Trong năm 2023 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã chi trả hơn 272 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng là cộng đồng, tổ chức, cá nhân quản lý, bảo vệ rừng.
Cộng đồng bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ có 138 hộ dân được giao quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi hơn 2.300ha rừng, chiếm gần 70% diện tích rừng của toàn xã Nà Tấu. Để công tác quản lý, bảo vệ rừng được hiệu quả, bản đã thành lập 16 tổ, mỗi tổ có từ 8 - 9 người thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng.
Việc tuần tra các tổ có thể thực hiện độc lập hoặc phối hợp với lực lượng kiểm lâm, các tổ chức đoàn thể của xã. Các tổ bảo vệ rừng đều có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ của mình nên ngày nào Hua Rốm cũng có người đi tuần rừng, kịp thời ngăn chặn các trường hợp gây nguy hại đến rừng.
Nhờ chăm sóc và bảo vệ rừng hiệu quả, những năm gần đây người dân bản Hua Rốm nhận tiền dịch vụ môi trường rừng mỗi năm càng thêm cao. Lần đầu tiên bản Hua Rốm nhận tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được hơn 120 triệu đồng, đến nay bản nhận được hơn 834 triệu đồng từ chính sách chi trả DVMTR. Với số tiền này, dân bản Hua Rốm ngoài sử dụng chi cho các hoạt động chung của cộng đồng và phát triển kinh tế thì còn phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, như: Xây dựng trạm, chốt tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng. Đặc biệt, số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp một số hộ tăng thu nhập, ổn định đời sống, thoát nghèo.
Ông Vàng A Thư, Trưởng bản Hua Rốm cho biết: Hiện nay trung bình mỗi năm các gia đình tham gia quản lý, bảo vệ rừng ở bản nhận được hơn 7 triệu đồng tiền DVMTR. Có tiền chi trả DVMTR, nhiều gia đình trong bản Hua Rốm đã mua được con giống, cây giống phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ cũng là một trong những thôn, bản được đánh giá cao về công tác quản lý, bảo vệ rừng, người dân có cuộc sống ổn định hơn nhờ nghề rừng. Trên địa bàn xã không xảy ra phá rừng là bởi người dân đã hiểu được giá trị của rừng nên tích cực bảo vệ rừng.
Trưởng bản Lù Văn Hán kể lại: Những năm 2000 rừng của bản Lả Chà đã từng bị xâm hại. Nhiều cây gỗ to bị người dân trong bản và từ nơi khác đến chặt mang về xẻ gỗ dựng nhà. Nhà này làm được thì nhà khác cũng làm được, người người đua nhau làm. Thế rồi năm 2006 xảy ra một trận mưa lũ lớn, người dân Lả Chà bất lực trước thiên nhiên. Nhiều nhà bị thiệt hại bởi nước lũ. Tháng 10 năm đó lại xảy ra đợt hạn hán, suối cạn trơ đáy. Từng đoàn người vác can đi tìm nước. Những năm sau đó tình trạng khan hiếm nước vẫn xảy ra. Những người già trong bản rỉ tai nhau “rừng đang trừng phạt bản người Cống mình rồi”. Đến năm 2019 hương ước giữ rừng của bản được xây dựng và thực hiện nghiêm đến nay.
Bản Lả Chà có 82 hộ, hơn 400 nhân khẩu, được giao quản lý, bảo vệ hơn 1.700ha rừng. Những năm qua, người Cống ở Lả Chà giữ rừng như người thân yêu của mình và họ đã nhận lại những gì xứng đáng. Hiện nay, bản Lả Chà có diện tích cung ứng DVMTR đạt 1.833,192ha, với số tiền được chi trả gần 2 tỷ đồng/năm. Trung bình mỗi năm, mỗi hộ dân của bản Lả Chà được chi trả khoảng 25 triệu đồng tiền DVMTR. Đó là số tiền không nhỏ đối với đồng bào dân tộc Cống ở bản Lả Chà.
Nói về việc giữ rừng để sống tốt từ rừng, Trưởng bản Lù Văn Hán cho biết: Bản Lả Chà thành lập 4 đội tuần tra bảo vệ rừng, mỗi đội gồm 15 người, thực hiện tuần tra ít nhất 1 lần/tháng, mùa hanh khô thực hiện 2 - 3 lần/tháng. Theo quy ước, nếu ai chặt gỗ, phá rừng làm nương sẽ bị phạt tiền tùy theo mức độ; tiền phạt sẽ được thu từ phần hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con dân bản phát nương, đốt nương đúng quy trình kỹ thuật; bố trí người túc trực không để lửa lây lan vào rừng.
Chính sách chi trả DVMTR đã và đang từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân, giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn từ rừng.