Đời sống xã hội

Phát triển kinh tế gắn với các vấn đề xã hội

Dương Thảo 13/10/2023 15:55

Sáng 13/10, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Đoàn công tác nhóm 3 Ban chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận về thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH). Cùng tham dự Đoàn công tác có Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Phạm Văn Linh.

Tham gia làm việc với Đoàn công tác có Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cùng các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ LĐTBXH.

Chuyển biến từ an sinh sang phúc lợi xã hội

Báo cáo kết quả về các nội dung chính của dự thảo báo cáo tổng kết chuyên đề 4, nhóm 3 liên quan đến xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách giải quyết các vấn đề xã hội: An sinh xã hội, quan hệ lao động, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, mâu thuẫn xã hội hướng đến mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi cho biết: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đánh dấu cho thời kỳ khởi đầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước với xuất phát điểm là đổi mới nền kinh tế và cơ chế quản lý. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), sau khi xác định được những đặc trưng cơ bản của chế độ XHCN mà nhân dân xây dựng, Đảng đã nêu định hướng lớn: “Chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát triển mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng xã hội chủ nghĩa”. Đảng đã chính thức khẳng định một số quan điểm chỉ đạo việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

c3e810db9b9c4cc2158d.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Thời kỳ bắt đầu đẩy mạnh công cuộc đổi mới (1996 - 2010), một số chính sách mới được bổ sung, một số chính sách được nâng lên thành chương trình cấp Quốc gia như Chương trình xóa đói, giảm nghèo, chính sách đền ơn đáp nghĩa. Giai đoạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới (2011 - nay), tư duy về giải quyết các vấn đề xã hội tiếp tục được phát triển và nâng tầm, từ chỗ giải quyết các vấn đề xã hội mang tính hỗ trợ, giải quyết hậu quả sang nâng cao năng lực để thích ứng và phát triển.

Trong gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, quan điểm của Đảng về giải quyết các vấn đề xã hội là một quá trình cập nhật, bổ sung và phát triển chính sách xã hội. Trải qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII và XIII, quan điểm về chính sách xã hội dần được hoàn thiện trở thành một hệ thống quan điểm về chính sách xã hội trong thời kỳ đổi mới.

Trong 40 năm qua, đất nước ta đã có bước phát triển ấn tượng. Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trường kinh tế tương đối cao (đạt 4,4%/năm giai đoạn 1986-1990, 7% /năm giai đoạn 1996-2000, 6,8%/năm giai đoạn 2006 - 2019, giảm còn gần 3%/năm giai đoạn 2020 - 2021 do tác động của Đại dịch covid-19 và đạt 8% năm 2022, dự kiến 6,3% năm 2023) và chất lượng tăng trưởng được nâng cao (năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên 5,8%/năm giai đoạn 2016 - 2020, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt khoảng 45,2%, mục tiêu đề ra là 30 đến 35%).

Việt Nam lần đầu tiên sau hàng thế kỷ đã thoát khỏi ngưỡng nước nghèo và trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp (từ năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 1168USD) và đạt 4.110 USD năm 2022, bằng 48 lần so với năm 1986 và 3,5 lần so với năm 2010. Tỉ lệ nghèo (theo chuẩn 3,65 USD/ngày, theo PPP năm 2017) giảm còn hơn 14% năm 2010 và 3,8% năm 2020.

18ea99e812afc5f19cbe.jpg
Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, qua 40 năm đổi mới, Đảng có những bước thay đổi căn bản về nhận thức đối với vấn đề xã hội và chính sách xã hội. Đó là kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Chính sách xã hội từng bước chuyển từ bảo đảm an sinh cho đối tượng khó khăn, yếu thế sang thực hiện phúc lợi xã hội để mở rộng đối tượng được thụ hưởng thành quả chung của xã hội.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện chính sách xã hội vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, và nhìn chung chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Thị trường lao động chậm phát triển, chất lượng nguồn nhân lực và việc làm thấp. Tỉ lệ bao phủ của bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp còn thấp. Độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên còn hẹp, mức chuẩn trợ cấp thấp. Chất lượng dịch vụ xã hội chưa đáp ứng được các yêu cầu về đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa, chưa quản lý theo trường hợp và chăm sóc, trợ giúp đối tượng tại gia đình, cộng đồng. Kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch giàu nghèo còn lớn. Chính sách xã hội thiếu tính bao trùm, liên kết trong hỗ trợ đối tượng và chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện.

Phát triển kinh tế gắn với bình đẳng, công bằng xã hội

Mục tiêu đến 2030 của Đảng và Nhà nước: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, bao trùm, toàn diện, bền vững, hiện đại, thích ứng; nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân bảo đảm cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng tốt cho nhân dân, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển việc làm bền vững; tạo điều kiện để mọi người dân phát huy tiềm năng, phát triển toàn diện và có thu nhập trung bình cao so với người dân các nước trên thế giới; quản lý phát triển xã hội hiệu quả, nghiêm minh, đi đôi với bảo đảm quyền con người, an ninh con người, an sinh xã hội”.

Tầm nhìn đến năm 2045: “Phát triển xã hội hiện đại, bền vững góp phần xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và phát triển con người Việt Nam toàn diện, phát huy tiềm năng, thế mạnh đóng góp cho phát triển xã hội hài hòa; người dân được đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, có thu nhập cao và có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong đất nước hùng cường, thịnh vượng”.

Theo Bộ trưởng, để đạt được các mục tiêu trên, một số định hướng giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong thời gian tới, cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò của chính sách xã hội trong giai đoạn mới. xây dựng và thực hiện chính sách xã hội toàn diện, hiện đại, bao trùm và bền vững dựa trên quyền con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chính sách xã hội. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm bền vững và phát triển thị trường lao động.

“Cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; …. Xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho các ngành, nghề trong xã hội. Giải quyết việc làm bền vững cho người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

37ae629be9dc3e8267cd.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ LĐTBXH tiếp tục phân tích thực tiễn, rút ra những vấn đề lý luận theo tư tưởng, quan điểm, mục tiêu của Đảng về mô hình phát triển, thể chế chính trị, nhà nước pháp quyền XHCN, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn phát triển. Từ đó xác định những vấn đề ưu tiên giữa phát triển kinh tế với thực hiện các chính sách xã hội trong giai đoạn sắp tới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần làm rõ mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, rút ra bài học kinh nghiệm trong khắc phục, điều tiết mặt trái của kinh tế thị trường bằng các công cụ, chính sách xã hội rõ ràng, cụ thể. Phó Thủ tướng đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ LĐTBXH làm rõ hơn nội hàm khái niệm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tham khảo kinh nghiệm vận hành mô hình đang vận hành trong nền kinh tế thị trường, vai trò của nhà nước, sự tham gia của tư nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO