Tỉnh Tuyên Quang luôn xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương. Với diện tích đất lâm nghiệp chiếm 76% diện tích tự nhiên, khai thác có hiệu quả nguồn “tài nguyên rừng”, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp là một trong những hướng đi quan trọng giúp tỉnh Tuyên Quang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông mới, giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Làm giàu từ rừng
Thôn Tân Thượng, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có 79 hộ dân, trên 98% là đồng bào dân tộc Dao. Tại Tân Thượng nhà nào cũng có rừng, nhà ít từ 1 – 2 ha, nhà nhiều từ 8 – 10 ha và rừng đã tạo ra sự bứt phá trong phát triển kinh tế ở nơi đây.
Là một trong số những hộ gia đình thoát nghèo nhờ trồng rừng, anh Lương Văn Trường, dân tộc Dao, thôn Tân Thượng cho biết, gia đình anh có trên 9 ha rừng keo đã cho khai thác 3 lần. Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng keo của gia đình đã được cấp chứng chỉ FSC. Đến tuổi khai thác, mỗi ha gia đình anh thu về từ 80 - 100 triệu đồng. Nhờ trồng rừng, gia đình anh Trường đã xây dựng được nhà cửa khang trang, có điều kiện cho con cái học hành. Từ hộ nghèo, gia đình anh Trường vươn lên thành hộ khá giả của thôn.
Ông Lưu Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Lương Thiện cho hay: Hiện nay, tổng diện tích rừng sản xuất của xã Lương Thiện là trên 2186 ha; trong đó, rừng sản xuất của các hộ gia đình là trên 1688 ha, rừng thuộc Công ty TNHH lâm nghiệp Sơn Dương 498 ha. Phát triển kinh tế rừng đã mang lại nhiều đổi thay cho cuộc sống người dân địa phương. Cùng với việc mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người dân, trồng rừng giúp bảo vệ môi trường, tích tụ được nguồn nước, nhiều hộ tận dụng khe lạch làm ao nuôi cá, phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định đời sống kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng diện mạo nông thôn mới.
Còn tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn có trên 1.950 ha đất rừng sản xuất, hàng năm doanh thu từ rừng đạt trên 50 tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng thu nhập của toàn xã. Bà Hoàng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, huyện Yên Sơn cho biết, nhiều hộ dân trên địa bàn chuyển đổi từ cây trồng không hiệu quả sang trồng rừng; kết hợp trồng rừng với phát triển kinh tế trang trại, lấy ngắn nuôi dài, cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với nhiều giải pháp, phát triển kinh tế rừng gắn với xây dựng nông mới đã giúp nhiều địa phương ở Tuyên Quang có diện mạo khởi sắc, thu nhập người dân ngày càng nâng cao, có việc làm ổn định từ rừng, môi trường sinh thái cũng được bảo đảm...
Khai thác lợi thế
Với hệ sinh thái đa dạng, độc đáo, đặc biệt những khu rừng tự nhiên có nhiều tiềm năng để phát triển du lich sinh thái. Trên cơ sở đó, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng nhiều đề án, quy hoạch về phát triển du lịch nhằm khai thác lợi thế rừng để phát triển du lịch sinh thái như Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Na Hang gắn với cảnh quan, hang động, khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung, hạt nhân là du lịch sinh thái khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang và trên lưu vực sông Gâm gắn với các làng nghề và văn hóa dân tộc thiểu số; Đề án “Phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trên địa bàn huyện Sơn Dương, giai đoạn 2021 - 2025”. Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang cũng thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển du lịch sinh thái dựa vào rừng.
Trong chuyến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào mới đây, chị Trần Hồng Vân, thành phố Tuyên Quang và bạn bè có dịp trải nghiệm trang phục truyền thống dân tộc Tày và tham quan trải nghiệm rừng đặc dụng Tân Trào.
Chị Trần Hồng Vân chia sẻ, đến thăm Tân Trào nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên chị được tìm hiểu và tham quan rừng đặc dụng Tân Trào. Chị Vân rất ấn tượng trước những cánh rừng già tự nhiên, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, không khí trong lành, thoáng mát, địa hình tương đối thuận lợi, nhiều đoạn bằng phẳng, dễ dàng di chuyển. Chị cũng mong muốn chính quyền đia phương xây dựng thêm những trạm dừng chân, điểm check in trong rừng để tạo sức hút với du khách.
Tại huyện Na Hang, với lợi thế trên 21.000 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, thảm động thực vật phong phú, khu lòng hồ sinh thái trong xanh, huyện đang xây dựng du lịch sinh thái thiên nhiên làm trung tâm để phát triển các chuỗi sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, du lịch sinh thái rừng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa đậm bản sắc các dân tộc.
Ông Tô Viết Hiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Na Hang chia sẻ, các cánh rừng nguyên sinh ở Na Hang được bảo vệ nghiêm ngặt. Địa phương thành lập nhiều đoàn khảo sát, lựa chọn một số thôn, bản để xây dựng địa điểm phục vụ du lịch; trong đó có các điểm quan sát, check in, cắm trại, dã ngoại, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, leo núi, khám phá rừng nguyên sinh, hang động, thác nước... Huyện chú trọng tổ chức các hoạt động quảng bá, mời gọi chuyên gia tư vấn phát triển du lịch một cách bài bản, bền vững; khai thác có hiệu quả danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình.
Để phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch, bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: tiếp tục đẩy mạnh truyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm quản lý về bảo vệ và phát triển rừng bền vững; giải quyết đất ở, đất sản xuất, cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật lâm nghiệp để người dân làm nghề rừng và những người dân sống gần rừng có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, Tuyên Quang tập trung phát triển rừng sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu giống cây lâm nghệp, kết hợp trồng cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ, phát triển chăn nuôi dưới tán rừng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cũng theo bà Mai Thị Hoàn, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp phát huy giá trị đặc trưng của hệ sinh thái rừng gắn bảo tồn với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các mô hình bảo vệ rừng gắn với dịch vụ du lịch trải nghiệm, khám phá hệ sinh thái rừng, du lịch homestay... Qua đó, phấn đấu đến năm 2025, Tuyên Quang trở thành một trong những điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời, xây dựng 5 mô hình du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, tạo sản phẩm ấn tượng thúc đẩy phát triển du lịch...