Đình Phong Lệ, hay còn gọi là đình Thần Nông hoặc đình Mục Đồng, tọa lạc tại thôn Phong Nam, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang). Đây là ngôi đình có một không hai trong cả nước gắn liền với lễ hội Mục đồng, đến nay người dân còn lưu truyền câu ca: “Nhất Phong Lệ mục đồng, nhì Giáng Đông hát vật”. Với giá trị về mặt văn hóa lịch sử và truyền thống dân tộc, đình Phong Lệ ngày nay được chính quyền và người dân quan tâm bảo tồn và gìn giữ.
Theo lịch sử văn hóa của địa phương, làng Phong Lệ trước kia là một làng rất lớn có tên là “Đà Ly xứ” do các vị Nhâm Quý công, Lao Quý công và Mười Quý công đến khai canh, khai cư lập làng. Sau đó còn có thêm các tộc họ khác là năm tộc Ngô, bốn tộc Lê, hai tộc Trần và các tộc Phùng, Ông, Nguyễn, Võ, Phan, Bùi. Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), tên Đà Ly được đổi thành làng Phong Lệ. Đến năm Thành Thái thứ 8 (1896), làng Phong Lệ được chia thành hai làng là làng Phong Lệ Bắc và làng Phong Lệ Nam, gọi tắt là làng Phong Bắc và Phong Nam.
Ban đầu, đình được xây dựng ở đầu làng, hướng tây nam. Vì nhiều lý do, đình đã di dời vài lần. Đình Phong Lệ hiện nay được xây dựng vào khoảng giữa thập niên 30 của thế kỷ XX từ việc tháo dỡ, di dời ngôi đình cũ. Bởi lẽ lúc này, Pháp đã cho xây dựng tuyến đường sắt ngang qua trước mặt đình. Đình được xây dựng bằng gạch, vôi và gỗ, mặt quay về hướng đông. Kiến trúc theo lối chữ “Tam” gồm có ba phần: tiền đường, chính điện và hậu tẩm.
Phần tiền đường có chiều dài 7,05m và chiều rộng 2,7m, gồm có gác chiêng ở bên phải và gác trống ở bên trái. Hai gác này cũng có mái riêng, mỗi bốn góc của gác chiêng và gác trống được uốn cong giống như sừng trâu. Phía trên các góc mái là dải chữ triện được ghép bằng sành sứ. Kết cấu vì của tiền đường theo kiểu chồng rường giả thủ. Hai đầu con rường được chạm hình đầu rồng. Các giả thủ được chạm hình quả bí.
Phần đầu chính điện có chiều rộng 5,7m, dài 11,3m, kiến trúc nhà ba gian hai chái. Kết cấu vì chính điện được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng với bốn hàng cột bằng gỗ mít, mỗi hàng có sáu cột. Cột cái cao 5,2m, đường kính cột 25cm, cột quân cao 4,2m, đường kính mỗi cột là 20cm. Chân các giá chiêng và đầu các vì được chạm trổ hình mây cuộn rất đẹp. Mặc dù trang trí vì kèo ở đình Thần Nông không cầu kỳ nhưng vẫn rất tinh xảo. Trong chính điện treo bức hoành phi bằng gỗ có ba chữ “Phong Lệ đình” bằng chữ Hán và được sơn son thếp vàng.
Hậu tẩm được xây theo kiểu vòm cuốn. Phía trên của cửa thông từ chính điện vào hậu tẩm được đắp nổi hình cuốn thư với ba chữ Hán “Anh khí chung”. Bốn góc mái của hậu tẩm cũng được xây uốn cong hình sừng trâu. Bờ nóc hậu tẩm được trang trí hình chữ triện và ghép bằng sành sứ. Trong bàn thờ thần ở hậu tẩm có hai câu đối: “Thần linh bảo hộ nhân dân thịnh/ Thánh hiển phò trí bá tánh hưng”, có nghĩa là: “Thần linh che chở nên nhân dân thịnh đạt/ Thánh hiển hóa phù trì nên bá trăm họ hưng phát”.
Diềm mái trước đình, diềm mái của gác nghiêng và gác trống đều được gắn các đĩa sứ men lam, có đường kính 12cm. Bờ nóc của chính điện được trang trí hình “lưỡng long tranh châu” được ghép bằng sành sứ. Hai đầu bờ nóc được xây hình cuốn thư và được viền xung quanh bằng sành sứ, cùng với trang trí hoa lá. Các câu liễn đối của các bậc tiền bối ban tặng, trong đó có câu đối của cụ Cao Bá Quát, cụ Phan Bội Châu là những câu đối có giá trị, được ấn phẩm vào tấm gỗ quý vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay.
Ngày xưa, đình Phong Lệ là nơi diễn ra lễ hội Mục đồng độc đáo, ba năm tổ chức một lần. Trong những năm gần đây, lễ hội Mục đồng đã được dân làng phục dựng lại nhằm gìn giữ truyền thống văn hóa dân gian cho các thế hệ sau. Ngày nay, đình Phong Lệ có ý nghĩa về đời sống nông nghiệp. Đây là nơi tế lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, lúa màu tươi tốt, tăng năng suất, chống đói nghèo nên có tên gọi là đình Thần Nông - tên một vị thần trong truyền thuyết khuyến khích nông nghiệp. Với giá trị văn hóa lịch sử đó, ngày 14-6-2007, đình Phong Lệ được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố. Sự kiện này góp phần nhắc nhở thế hệ con cháu luôn biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập làng và cùng nhau chung tay gìn giữ ngôi đình cổ mang đậm tính nhân văn và sắc thái truyền thống văn hóa này.