Kinh tế

Người truyền lửa ở Bản Tâng

Lê Duy 08/05/2024 - 14:14

Thôn Bản Tâng, xã Đà Vị (Na Hang, Tuyên Quang) có khí hậu khắc nghiệt, nơi đây luôn trong tình trạng thiếu nước sản xuất, đất đai bạc màu, cũng vì thế mà đến hôm nay Bản Tâng vẫn là thôn khó khăn nhất của xã. Nhưng ở đó có một nữ bí thư chi bộ, đã có những 'phá cách' giúp nhân dân phát triển nhiều cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế. Từ đó vươn lên giảm nghèo bền vững.

Đưa cây cam lên đất cỗi

Bản Tâng đa số là người Tày, kinh tế gắn với cây lúa, cây ngô là cây chủ lực. Địa hình nằm ở sườn đất dốc, quanh năm thiếu nước sản xuất, nếu có mưa to thì lại gây nên tình trạng trôi màu, đất cũng vì thế mà cằn cỗi dần qua năm tháng.

Năm 2015, chị Hoàng Thị Cư, khi ấy chưa đầy 30 tuổi được bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận của thôn. Là lớp người trẻ, chị nuôi hoài bão phải làm một điều gì đó để nhân dân trong thôn cùng thoát nghèo. Chị kể, nhìn những triền đồi, những thửa ruộng bạc màu không canh tác để hoang hóa cho cỏ dại làm chủ, ai cũng đều cảm thấy tiếc, nhưng dù có cải tạo cỡ nào cũng không đấu lại được với sức mạnh của thiên nhiên.

img_20240507222830.jpg
Chị Hoàng Thị Cư, Bí thư chi bộ thôn Bản Tâng, xã Đà Vị (Na Hang).

Hành trình tìm đến loài cây có khả năng chịu hạn, trồng được trên đất đồi hoang hóa là hành trình dài. Chị Cư bảo, phải bỏ nhiều công tham khảo qua mạng Internet, rồi học hỏi ngay cán bộ khuyến nông xã và huyện khi có cơ hội, mất gần 6 tháng chị được tiếp cận với cây cam sành. Để tìm câu trả lời, chị lặn lội lên tận xã Phù Lưu (Hàm Yên) tham quan và học cách trồng cam, nhưng sau khi nghe kể về điều kiện tự nhiên của đất Bản Tâng ai cũng lắc đầu ngán ngẩm.

Không từ bỏ, một lần được xem về tiềm năng trồng cây cam Vinh trên triền đồi dốc ở một số địa phương trên ti vi, chị mạnh dạn gọi điện, xin tư vấn cách trồng và mua 100 cây cam giống về trồng thử nghiệm trên diện tích 3.000 m2 đất đồi. Chị kể, cuối năm 2015 khi gia đình bắt tay làm đất cải tạo để trồng cam, ai cũng lắc đầu, đến cả bố mẹ đẻ cũng cho đó là ý tưởng khá “khùng”, hai vợ chồng tự làm đất, tự cải tạo, mỗi ngày đều thay nhau gùi khoảng hơn 20 bao phân chuồng lên đồi với quãng đường gần nửa cây số để bón từng gốc cam mới trồng, hay những ngày mưa gió ở lại đồi cam để bảo vệ cây non khỏi gãy đổ, rồi chuyện canh trâu, bò của một số người dân kém ý thức thả vào phá hoại… là những kỷ niệm khởi nghiệp không bao giờ quên.

Diện tích đồi cam nằm giữa những cánh rừng, đến mùa sâu bệnh đều có xu hướng tràn sang vườn cam để phá hoại, chị kể, có những hôm sau một đêm sâu ăn gần như trụi cả 1 cây non, lúc đó cũng phải tự mày mò, tìm cách diệt sâu, trừ bệnh… Sau hơn 1 năm trời cố gắng, đến cuối năm 2016, cây cam bắt đầu phát triển ổn định và xanh tốt, cùng năm đó, chị quyết định dồn toàn bộ vốn liếng để trồng phủ kín 1 ha đất đồi của gia đình bằng cây cam.

Ông trời không phụ công người chăm chỉ, đến năm 2020, vườn cam cho những lứa quả bói đầu tiên thu được hơn 10 triệu đồng, và ổn định dần qua các năm tiếp theo. Chị Cư nhớ lại, năm 2023 vừa rồi, năng suất được hơn 12 tấn cam, được thương lái về tận nơi thu mua với giá 6.000 đồng/kg, chị thu về được hơn 70 triệu đồng. Làng trên xóm dưới kháo nhau, đất cằn quê mình tưởng để hoang thế mà trồng cam lại có thu nhập.

img_20240507222810.jpg
Chị Hoàng Thị Cư cũng là bác sỹ cây ăn quả của người dân thôn Bản Tâng, xã Đà Vị (Na Hang).

Những cây trồng mới

Trong căn nhà nhỏ nằm ở nơi cao nhất của thôn Bản Tâng, chị Cư chỉ tay về phía trước và bảo, đến nay thôn đã có 7 ha cam Vinh với 10 hộ trồng, nhiều gia đình cũng khá dần nhờ cây cam.

Gia đình ông Ngôi Văn Sách hiện có 1,5 ha cam Vinh đang kỳ thu hoạch. Ông Sách kể, ngay sau khi thấy gia đình chị Cư trồng cam và mang lại hiệu quả, năm 2017, ông cũng cải tạo toàn bộ 1,5 ha diện tích đất đồi để chuyển sang trồng cam. Ông bảo, lúc đầu cây cam nhiều sâu, bệnh, nhưng được chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc nên cây phát triển tốt, dự kiến nếu thời tiết năm nay thuận lợi ông sẽ thu hoạch khoảng trên 15 tấn cam, dự kiến thu khoảng 80 triệu đồng.

Nhờ những việc đứng lên làm trước và mang lại hiệu quả nên chị Cư được nhân dân tin tưởng. Năm 2020 chị được đảng viên trong chi bộ tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ. Chị tâm sự, toàn thôn Bản Tâng hiện có 111 hộ, trong đó có 30 hộ nghèo, đa số người dân đều làm kinh tế nông nghiệp và cũng chỉ làm lúa 1 vụ nên thu nhập chỉ đạt 20 triệu đồng/người/năm và nếu không nâng hệ số sử dụng đất thì khó có thể nâng cao thu nhập.

Đầu năm 2023, trong một lần đi thăm họ hàng tại xã Công Bằng, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), chị được tiếp cận với cây sâm đương quy, loài cây có đặc tính khai thác được cả củ, thân, lá, thời gian trồng và khai thác ngắn ngày, nếu làm đúng kỹ thuật thì vẫn trồng được thêm 1 vụ lúa trên cùng diện tích đất. Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị liên hệ một cơ sở cây giống tại huyện Sìn Hồ (Lai Châu) mua 1.000 cây giống về trồng thử trên diện tích 1 sào đất ruộng.

img_20240507222903.jpg
Chị Hoàng Thị Cư hướng dẫn nhân dân cách phát hiện sâu bệnh trên cây sâm đương quy.

Là loài cây mới lần đầu tiên được trồng nên sâu bệnh nhiều, cây sâm không chịu được thuốc bảo vệ thực vật mà phải sử dụng các chế phẩm sinh học từ tỏi, ớt để phun cho cây. Chị kể, nhiều lúc tự làm thuốc tay rộp lên vì bỏng, nhưng nghĩ đến tương lai người dân chị lại thêm phần cố gắng và có động lực. Cuối năm 2023 vườn sâm thu về được 1 tạ củ, với giá bán 100.000 đồng/kg, chị thu về được hơn 10 triệu đồng.

Năm nay, Bí thư chi bộ Cư “đánh liều” đầu tư 40 triệu đồng để cải tạo 1 ha đất lúa, mua 1,1 vạn cây sâm giống về trồng. Chị tự tin chia sẻ, vườn sâm hiện đang phát triển tốt, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, đến tháng 7 âm lịch sẽ được thu, sau đó sẽ canh tác được 1 vụ lúa, hiệu quả sử dụng đất tăng gấp đôi và hiệu quả kinh tế lại tăng thêm 4 lần.

Chúng tôi hỏi, chị có lo về đầu ra không, nhưng chị quả quyết, đang bắt đầu sử dụng mạng xã hội để sản xuất các video ngắn giới thiệu quy trình trồng, chăm sóc cây sâm đương quy và được rất nhiều người quan tâm và nhiều đầu mối đã liên hệ để bao tiêu sản phẩm.

Đồng chí Dương Văn Nội, Bí thư Đảng ủy xã Đà Vị chia sẻ, thôn Bản Tâng hôm nay thật sự có nhiều cái mới, người dân đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các cây, con mới vào sản xuất, đặc biệt mô hình trồng cây cam Vinh và sâm đương quy xã rất khuyến khích phát triển. Tin tưởng rằng, một ngày không xa, từ mô hình trồng cam Vinh, sâm đương quy sẽ giúp thêm nhiều hộ dân trong thôn vươn lên thành hộ khá, giàu.

Theo Báo Tuyên Quang
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO