thành phá vỡ, bóp méo truyền thống.
Thời gian qua, khán giả đã chứng kiến sự ra mắt của khá nhiều ca khúc được đánh giá là âm nhạc sến sẩm, thiếu chỉn chu, chẳng hạn như: “Tiếng chuông Bát Nhã”, “Phận duyên lỡ làng”, “Khuê Mộc Lang”, “Hoàng hoa ký”, “Cố giang tình”... Thậm chí ca khúc “Tứ phủ” của Hoàng Thùy Linh cũng từng gây tranh cãi. Cho dù đây là sản phẩm có sự kết hợp giữa nhạc điện tử với âm hưởng dân gian và được nhiều khán giả đánh giá cầu kỳ, có sự mới lạ, đầu tư về cả âm nhạc lẫn hình ảnh. “Hoa không hương” của K-ICM và Văn Mai Hương trước đó cũng đã gây tranh cãi với lý do tương tự.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, khai thác yếu tố dân gian cần đặc biệt chú ý. Một trong những nguyên tắc ở ca hát dân gian cổ truyền là tròn vành rõ chữ. Dân gian rất tinh tế, ý nhị, cần chú ý để khai thác thật khéo léo, cẩn thận và phù hợp về cả màu sắc, hình ảnh. Cần có những chuyên gia để tư vấn về vấn đề này. “Với âm nhạc dân gian, dù là truyền thống nhưng nên chọn những giá trị vẫn còn phù hợp với thời đại, bổ sung thêm đề tài hiện đại, phương thức biểu diễn hiện đại, sáng tạo ra những giá trị mới nhưng nó phù hợp với truyền thống, tránh những đề tài mang tính giáo điều, cổ động tung hô một cách khiên cưỡng” - ông Long bày tỏ.
Còn theo nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, để sử dụng và khai thác âm nhạc dân tộc hiệu quả trong thị trường âm nhạc thế giới thì cần phải chắt lọc những gì tinh tuý nhất của âm nhạc Việt và đưa nó vào một không gian mới, trong không gian đó phải có những yếu tố toàn cầu. Ví dụ như nhịp điệu, hòa âm, âm sắc, nhạc cụ và sự trộn lẫn cởi mở có chắt lọc của các nền văn hóa âm nhạc trên thế giới. Để làm được việc này, cần phải thực sự tìm hiểu và tôn trọng giá trị nguyên bản của âm nhạc dân tộc và ứng xử nó trong môi trường âm nhạc đa chiều một cách đúng nghĩa.
Có thể nói, để phát huy những giá trị của âm nhạc dân gian truyền thống trong thời đại mới, bên cạnh sự sáng tạo không ngừng của nhiều thế hệ nghệ sĩ thì cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa cho những người làm nghề từ các cơ quan quản lý, thông qua các chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật truyền thống.