Văn hóa

Núi rừng vang điệu Páo dung

Nam Hoàng 10/12/2023 16:17

Là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, đến giờ người Dao vẫn giữ được nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán đậm đà bản sắc cổ truyền như trang phục, tang ma, cưới hỏi và đặc biệt là Páo dung - một loại hình nghệ thuật diễn xướng hết sức độc đáo.

Giữ gìn trang phục truyền thống

Mặc dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng người Dao vẫn giữ được rất nhiều nét đẹp cổ xưa và những đức tính của cha ông truyền lại. Trai thì giỏi việc nương, gái thì đảm việc nhà. Đặc biệt, hầu như mỗi người con gái Dao đều biết may vá, thêu thùa và có ít nhất một bộ trang phục truyền thống gồm mũ, khăn đội đầu, áo dài, yếm, dây lưng, quần dài, quần ngắn và xà cạp để mặc trong các dịp lễ tết, hoặc các dịp hội hè theo phong tục tập quán của dân tộc mình.

anh-bai-nui-rung-vang-dieu-pao-dung-1.jpg
Phụ nữ Dao rất giỏi việc thêu thùa

Theo bà Lý Thị Mây, ở xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, thì mỗi nhóm người Dao lại có một số nét riêng trong trang phục. Ví dụ như áo dài của người Dao Thanh Y là loại áo tứ thân, dài đến gối, xẻ giữa; viền cổ áo có thêu hoa văn bằng chỉ màu; ống tay áo may giáp nối, gấu tay màu đỏ; ở giữa thân sau áo có thêu. Nẹp, gấu, vạt áo được thêu trang trí bằng chỉ màu. Áo không cài khuy nên khi mặc được vắt chéo hai vạt rồi buộc thắt lưng ra ngoài.

Yếm của phụ nữ thường có hình vuông, mỗi chiều chừng 30-35cm, được may bằng vải đã nhuộm màu chàm. Nửa trên của yếm đáp vải đỏ, đen và mảnh hoa văn đã được thêu sẵn. Dây lưng dài hai sải, rộng khoảng 6-8cm, dệt bằng chỉ màu. Quần chỉ dài tới ngang đùi, ống hơi hẹp, dưới gấu không thêu, đũng rộng để có thể vận động thoải mái, không bị gò bó khi lao động.

Còn xà cạp thường được làm bằng vài màu chàm, không có hoa văn trang trí. Dây buộc xà cạp dệt bằng chỉ nhiều màu sắc, có các họa tiết đơn giản. Một đầu dây được các thiếu nữ khéo léo đính vào rất nhiều hạt cườm và may thêm vài cái tua dài.

Trong các phụ kiện đi kèm bộ trang phục phụ nữ Dao thì đôi xà cạp để quấn chân là phải thêu kỳ công và khó nhất. Vì cần phải thêu kín các hoa văn trên mặt vải bằng chỉ màu và sau khi thêu xong thì mảnh xà cạp không phải là miếng vải phẳng nữa mà có hình khum khum một chút, khi quấn vào bắp chân phải ôm khít, không thể lỏng ra được.

Thắt lưng thì được thêu bằng chỉ màu gần giống dây buộc bao dao của người Tày, khổ rộng năm đến bảy phân. Không chỉ thêu những hình ảnh thường thấy trong sinh hoạt hằng ngày, hình con chim, con nhện, bông hoa tám cánh hay còn gọi là hoa mào gà cũng xuất hiện trên khăn đội đầu và vạt áo của nữ.

Những hoa văn trên trang phục của phụ nữ Dao được thêu sặc sỡ với nhiều họa tiết phong phú như hình cỏ cây, hoa lá hay bất kỳ vật dụng nào mà người dân nơi đây cảm thấy gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày. Cùng ý tưởng đó, trên mỗi bộ trang phục, hoa văn không giống nhau bởi mỗi người có một cách làm và gửi tình cảm vào tác phẩm của mình.

anh-bai-nui-rung-vang-dieu-pao-dung-2.jpg
Màn hát đối đáp trong đám cưới của người Dao

Theo người Dao quan niệm, những mẫu hoa văn này có nghĩa là cầu mong may mắn. Cùng với đó là hình cây thông, hình chim phượng hoàng, hình mặt trời… Các họa tiết không nhiều, không rối, rất hài hòa và nổi bật. Điều đó thể hiện tâm hồn phóng khoáng, sự rung cảm trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên và tài năng nghệ thuật của người phụ nữ Dao. Đây cũng là một phần trong quan niệm về thế giới và ý thức chế ngự thiên nhiên của đồng bào.

Kỹ năng thêu thùa được người phụ nữ Dao rèn luyện từ nhỏ, vì vậy họ thành thục và điêu luyện với từng đường kim mũi chỉ, các họa tiết trên trang phục chủ yếu thêu vo bằng tay mà không cần kẻ vẽ, tạo hình từ trước. Sản phẩm cuối cùng không phải mặt phải đang thêu mà là mặt lật ngược lại, cho thấy sự độc đáo, phản ánh trí tuệ đặc biệt của người phụ nữ Dao.

Có thể nói, công việc thêu thùa của người phụ nữ Dao đã đạt tới trạng thái thiền định. Chính công việc này đã giúp cho họ tạm quên đi cuộc sống nhọc nhằn, tạo cho bản thân một lối sống hồn nhiên, vô ưu mà vẫn đằm thắm dịu dàng như bông hoa của núi rừng.

Để giữ được nghệ thuật thêu và làm ra bộ trang phục truyền thống, người phụ nữ Dao đã truyền dạy cho những người con gái, cháu gái từ khi còn nhỏ từng đường kim, mũi chỉ. Sự kiên trì đó giúp những người con gái Dao trước khi về nhà chồng đều có thể tự tay làm trang phục áo cưới cho mình. Việc truyền dạy cứ tuần tự như thế, tự nhiên như giữ cho ngọn lửa cháy mãi trong bếp lửa của ngôi nhà. Vì thế, những người phụ nữ Dao từ đời này qua đời khác chính là những người giữ gìn, bảo tồn một phần văn hóa dân tộc mình qua bộ trang phục.

Màu sắc của bộ trang phục của người Dao rất phong phú, như vàng, đen, trắng, xanh, đỏ kết hợp được trên nền vải đen, hội tụ đủ ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Mỗi màu sắc ấy lại tượng trưng cho tư tưởng tâm linh của đồng bào, rằng nếu mặc trang phục sắc màu sặc sỡ sẽ tránh được thú dữ, bởi thú có dữ đến đâu cũng vẫn yêu cái đẹp. Điều này cho thấy một nếp nghĩ, tâm hồn đẹp của những con người quanh năm cuộc đời gắn bó với núi rừng.

Ngoài trang phục chính, người phụ nữ Dao còn ưa dùng đồ trang sức làm cho bộ trang phục của mình thêm sang trọng như vòng cổ, nhẫn, túi ăn trầu, các đồ trang sức bằng bạc hình bán cầu, hình sao 8 cánh.

Đắm say những làn điệu cổ

Ngoài trang phục, người Dao còn giữ được rất nhiều sinh hoạt văn hóa cổ truyền khác, như lễ cấp sắc, cưới hỏi, ma chay. Và đặc biệt là Páo dung, một loại hình nghệ thuật diễn xướng hết sức đặc sắc.

Bà La Thị Xuân, thôn Tân Quang, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: “Các làn điệu dân ca Dao là những câu chuyện về đời sống của dân tộc, từ đời này sang đời khác. Người Dao dựa vào bài hát để thể hiện tâm tư nguyện vọng, quan niệm của mình về các sự vật”.

Páo dung có 2 loại hình - Páo dung lễ nghi tín ngưỡng chính là các làn điệu cổ, ra đời sớm nhất gồm những bài hát được sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng, ghi chép thành sách bằng chữ Nôm - Dao, được các thầy cúng Dao lưu giữ trong quá trình hành nghề. Hình thức hát này mang tính nguyên tắc với những bài hát có sẵn và thường có thêm trống, chiêng, thanh la phụ họa.

Nội dung các bài hát nghi lễ là lời cảm tạ và cầu mong thần linh che chở, phù hộ cho sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ca từ của các bài loại này học rất khó, mỗi bài hát thường ít lời nhiều ý, đòi hỏi phải am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc.

anh-bai-nui-rung-vang-dieu-pao-dung-3.jpg
Bà La Thị Xuân dạy con cháu hát Páo dung

Loại hình Páo dung sinh hoạt là loại hình ca hát chiếm vai trò chủ đạo trong kho tàng dân ca Dao với nhiều thể loại: Hát giao duyên, hát ru, hát đồng dao, hát than... được sáng tác thêm, đem đến sự đa dạng, phong phú bất tận của Páo dung. Ca từ của các làn điệu này giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Các làn điệu Páo dung phổ biến trong các ngành Dao là páo phây (ngâm thơ), páo dung om hay còn gọi là páo dung tòi tồm dòi lủng (hát đối đáp giữa trai chưa vợ gái chưa chồng), páo dung muộn (hát ghẹo).

Đây là loại hình thể hiện được sự biến hóa, tài nghệ đối đáp linh hoạt của người hát vì thế giàu nhạc điệu và thấm đậm chất trữ tình, được hát không giới hạn về không gian, thời gian. Tuy khác nhau về giai điệu và nhịp phách nhưng đều có giá trị văn hóa lớn lao, định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đề cao tinh thần lao động, sáng tạo, lẽ sống, ứng xử của con người với thiên nhiên. Páo dung còn thể hiện tình cảm thầm kín giữa nam và nữ và tạo không khí vui vẻ, quên đi mệt nhọc, giúp các bản Dao xích lại gần nhau, thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau vượt qua gian khó.

Dù các lối hát này không có nhạc cụ đệm, được thể hiện ngẫu hứng, tự nhiên bằng chính cảm xúc cá nhân của người hát, nhưng không phải là lối hát tùy tiện mà có quy tắc chặt chẽ với ca từ hình thành trên thể thơ lục bát hoặc thất ngôn.

Páo dung trong đám cưới của đồng bào thể hiện tập trung nhất vẻ đẹp của loại hình diễn xướng độc đáo này. Niềm vui mừng của gia đình hai họ, dân bản, tình yêu, khát vọng về hạnh phúc lứa đôi, giáo dục đạo lý… được thể hiện qua những khúc hát tâm tình, giàu nhạc điệu mà chủ yếu là hát đối đáp giao duyên. Các bên cử ra đại diện nhóm của mình để hát, người hát sẽ ứng khẩu tại chỗ theo các làn điệu truyền thống.

Trong đám cưới của người Dao các nhóm Coóc Ngáng, Quần Trắng, Thanh Y, Quần Chẹt, Áo Dài, Coóc Mùn và Ô Gang, ngoài hát đối đáp giao duyên còn có hình thức hát thử thách họ nhà trai. Khi nhà trai đến đón dâu, nhà gái chăng giây 4 chặng từ cổng đến chân cầu thang và hát đố. Quan lang nhà trai phải hát đáp lại và cho tiền vào một chiếc đĩa để sẵn dưới mỗi chặng dây thì mới được vào nhà.

Trong đám cưới của người Dao Đỏ, tiếng hát được cất lên từ khi lễ cưới bắt đầu cho đến khi kết thúc theo từng chặng phù hợp. Khi nhà trai đến nhà gái đón dâu, hai họ sẽ hát đối đáp thay cho câu chào hỏi xã giao. Khi cô dâu chuẩn bị về nhà chồng, các bà, các mẹ tiếp tục hát các bài tiễn đưa, dặn dò người con gái đi lấy chồng. Nhà gái đưa dâu đến, nhà trai mời nhà gái ở lại uống rượu. Trong mâm rượu, hai họ hát đối đáp nhau để bày tỏ tình cảm giữa hai gia đình, qua đó thể hiện lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống.

Với ý nghĩa cao đẹp trong từng câu hát, Páo dung của người Dao ở nhiều vùng đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Bà La Thị Xuân tâm sự: “Hát Páo dung là một trong những nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Dao. Trong những bài hát nghi lễ hay hát giao duyên đều chứa đựng những giá trị văn hóa của người Dao. Việc gìn giữ, phát huy làn điệu Páo dung đã góp phần quan trọng bảo tồn nét văn hóa đặc sắc ấy”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO