Linh hoạt bắt nhịp xu thế hội nhập, khai thác triệt để thuận lợi về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng… đó là cách làm sáng tạo của nhiều nông dân vùng sâu, vùng xa trong những năm gần đây để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
Nhiều năm trước, Nậm Nèn được biết đến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Chà với tỷ lệ hộ nghèo trên 90%. Thế nhưng, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung sức, chung lòng từ phía nhân dân, cuộc sống bà con Nậm Nèn những năm gần đây đang khởi sắc đáng kể.
Là người gắn bó với mảnh đất Nậm Nèn từ khi “cha sinh, mẹ đẻ”, anh Lò Văn Cương, Trưởng bản Phiêng Đất B trải qua nhiều thăng trầm cũng như sự bứt phá trên mảnh đất này. Anh Cương cho biết, đó là khoảng thời gian Phiêng Đất B nói riêng, xã Nậm Nèn nói chung ra “ở riêng” vào ngày 1/4/2013, trên cơ sở chia tách từ xã Pa Ham. Thời điểm ấy, đời sống người dân còn rất khó khăn. Nguyên nhân thì nhiều; khi thì do thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh; xã chưa có điện lưới quốc gia, nước sạch; giao thông còn nhiều trắc trở. Song nghèo đói một phần không nhỏ là do các hộ dân chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, không có ý chí tự vươn lên...
“Mấy năm qua, được cán bộ huyện, cán bộ xã tuyên tuyền nhiều, rồi hướng dẫn cách tận dụng lợi thế về địa hình để trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp thì người dân đã thay đổi nếp nghĩ rất nhiều. Chẳng hạn như hiện nay, ngoài trồng lúa, ngô thì chúng tôi đang duy trì và phát triển cây dong riềng. Tuy giá còn bấp bênh nhưng vẫn là cây trồng chủ lực của bản với tổng diện tích gần 70ha. Với giá bán dao động từ 1,2 - 2 nghìn đồng/kg thì bà con vẫn có lãi. Nhờ đó, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của bản đã đạt gần 20 triệu đồng/năm” - Trưởng bản Lò Văn Cương chia sẻ.
Nhờ thay đổi cách làm, tháng 7/2021, Phiêng Đất B là 1 trong 2 bản đầu tiên của huyện Mường Chà đạt chuẩn nông thôn mới.
Không chỉ ở Nậm Nèn, thời điểm năm 2019, nhận thấy một số xã vùng cao của huyện Mường Chà có nhiều thuận lợi để phát triển cây dược liệu, UBND huyện Mường Chà đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với người dân triển khai mô hình trồng sả java trên diện tích 10ha tại bản Huổi Chua. Sau gần 4 năm triển khai, điều mà người dân phấn khởi đó là cây sả phù hợp thổ nhưỡng nơi đây. Theo tính toán, một năm, loại sả này có thể cho thu hoạch khoảng 3 lần, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với những cây trồng như lúa nương, sắn, chít. Từ hiệu quả của mô hình, đến nay, xã Ma Thì Hồ đã và đang tiếp tục vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời xem đây là hướng đi mới trong xóa đói giảm nghèo của xã.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hay tạo hướng đi mới trong phát triển du lịch cũng được xem là một trong những bước đi thể hiện tính đột phá và tư duy sáng tạo ở mỗi địa phương với chủ thể là những người nông dân cần cù, chịu khó. Tại tỉnh Điện Biên, với tiềm năng đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử và văn hóa bản địa của 19 dân tộc anh em, du lịch cộng đồng hiện nay là một trong những loại hình du lịch mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Đơn cử bản du lịch cộng đồng Nà Sự, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ); bản du lịch cộng đồng Quan Chiêng, phường Na Lay (TX. Mường Lay); bản du lịch cộng đồng Phiêng Lơi (TP. Điện Biên Phủ)...
Có thể thấy, việc phát triển du lịch theo loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua đã và đang được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Đặc biệt, để khơi nguồn cho các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng người dân vùng khó trong thực hiện mô hình này, từ năm 2004, tỉnh bắt đầu xây dựng mô hình bản văn hóa phục vụ khách du lịch tại 8 bản thuộc huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” (các bản: Pe Luông, Phiêng Lơi, Him Lam 2, Mển, Noong Bua, Co Mỵ, Ten, U Va, sau đó tiếp tục phát triển thêm một số bản văn hóa, như: Hoong Lếch Cang, Che Căn, Noong Chứn...). Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ các bản xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, nhà vệ sinh đạt chuẩn, sân bãi, điện nước, đường đi, mua sắm các trang thiết bị phục vụ hoạt động cộng đồng, phục vụ khách du lịch... Từ những mô hình bản du lịch cộng đồng triển khai mang lại hiệu quả, đã giúp người dân có thêm thu nhập, ổn định kinh tế và từng bước vươn lên.
Tư duy sáng tạo, biết tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế đó là cách làm mà nhiều người dân các địa phương trong tỉnh hiện nay đang thực hiện. Thông qua các mô hình phát triển kinh tế, có thể khẳng định, người dân đã biến thách thức thành cơ hội, cùng cấp ủy, chính quyền vượt khó, đi lên trong tiến trình hội nhập.