Văn hóa

Thầm lặng giữ “hồn” âm nhạc Khmer

HỮU THỌ 11/01/2024 - 07:43

Từ nhỏ đã được tiếp xúc và nuôi dưỡng đam mê với âm nhạc dân tộc, đến nay anh Kim Văn Đồi - Tổ trưởng Tổ nhạc công, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu đã chơi thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ Khmer. Với tài nghệ của mình, anh đã góp sức vào việc nâng cao chất lượng biểu diễn của Đoàn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đồng bào phum sóc. Song, điều mà anh và nhiều nghệ nhân, nhạc công trăn trở nhất là việc khó giữ “hồn” cho âm nhạc Khmer truyền thống trong đời sống hiện đại.

TÂM HUYẾT VỚI ÂM NHẠC KHMER

Anh Đồi sinh ra trong gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật, ông nội và cha là những nghệ nhân giỏi biểu diễn và chế tác các nhạc cụ Khmer. Với khả năng cảm âm và đôi tay khéo léo, anh Đồi được cha truyền dạy lại ngón nghề chế tác nhạc cụ dân tộc. Để rồi, anh nhanh chóng trở thành nghệ nhân, nhạc công nổi tiếng.

Sau khi “đầu quân” vào Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu, anh Đồi mày mò sửa chữa các nhạc cụ hư hỏng, âm thanh thiếu sự độc đáo và sáng tạo ra nhiều nhạc cụ mới. Trong hoạt động trình diễn hay tham gia các hội diễn, liên hoan về nhạc cụ của Đoàn, anh là người phụ trách hòa âm phối khí, cân chỉnh âm thanh cho dàn nhạc.

8a.jpg

Trong số nhiều nhạc cụ do mình chế tác, anh thích nhất là lưỡi kèn Pây Pôt, đờn cò So Thum, đờn cò Che, đờn cò gáo ba sắc… được chế tác rất kỳ công. Không chỉ thế, anh còn chế tác được các nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm mà rất ít nghệ nhân làm được. Đơn cử như nhận thấy đàn Rôneat-ek bị lệch âm do phần gỗ chịu sự tác động của thời tiết, anh Đồi đã tìm loại gỗ khác có độ bền cao, âm thanh độc đáo hơn để thay thế.

Trong số những người tâm huyết với âm nhạc dân tộc Khmer còn phải kể đến ông Sơn Phol. Năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông Sơn Phol vẫn tích cực tham gia hoạt động của đội nhạc ngũ âm chùa Đìa Chuối (huyện Hòa Bình). Trong dàn nhạc, ông Phol là người chơi trống Samphô. Hầu hết thành viên của đội đều là các nghệ nhân lớn tuổi, nên ông Phol đã và đang cố gắng truyền tài nghệ chơi nhạc cụ ngũ âm cho thanh niên trẻ để kế thừa, phát huy giá trị âm nhạc dân tộc.

TRĂN TRỞ VIỆC BẢO TỒN

Trong lĩnh vực âm nhạc Khmer của Bạc Liêu, Danh Xà Rậm (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) là nghệ nhân duy nhất được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Là người dành trọn đam mê với nhạc cụ Khmer, vì vậy nghệ nhân này luôn mong mỏi âm nhạc dân tộc sẽ được thế hệ sau lưu truyền, phát triển. Thế nhưng, trong thời buổi kinh tế thị trường và xu thế hội nhập văn hóa hiện nay, điều ông lo lắng nhất là nhạc cụ dân tộc dễ bị thất truyền.

Cùng nỗi trăn trở với nghệ nhân Danh Xà Rậm, anh Đồi luôn sẵn sàng dạy kỹ thuật biểu diễn nhạc cụ cho các nhạc công của Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu. Trong các cuộc họp với lãnh đạo Đoàn, anh nhiều lần bày tỏ mong muốn mở lớp dạy nhạc cụ Khmer bài bản cho những người có năng khiếu.

Anh Đồi chia sẻ: “Thời gian qua, tôi luôn cố gắng tìm kiếm những bạn trẻ có đam mê, tố chất âm nhạc để đào tạo những kỹ thuật trình diễn, chế tác nhạc cụ mà bản thân đã tích lũy. Thế nhưng, điều này khó thực hiện, bởi phần lớn các bạn trẻ ngày nay được tiếp nhận nhiều loại hình văn hóa hiện đại nên ít tha thiết với nghệ thuật truyền thống. Nguy cơ mai một nhạc cụ Khmer là khó tránh khỏi khi lớp nghệ nhân, nhạc công chơi thuần thục nhạc cụ ngày càng lớn tuổi nhưng chưa xây dựng được thế hệ kế thừa”.

Trước thực trạng trên, ngành chức năng cần có những giải pháp căn cơ để bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc Khmer. Bên cạnh việc có chính sách đãi ngộ để tạo động lực cho các nghệ nhân, nhạc công tiếp tục cống hiến thì cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để thanh niên Khmer thấy tự hào, có trách nhiệm tiếp nối “dòng chảy” âm nhạc của dân tộc mình.

Theo Báo Bạc Liêu
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO