Sinh sống, định cư giữa điệp trùng đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh) luôn tự hào và ý thức sâu sắc rằng, mình chính là những “cột mốc sống” và là “chủ nhân” nơi dải biên cương phía Tây của Tổ quốc. Với họ, việc gìn giữ vùng đất biên cương yên bình cũng là gìn giữ cho cuộc sống của chính mình và của Tổ quốc.
1. Năm nay 83 tuổi, mặc dù chân đã chậm, mắt đã mờ, nhưng già Trần Văn Phúc, người Bru-Vân Kiều ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) vẫn còn minh mẫn. Đến giờ đây, già Phúc không thể nhớ hết đôi bàn chân đã đi cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) bao nhiêu chuyến tuần tra biên giới nữa. Chỉ biết rằng, ngay sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), già Phúc là một trong số ít người Bru-Vân Kiều đầu tiên ở bản Khe Cát được BĐBP gọi đi tuần tra biên giới cùng.
Già Trần Văn Phúc nhớ lại, lúc đó, già làm trưởng bản. Một hôm, nghe BĐBP đến bảo đi tuần tra biên giới thì già đi thôi chứ cũng không biết là mình đi để làm gì và tuần tra là làm những việc gì? Thời điểm đó, dọc tuyến biên giới ở phía Tây vẫn chưa có mốc quốc giới, nên những người dân như già không biết đâu là ranh giới giữa nước ta và nước bạn Lào.
“Sau hơn 1 ngày cơm đùm gạo bới, trèo đèo lội suối, hễ mệt ở đâu là dừng chân nghỉ ở đó. Cuối cùng, già cùng bộ đội mới đặt chân lên bản Dốc Mây. Già cứ nghĩ Dốc Mây là bản xa xôi nhất, thì chắc là biên giới ở đó rồi. Nhưng không, từ bản Dốc Mây phải đi bộ tiếp khoảng hơn 1 giờ nữa mới đến. Già sinh ra, lớn lên ở giữa điệp trùng đại ngàn Trường Sơn, nhưng đó là lần đầu tiên già biết đường biên giới nước ta ở đâu. Đứng ở đây, bộ đội mới cho già biết thêm, nhiệm vụ bảo vệ biên giới của Tổ quốc không chỉ là nhiệm vụ của bộ đội mà của mỗi một người dân nơi biên cương này. Vì vậy, khi đặt chân lên khu vực này, già cảm thấy vinh dự và tự hào lắm. Từ đó, hàng năm già đều cùng BĐBP đi tuần tra, bảo vệ biên giới và vận động nhiều thanh niên, dân bản cùng tham gia. Giờ đây, già biết hầu hết tuyến biên giới đều đã có cột mốc đánh dấu chủ quyền. Chỉ tiếc là già không thể bảo cái chân vượt qua ngọn núi, lội qua khe suối được nữa để lên xem cái cột mốc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc”, già làng Trần Văn Phúc kể.
Hôm chúng tôi lên Trường Sơn, chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra “Ngày hội tòng quân” năm 2024. Trong đợt này, gia đình già Trần Văn Phúc cũng có một người cháu ngoại chuẩn bị lên đường nhập ngũ, đó là Hồ Văn Nghin (SN 2006). Nghin là người cháu thứ 3 của già Trần Văn Phúc sắp trở thành người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Hiện, già Phúc có một người cháu nội đang thực hiện nghĩa vụ trong Quân đội. Tối hôm trước đó, gia đình Nghin vừa mời dân bản đến dự tiệc liên hoan để động viên em lên đường. Già Phúc kể, khi có lệnh gọi nhập ngũ, ông đã động viên Nghin rất nhiều. “Thời trước, ông ngoại cũng là dân quân chiến đấu với kẻ thù bảo vệ bản làng, giờ đây cháu phải đi bộ đội để học cách bảo vệ quê hương, đất nước. Đi bộ đội là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả. Vì vậy, phải cố gắng rèn luyện, học tập để xứng đáng là người con Bru-Vân Kiều, nơi bản làng biên giới này”.
Ngồi bên cạnh ông ngoại, chàng trai trẻ Hồ Văn Nghin im lặng lắng nghe từng lời dặn dò của ông và hứa sẽ thực hiện đúng lời của ông đã căn dặn. Vậy là trên dãy Trường Sơn này, người Bru-Vân Kiều vẫn thầm lặng trao truyền cho con cháu lòng yêu nước. Để rồi thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, đều son sắt, một lòng một dạ muốn đóng góp sức mình, gìn giữ cho nền hòa bình, độc lập của dân tộc và sự yên bình nơi biên cương Tổ quốc.
2. Tình cờ lẫn ngẫu nhiên, trên đường đến trụ sở UBND xã Trường Sơn, chúng tôi gặp Hồ Văn Giàu (SN 1990), Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã. Tìm hiểu mới biết, Giàu là một trong những thanh niên người Bru-Vân Kiều trẻ nhất làm cán bộ xã. Sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2013, Giàu được tín nhiệm giao nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã. Từ đó đến nay, Giàu là người thường xuyên đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Đồn Biên phòng (BP) Làng Mô trên mỗi chuyến tuần tra biên giới. Giàu cảm thấy rất vinh dự, tự hào, vì mình là một thanh niên trẻ người Bru-Vân Kiều đã sớm được đặt chân lên khắp các tuyến đường biên và chạm tay vào hầu hết mốc quốc giới trên địa bàn.
Vì vậy, khi trò chuyện với chúng tôi, Giàu có thể kể vanh vách đường đi lối lại, nhất là những tuyến đường lên cột mốc. Hồ Văn Giàu kể: “Mỗi quý, các thành viên trong Ban CHQS xã cùng CB, CS Đồn BP Làng Mô có 4 chuyến lên tuần tra đường biên, cột mốc. Mỗi chuyến đi kéo dài trong 7 ngày và chỉ đến được 4 cột mốc. Không kể hết nỗi vất vả vì cảnh trèo đèo lội suối, có khi chân tay phải bám vào vách núi đá dựng đứng đến tứa máu để bò lên. Nhưng khi lên đến nơi, đặt tay lên cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc, mọi mệt nhọc đều tan biến. Do phần lớn cột mốc ở trên đỉnh núi cao ẩm ướt, nên chỉ trong một thời gian ngắn thường bị rêu úa. Nhiều cột mốc ở xa khe suối, không có nước, chúng em phải chặt cây chuối rừng lấy nước để lau chùi, rồi dùng nước uống mang theo để lau lại cho sạch”.
Trở về Đồn BP Làng Mô, nhìn trong mỗi bức ảnh tuần tra đường biên, cột mốc đều thấy thấp thoáng bên cạnh những CB, CS đều có bóng dáng hình ảnh dân quân, nhân dân Trường Sơn. Trung tá Nguyễn Trung Dũng, Chính trị viên Đồn BP Làng Mô cho hay, đồn hiện trực tiếp quản lý, bảo vệ tuyến đường biên dài nhất với gần 44km và số lượng cột mốc nhiều nhất, với 16 mốc quốc giới (từ mốc 550 đến mốc 565) trên tuyến biên giới phía Tây của tỉnh.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lấy dân làm gốc”, cũng như quan điểm của Đảng và Nhà nước, những năm qua, CB, CS đơn vị luôn xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Để từ đó, mỗi một người dân cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã đồng hành cùng CB, CS trong việc giữ gìn, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trong tình hình mới. Điều đáng quý là nhận thức, ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cao độ của mỗi người dân nơi đây trong tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và tự quản an ninh trật tự trên địa bàn đều được nâng cao.
Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn (Quảng Ninh) Nguyễn Văn Nhì cho hay, xã có diện tích tự nhiên hơn 783km2 (chiếm 2/3 diện tích toàn huyện Quảng Ninh), với 4 thôn, 15 bản. Trong số gần 1.300 hộ/hơn 5.300 khẩu, người Bru-Vân Kiều chiếm đến gần 63% dân số. Nhận thức rõ vị trí chiến lược, tầm quan trọng của biên giới quốc gia, địa bàn khu vực biên giới, đảng bộ, chính quyền và mỗi một người dân, nơi đây đều ý thức được rằng, bên cạnh BĐBP, mình chính là “chủ nhân” của dải đất nơi biên cương này.
Qua các hoạt động, như: Tuần tra bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới, thậm chí trong khi đi rừng làm nương rẫy…, người dân đã tích cực, chủ động quan sát tình hình đường biên, mốc quốc giới, kịp thời phát hiện những dấu hiệu nghi vấn, cung cấp cho đồn biên phòng và lực lượng chức năng hàng trăm nguồn tin có giá trị, phục vụ cho công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và phòng chống tội phạm. Việc xây dựng nền BP toàn dân, thế trận BP toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, phải bắt đầu từ những “thế trận lòng dân” và “sâu rễ bền gốc” từ trong cội nguồn ý thức, trách nhiệm của mỗi một người dân nơi đây.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.