Phát triển - Hội nhập

Phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị

Anh Tuấn 16/01/2024 - 14:23

Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp (NN) thông minh, phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cơ cấu lại NN theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn; xây dựng nông thôn mới, cải thiện nâng cao đời sống của nông dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường..., đây là mục tiêu mà ngành NN Quảng Bình đặt ra trong năm 2024.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Mai Văn Minh cho biết: Năm 2024, dự báo lĩnh vực NN sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bối cảnh kinh tế có nhiều biến động ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh lương thực, giá cả vật tư NN đến biến đổi khí hậu, dịch bệnh bất thường ảnh hưởng năng suất chất lượng nông sản...
Tuy vậy, ngành NN Quảng Bình vẫn quyết tâm phấn đấu để đạt các mục tiêu: Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng trên 3%; ổn định sản lượng lương thực trên 28,5 vạn tấn; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 54% giá trị sản xuất NN; tổng sản lượng thủy sản trên 100.000 tấn. Phấn đấu có 99 xã đạt nông thôn mới (NTM), nâng tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn NTM lên 77,3%; có 12 xã đạt NTM nâng cao, 2 xã đạt NTM kiểu mẫu. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 98% và tỷ lệ che phủ rừng ổn định trên 68%.
Gieo sạ bằng thiết bị bay không người lái ở huyện Lệ Thủy.
Gieo sạ bằng thiết bị bay không người lái ở huyện Lệ Thủy.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT chia sẻ, căn cứ dự báo tình hình chung và điều kiện cụ thể của tỉnh, để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu mà nghị quyết của HĐND tỉnh và kế hoạch hành động của UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đặt ra, cần có nguồn lực, các giải pháp và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị của tỉnh, cũng như sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Trung ương đối với tỉnh.
Cụ thể, về sản xuất vụ đông-xuân, Sở NN-PTNT đang tích cực chỉ đạo các địa phương triển khai gieo cấy theo lịch thời vụ, bảo đảm cơ cấu giống, thực hiện tốt công tác tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời, đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch vụ hè-thu ngay từ đầu năm 2024, không để đất trống nhằm tăng sản lượng cả năm, tăng giá trị sản xuất của ngành NN.
"Sở NN-PTNT cũng sẽ hỗ trợ các địa phương giống lúa chất lượng cao để đưa vào đồng ruộng, nhằm giảm diện tích lúa tái sinh, bỏ hoang vụ hè-thu 2024, hỗ trợ chuyển đổi đất sản xuất NN, đất vùng đồi kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn và triển khai các mô hình theo hướng công nghệ cao, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để mở rộng diện tích các loại cây trồng có hiệu quả để từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với mã số vùng trồng", Giám đốc Sở NN-PTNT Mai Văn Minh cho biết.
Nuôi thủy sản trên biển ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch).
Nuôi thủy sản trên biển ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch).
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hiện tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đang phát triển ổn định, tuy nhiên tốc độ phát triển vẫn đang chậm do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có dịch bệnh và giá cả. Năm 2023 vừa qua, ngành NN-PTNT đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, các loại dịch bệnh cơ bản đã khống chế nhưng giá các loại thịt, đặc biệt thịt lợn hơi vẫn đang ở mức thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi. Vì vậy, trong năm 2024, phát triển chăn nuôi cần liên kết với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; giảm dần chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn dịch bệnh; chăn nuôi theo hướng hữu cơ để giảm chi phí, nâng cao giá trị.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trần Công Tám cho biết: Hiện, Sở NN-PTNT đã hoàn thành tổng hợp kinh phí đề xuất hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục năm 2023 là 1,77 tỷ đồng và trình UBND tỉnh, Sở Tài chính phân bổ cho các địa phương. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh chăn nuôi, kiểm soát lưu thông hàng hóa bảo đảm an toàn dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Một trong những thế mạnh của Quảng Bình đó là khai thác và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Trong năm 2024 Quảng Bình sẽ thực hiện phát triển thủy sản theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng, đặc biệt là NTTS tại các sông, hồ thủy lợi. Sở NN-PTNT đã thống kê lại diện tích và trong năm sẽ tham mưu xây dựng đề án để thực hiện hiệu quả NTTS sông, hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh nhằm tăng giá trị của ngành. Triển khai các mô hình NTTS tại vùng nuôi tập trung vùng Nam, Bắc sông Gianh; ưu tiên phát triển nuôi biển, tập trung vào các đối tượng có giá trị kinh tế cao; ngoài ra sẽ hỗ trợ ngư dân thực hiện cước phí thuê bao theo nghị quyết của HĐND tỉnh.
Các mô hình nuôi lợn hữu cơ đang được nhân rộng.
Các mô hình nuôi lợn hữu cơ đang được nhân rộng.
Về lâm nghiệp, công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Mặt khác, ngành NN đang tích cực triển khai các hoạt động của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, rà soát lại kế hoạch trồng rừng đăng ký của các địa phương theo hướng trồng rừng gỗ lớn nhằm phát huy tối đa hiệu quả của rừng. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả chi trả tín chỉ carbon rừng nhằm tăng giá trị cũng như nguồn thu từ lĩnh vực lâm nghiệp; đồng thời sẽ tiếp tục điều tra diễn biến rừng đi kèm với trữ lượng, khả năng hấp thụ carbon bảo đảm phù hợp thực tế, đúng hiện trạng làm cơ sở tổng hợp phê duyệt theo đúng quy định.
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là xây dựng NTM và phát triển chương trình OCOP. Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, năm 2024 sẽ chỉ đạo quyết liệt để phấn đấu đạt con số 99 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu theo kế hoạch hành động của UBND tỉnh. Đây được xác định là nhiệm vụ rất nặng nề trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi nguồn lực từ ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh bố trí phù hợp, cũng như sự nỗ lực gấp đôi của các sở, ngành, nhất là các địa phương trong xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, cân đối nguồn vốn thực hiện, ưu tiên các nội dung dễ làm.
Năm 2023, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; dịch bệnh, giá vật tư NN, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tăng cao, trong khi phần lớn giá nông sản còn thấp, tiêu thụ khó khăn làm ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng ngành NN Quảng Bình vẫn đạt được những kết quả tích cực, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Cơ cấu nông-lâm-ngư nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, chiếm tỷ trọng 19,31% GRDP toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng 2,79% so với cùng kỳ.

Đối với chương trình OCOP năm 2024, tỉnh chủ trương ưu tiên các sản phẩm chủ lực (OCOP 4 sao, 5 sao) mang lợi thế cạnh tranh theo đề án OCOP gắn với phát triển du lịch, quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm. Định hướng một vài sản phẩm cụ thể để hỗ trợ nâng tầm trở thành sản phẩm nổi bật, thương hiệu của tỉnh. Đồng thời, áp dụng hiệu quả việc chuyển đổi số vào các sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị và giúp quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn.

"Các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết HĐND tỉnh và kế hoạch hành động của UBND tỉnh giao cho ngành NN Quảng Bình trong năm 2024 là rất nặng nề. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, phấn đấu quyết liệt của toàn ngành và hỗ trợ nguồn lực của Trung ương, của tỉnh, cũng như phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, toàn ngành sẽ quyết liệt triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Qua đó, hướng tới xây dựng nền NN thông minh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu...", Giám đốc Sở NN-PTNT Mai Văn Minh cho biết.
Theo Theo baoquangbinh
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO