Văn hóa

Nhận diện để bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể

Thảo Nguyên 03/04/2024 - 12:49

Dù Việt Nam đã có bước tiến xa trong nhận diện di sản văn hóa phi vật thể, song các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục có những chỉnh sửa phù hợp trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) từ khái niệm, phân loại, cũng như các nội dung liên quan tới ghi danh di sản. Trong đó, nên kế thừa tinh thần và các khái niệm trong Công ước của UNESCO.

Làm rõ khái niệm, loại hình

Dự thảo lần thứ 5 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nêu khái niệm "di sản văn hóa phi vật thể" là “sáng tạo tinh thần thông qua các thực hành, hình thức thể hiện, tập quán, tri thức, kỹ năng cùng những đồ vật, đồ tạo tác, không gian văn hóa liên quan được các cộng đồng, nhóm người, các cá nhân thực hành, trao truyền qua nhiều thế hệ và công nhận là bản sắc văn hóa của họ, không ngừng được trao truyền, bảo vệ, tái tạo vì sự phát triển bền vững và đa dạng văn hóa, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học”.

Theo GS.TS. Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, không nên khuôn di sản văn hóa phi vật thể là “sáng tạo tinh thần”, bởi một số lĩnh vực như ẩm thực, nghề thủ công, tri thức y học cổ truyền… có chỉ là sáng tạo tinh thần, hay còn có yếu tố vật chất? Bên cạnh đó, giá trị khoa học cần xem lại, bởi tín ngưỡng, phong tục tập quán có giá trị khoa học hay không? Nếu đưa giá trị này vào khái niệm, e rằng tín ngưỡng không thể được công nhận là di sản.

wicker-baskets-6526674_1920.jpg
Cần bổ sung quy định phù hợp nhằm nhận diện, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh: Maries

Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được quy định tại Điều 9 dự thảo Luật, gồm 6 loại hình: các hình thức thể hiện truyền thống thông qua truyền khẩu; nghệ thuật diễn xướng dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian về tự nhiên và vũ trụ; nghề thủ công truyền thống. TS. Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, UNESCO không gọi là loại hình mà là nhóm loại hình và chia di sản văn hóa phi vật thể thành 5 nhóm/ lĩnh vực: (a) Các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể; (b) Nghệ thuật trình diễn; (c) Tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội; (d) Tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ; (e) Nghề thủ công truyền thống.

Việc phân loại này cũng chỉ mang tính chất tương đối, bởi vì văn hóa phi vật thể hay di sản văn hóa phi vật thể thường được biểu đạt cùng một lúc bằng nhiều hình thức/loại hình. Ví dụ, hát then, hát xoan, hát ví dặm, hát quan họ… có nghệ thuật trình diễn (nhạc, múa, ngôn ngữ hình thể); tập quán truyền khẩu (ca từ, ứng tác, cách truyền dạy); nghề thủ công truyền thống (trang phục, trang sức, đạo cụ); tập quán xã hội và nghi lễ (hát thờ, trình diễn trong nghi lễ)… Chính vì vậy, việc phân chia các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong dự thảo Luật cần lưu ý đặc điểm này.

TS. Lê Thị Minh Lý cũng cho rằng, trong dự thảo Luật, có thể chấp nhận tách lễ hội thành loại hình riêng, tuy nhiên, không nên diễn giải gồm những gì, bởi không thể liệt kê hết, nếu liệt kê sẽ vừa thừa, vừa thiếu…

Cần có sự đồng thuận của cộng đồng

Sau khi có Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003, chính sách đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể đã được quy định và thực hiện. Sau 3 đợt phong tặng vào các năm 2015, 2019, 2022, có 1.881 nghệ nhân trên các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (1.750), Nghệ nhân Nhân dân (131). Nhận định chính sách đối với nghệ nhân là điểm mới, quan trọng và cần thiết, song TS. Lê Thị Minh Lý cho rằng, trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cần thêm điều khoản để xét các trường hợp đặc biệt dành cho nghệ nhân trẻ có tài năng xuất sắc. Đối tượng này cần khuyến khích bởi vì họ có năng lực sáng tạo, truyền dạy và góp phần tích cực vào phát huy giá trị di sản bền vững.

Liên quan đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với di sản văn hóa, Điểm a, Khoản 2, Điều 5 dự thảo Luật quy định cộng đồng, cá nhân sở hữu di sản văn hóa “Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa hướng dẫn trong việc nhận diện giá trị và quy trình thủ tục đưa vào Danh mục Kiểm kê; được giữ bí mật thông tin, nếu có yêu cầu”. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Đức Tăng cho rằng, việc nhận diện di sản văn hóa phi vật thể, giữ bí mật thông tin, hay trước khi kiểm kê, trước khi công bố kết quả nghiên cứu, kiểm kê… đều cần có sự đồng thuận của cộng đồng. Cộng đồng đồng thuận và tự nguyện tham gia trên cơ sở được cung cấp đầy đủ thông tin là nguyên tắc cơ bản của UNESCO, cần xem xét để đưa vào luật. Bên cạnh đó, cần đưa nguyên tắc cộng đồng, nhóm người và cá nhân phải đóng vai trò chính trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của họ…

UNESCO cũng đang khuyến khích việc nhận diện các di sản văn hóa phi vật thể mà các quốc gia láng giềng, cùng khu vực có chung sở hữu để lập hồ sơ di sản đa quốc gia. Năm 2015 Việt Nam có di sản kéo co của một số cộng đồng thuộc 4 tỉnh, thành phố là Bắc Ninh, Hà Nội, Lào Cai và Vĩnh Phúc được ghi danh cùng với Campuchia, Hàn Quốc và Phillipines. Các di sản kiểu này dự kiến có thể mở rộng hơn theo các điều khoản của UNESCO. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Luật Di sản văn hóa cần bổ sung nội dung này…

Việc ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đang được cho là đóng vai trò khá quan trọng làm thay đổi cách nhìn nhận, bảo vệ và phát huy di sản. GS. TS. Nguyễn Thị Hiền, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, Luật Di sản văn hóa cần có những điều khoản cụ thể về mục đích của ghi danh di sản văn hóa phi vật thể, tránh hiểu lầm và làm sai lệnh sự ghi danh di sản hướng tới bảo vệ di sản tốt hơn, gắn với phát triển bền vững, hơn là danh hiệu, sự xếp hạng và đẳng cấp.

Theo NĐBND
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO