UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 60/KH-UBND về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 433-KH/TU, ngày 6/1/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2030 toàn tỉnh sẽ thu hút 35% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 70% trở lên…
Thực hiện mục tiêu đó, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đã đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, chú trọng quan tâm đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên, đổi mới phương thức đào tạo, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Các chương trình đào tạo có sự gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Trong các kỳ thực tập, các em học sinh, sinh viên được rèn tay nghề, luyện tác phong làm việc nền nếp tại các doanh nghiệp. Nhờ đó, số học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm trong vòng 6 tháng đạt trên 85%. Một số ngành nghề tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 90% là công nghệ ô tô, kế toán doanh nghiệp, điện công nghiệp.
Em Lê Duy Thắng, lớp Điện Công nghiệp K18, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang chia sẻ: Trong quá trình học em và các bạn đã được đi thực tế, vừa học vừa làm tại một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Hoạt động này giúp chúng em có thêm kinh nghiệm trong quá trình vận hành, sửa chữa máy móc, thiết bị, phục vụ cho quá trình làm việc sau này. Ngay sau khi tốt nghiệp, em cũng đã xin được việc với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện cũng triển khai đào tạo các ngành nghề trọng điểm, cơ cấu ngành đa dạng, phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, tăng cường kết nối doanh nghiệp, đa dạng hình thức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nghề, chuyển đổi công việc của người lao động.
Điển hình như huyện Lâm Bình, nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã mở các lớp đào tạo nghề cho phụ nữ lúc nông nhàn, bổ sung các ngành nghề mới phù hợp với phát triển du lịch tại địa phương như chế biến thực phẩm, pha chế, lớp đào tạo kỹ năng làm dịch vụ du lịch, làm sản phẩm lưu niệm…
Tại huyện Chiêm Hóa, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cũng tích cực phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện khảo sát nhu cầu việc làm của người lao động, từ đó mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhiều lớp học thu hút đông đảo học viên như kỹ thuật chăn nuôi thú y, trồng rau màu, cây ăn quả, cơ khí hàn, kỹ thuật máy nông nghiệp. Ông Hoàng Văn Chung, Giám đốc Trung tâm cho biết: Các học viên sau học nghề tại trung tâm đều được giới thiệu việc làm ngay. Quá trình học, các học viên được học lý thuyết với thực hành, gắn với thực tế, tăng khả năng ứng dụng kiến thức đã được học vào lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tỉnh đã tổ chức rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đào tạo lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cơ cấu ngành nghề đào tạo đa dạng gồm công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Các chương trình đào tạo thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, phù hợp với thực tế. Qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu chung đến hết năm 2024 giải quyết việc làm mới cho 22.250 lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,5%.